Ảnh minh họa
Theo chuyên gia tâm lý, việc cắt phăng "của quý" của người đàn ông để "hết phương tiện" là hành động thiển cận của nhiều bà vợ. Sau sự việc có những gia đình may mắn tái hợp vì còn tình còn nghĩa, nhưng có gia đình rơi vào cảnh vợ chồng âm dương cách biệt. Thậm chí, có gia đình từ mặt nhau bởi không vượt qua ranh giới của hận thù. Việc này sẽ là thiếu công bằng nếu chỉ nói là nỗi của 1 ai đó. Bởi "không có lửa làm sao có khói".
Người phụ nữ chân yếu tay mềm vì sao lại nỡ xuống tay tàn độc được như vậy với người đã từng "đầu gối tay ấp"?. Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho rằng, khi quyết định sống chung, kết hôn với một người đàn ông, thông thường tâm lý của phụ nữ đặt hết niềm tin vào người đàn ông đó. Họ mong có thể đi hết quãng đường đời cùng người đó.
Thường khi đã đặt hết niềm tin vào đó mà để mất niềm tin, người phụ nữ sẽ trở nên rất đáng sợ. Họ cho rằng người đàn ông sẽ phải chịu trách nhiệm về những hành động đồi bại mà anh ta đã gây ra. Thế nhưng họ lại hành xử mất kiểm soát.
Đành rằng chúng ta cần cảm thông với người vợ khi phải chịu sự phản bội, đả kích nhưng không có nghĩ là đồng tình với hành vi xâm hại nghiêm trọng sức khỏe của người khác. Những hành động này sẽ phải trả giá trước pháp luật. Việc sử dụng bạo lực để trả thù có thể làm thỏa mãn sự bức xúc của bản thân ở thời điểm đó nhưng lại không phải cách ứng xử khôn ngoan. Nóng giận cũng sẽ khiến cho bản thân không thể kiểm soát được cảm xúc, hành vi của mình.
Chuyên gia tâm lý khuyên, khi người chồng phản bội, người phụ nữ cần bình tĩnh để thiết lập lại cuộc sống của mình cũng như mối quan hệ vợ chồng. Chị em cũng đừng quá kì vọng, đặt quá nhiều niềm tin ở nửa kia của mình vì khi kì vọng quá lớn sự thất vọng càng nhiều.
Trước tình huống phát hiện về sự phản bội người đàn ông của mình, người phụ nữ cần tìm hiểu kỹ về mối quan hệ ngoài luồng trước khi quyết định nên làm gì tiếp theo. Nếu không thể để người đàn ông của mình quay trở lại, đừng tiếc nuối mà hãy buông tay để có thể tìm những gì phù hợp nhất với mình.