Vượt lên số phận, người đàn ông tàn tật khiến thiếu nữ lành lặn nguyện “nâng khăn sửa túi”

Hai chân teo tóp sau trận ốm khiến cậu bé Hồ Hữu Vinh chưa một ngày được đến trường. Tuy vậy, vinh đã làm nên kỳ tích khi tự học chữ, mày mò trở thành thợ sửa chữa điện tử, điện dân dụng.

Từ người khuyết tật tưởng như tàn phế, chàng thanh niên trẻ đã vượt lên nghịch cảnh, trở thành ông chủ của tiệm sửa chữa đồ điện có tiếng tại địa phương. Người thanh niên bị teo hai chân còn khiến dư luận bất ngờ khi đã có tình yêu đẹp với cô gái lành lặn làng bên.

Dù bị khiếm khuyết, nhưng cơ sở sửa chữa đồ điện tử của anh Vinh luôn đông khách.

Tiệm sửa chữa điện tử của “Vinh què”

Một ngày đầu tháng 6, trời nắng như đổ lửa, nhưng trong căn nhà cấp 4 ở xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), anh Hồ Hữu Vinh (SN 1981) vẫn miệt mài với công việc sửa chữa các loại máy móc, đồ điện tử. Hai chân bị teo lại, phải dùng nạng để di chuyển nhưng điều đó không ảnh hưởng mấy đến tốc độ làm việc của anh. Điều ấn tượng là trên môi người thanh niên này luôn nở nụ cười mỗi khi được khách hỏi chuyện. Anh khiêm tốn cho biết mình không tài giỏi“ chỉ thành thạo một công việc để kiếm sống, nuôi vợ con”. Chỉ trong thời gian ngắn nhưng có đến gần chục khách hàng ra vào đã minh chứng cho tay nghề của người thợ này tại địa phương. Là con thứ 4 trong gia đình có 11 người con, lúc mớisinh, anhVinh hoàn toàn khỏe mạnh. Lên 2 tuổi, sau một trận ốm, sốt cậu bé Vinh bị lên cơn co giật, rồi teo hai chân từ đó. Do hoàn cảnh khó khăn nên vợ chồng ông Hồ Hữu Vân không kịp thời đưa con đi chạy chữa. Đến khi Vinh được nhập viện thì bệnh tình đã quá muộn. Sau thời gian dài chạy chữa, Vinh may mắn cứu vãn được một phần chân phải. Nhờ vậy, anh thoát cảnh phải ngồi một chỗ suốt đời mà có thể tự chống nạng đi lại được. Bị tật nguyền, gia đình khó khăn nên từ nhỏ nên cậu bé ấy cũng mất luôn cơ hội được đến trường. Không chịu thua bạn bè, ở nhà nhưng Vinh tự mày mò, tập viết, làm toán. Nhờ sự hỗ trợ thêm từ bạn bè, cậu bé tật nguyền ấy đã có thể biết đọc, biết viết. Vinh còn khiến nhiều người ngạc nhiên khi tự mày mò sửa chữa được các đồ điện trong gia đình. Tài năng của cậu thiếu niên tàn tật được mọi người ủng hộ. Chia sẻ thêm về công việc mình gắn bó, người đàn ông này tâm sự, vì tật nguyền, quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn trong nhà nên Vinh ít bạn bè. Không có đồ chơi, cậu bé ấy lôi đồ điện của trong nhà như chiếc quạt, ốc vít, máy bơm nước ra nghiên cứu. Để rồi sự đam mê sửa chữa các thiết bị điện tử dần ngấm vào người Vinh lúc nào không hay. “Mình bị tàn tật, đó là điều thua thiệt hơn so với mọi người. Nhưng nếu mình an phận thì không ai có thể giúp mình được. Do vậy, phải tự vươn lên, kiếm một cái nghề để có thể tự nuôi sống mình và giảm gánh nặng cho người thân”, anh bộc bạch. Nhờ “mát tay” trong việc sửa chữa đồ điện tử, khi chỉ là cậu thiếu niên 16, 17 tuổi Vinh đã có nhiều mối khách quen. Năm 2006, vì muốn nâng cấp tay nghề cũng như có thể sửa chữa được nhiều đồ hiện đại hơn, anh quyết định khăn gói vào TP. Vinh theo học khóa đào tạo sửa chữa điện tử 6 tháng. Đó là khoảng thời gian vất vả, cực nhọc khi lần đầu tiên anh xa nhà, phải một tay lo mọi chuyện từ chợ búa, cơm nước. “Nhiều đêm ngồi một mình trong phòng trọ, tôi cảm thấy tủi thân, muốn buông xuôi. Nhưng rồi, nghĩ đến bố mẹ ở nhà, tôi lại tự động viên mình phải cố gắng vượt qua”, anh Vinh nhớ lại. Trở về quê sau thời gian đi nâng cao tay nghề, ki ốt nhỏ của anh càng đông khách hơn. Nhờ đó, dù tàn tật, thua thiệt các bạn đồng trang lứa nhưng anh được cho là người kiếm tiền không thua kém ai. Tinh thần làm việc đầy tâm huyết, cùng lối sống lạc quan của anh trở thành động lực cho nhiều người cùng cảnh ngộ.

 

Ông chủ tàn tật còn khiến nhiều người cảm phục khi có tình yêu đẹp với cô gái lành lặn làng bên.

Đám cưới đặc biệt

Khi người thân, bà con lối xóm chưa hết trầm trồ thán phục về nghị lực thì chàng trai khuyết tật ấy tiếp tục đem bất ngờ khác cho mọi người. Chuyện anh “Vinh què” có người yêu là cô gái lành lặn, xinh xắn làng bên khiến nhiều người bàn tán, tò mò. Càng bất ngờ hơn khi biết rằng, người chủ động theo đuổi trước không phải là anh Vinh mà là cô gái lành lặn. Cô gái ấy tên là NguyễnThị Vân (SN 1983). Chị Vân vốn người xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu là cô gái hoàn toàn khỏe mạnh. Cả hai quen nhau trong một dịp rất tình cờ. Theo lời kể của anhVinh, trong một lần sang xã bên có công chuyện, anh vô tình gặp chị Vân. Lúc đó, anh chỉ xem chị Vân như bao cô gái khác, nhưng cô gái ấy thì không. Từ chỗ cảm phục nghị lực của chàng trai tật nguyên, chị Vân đã đem lòng yêu và công khai theo đuổi anh Vinh. Anh Vinh tếu táo kể chuyện: “Tuy mình tật nguyền nhưng được cái có nhiều cô gái lành lặn yêu mến, ngỏ lời. Tuy nhiên, mình đều từ chối cho đến khi gặp vợ tôi. Hay nói cách khách, để chiếm được trái tim của tôi thì vợ tôi đã phải “chọi” với nhiều đối thủ”. Nghe chồng nói chuyện, chị Vân ngồi phía trong cười mỉm. Chia sẻ về lý do chọn một người tàn tật làm chồng, người phụ nữ này nói không có lý do cụ thể. “Nhìn anh ấy khó nhọc đi lại trên xe ba bánh, tàn tật nhưng không ngừng phấn đầu khiến tôi đem lòng yêu mến lúc nào không hay”, chị kể. Tất nhiên, tình yêu đó của chị lúc đầu bị mọi người trong gia đình cấm cản. Bởi họ không muốn đứa con gái duy nhất trong gia đình chịu thiệt thòi, khổ lấy một người chồng không lành lặn. Thế nhưng, trước sự kiên quyết và tình yêu của đôi bạn trẻ, cuối cùng đám cưới đã diễn ra. Hè năm 2016, đám cưới đặc biệt của anh Vinh và chị Vân được diễn ra. Chứng kiến cảnh chú rể chống nạng sánh vai bên cô dâu xinh xắn bước vào hôn trường khiến nhiều người rơi nước mắt. Những giọt nước mắt vì hạnh phúc, vì mừng cho chuyện tình cảm động của cặp đôi đặc biệt. Đám cưới của vợ chồng anh Vinh còn có điều đặc biệt khi cùng tiến vào hôn trường còn có vợ chồng người em trai sinh năm 1988. Vì gia cảnh khó khăn và cũng muốn tổ chức lễ cưới một lần cho hai con trai nên gia đình ông Vân đã tổ chức đám cưới cho các con cùng một ngày. Đám cưới của hai cặp đôi ấy đã trở thành sự kiện “hót” của làng quê. Sau ngày cưới, hai vợ chồng anh Vinh lại tiếp tục với cuộc sống thường nhật. Để việc sửa chữa đồ điện tiện lợi hơn, vợ chồng anh quyết định thuê một căn nhà cấp 4 ở vị trí trung tâm xã để vừa làm việc vừa sinh sống. Một năm sau, niềm vui của hai vợ chồng được nhân lên khi chị Vân sinh đứa con gái đầu lòng. Gia đình có thêm thành viên khiến gánh nặng kinh tế lại đè lên vai anh Vinh. Chị Vân ngoài vài sào ruộng, hàng ngày còn tranh thủ phụ giúp chồng những công việc hàng ngày. Hiện nay, hai vợ chồng đang chuẩn bị chào đón thành viên thứ tư trong gia đình. Là khách ruột của cửa hàng sửa chữa điện tử đặc biệt, anh Trần Văn Thiên không khỏi thán phục tài năng, nghị lực của ông chủ. “Dù tật nguyền, nhưng tay nghề của anh Vinh rất chuẩn. Do vậy, tôi thường chọn địa điểm này để nhờ vả những khi có các đồ điện trong nhà bị hỏng hóc hoặc thay mới”, anh Thiên nói. Ông Trần Văn Trung, Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu cho hay, hoàn cảnh của gia đình Hồ Hữu Vinh rất đặc biệt. Anh Vinh bị tàn tật từ nhỏ, dù vậy anh luôn vượt lên hoàn cảnh để làm việc. Nghị lực của anh là tấm gương sáng cho nhiều người đồng cảnh ngộ. Còn riêng với anh Vinh khi được hỏi về mong ước của mình, chàng trai tật nguyền chỉ mỉm cười. Anh bảo, trước kia từng oán trách số phận, nhưng rồi sau bao năm tôi vui vẻ chấp nhận hoàn cảnh, an tâm làm việc để làm chỗ dựa cho vợ con. Ông trời không lấy hết của ai điều gì bao giờ, miễn sao mình có đủ nghị lực để vượt lên số phận hay không thôi.

 

Theo Pháp Luật Plus

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU