Từng nổi tiếng là xã khó khăn nhất của Thủ đô Hà Nội với gần nửa dân số là hộ nghèo, chỉ sau vài năm, nhiều hộ dân sống tập trung ở lưng chừng núi Ba Vì bỗng trở nên giàu có. Những ngôi nhà khang trang, xe hơi đắt tiền cùng con số thu nhập vài tỷ mỗi năm không còn là chuyện lạ ở vùng đất này…
Một “lương y” tự phong đang tư vấn bệnh cho khách hàng. Ảnh: P.V
Giật mình về công thức chung
Vì tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, không ít người dân đã cả tin rồi tự ý mua những thang thuốc của lương y tự phong về sử dụng mà không có hướng dẫn cụ thể. Thậm chí nhiều người còn tin rằng: Đông y lành tính vì toàn là thực vật, giá thành lại thấp hơn so với thuốc Tây nên cứ mua uống thử; khỏi thì tốt, không khỏi cũng chẳng sao, “không bổ ngang cũng bổ dọc”…
Hiện nay, Đông dược không chỉ được bán tại các phòng khám, nhà thuốc mà còn được phân phối rất mạnh qua các kênh online. So với cách bán hàng truyền thống, kênh bán hàng online đang dần chiếm ưu thế bởi “đánh” rất trúng và đúng tâm lý người bệnh: Thầy tốt thì thường ở xa, thậm chí giữa vùng rừng thẳm núi hoang(?). Người bệnh vốn sức khoẻ yếu, đi lại khó khăn. Mua bán qua kênh online thì đỡ tốn công, chỉ cần “alô” là có thuốc tốt gửi về tận nhà…
Không chỉ vậy, nếu kênh online còn làm người sử dụng hồ nghi thì các “thần y” còn có chiêu khác, đó là có thể xuất hiện trên một số trang báo, tạp chí giới thiệu về các thành tích cuộc đời mình. Sau thời gian dài tìm hiểu, địa chỉ của những “thần y” xuất hiện dày đặc tại xã Ba Vì (huyện Ba Vì, TP Hà Nội). Cách đây chừng 3, 4 năm, bỗng từ đâu về những người tự nhận là có quan hệ tốt với cánh truyền thông, báo chí, tìm gặp những thầy thuốc còn chưa nhiều tiếng tăm, hứa sẽ lăng xê thành “thần y”, bán thuốc chạy như tôm tươi...
Bà Triệu Thị Thanh - Chủ tịch Hội Đông y xã Ba Vì cho hay, cả xã hiện có 117 hội viên trong Hội Đông y xã. Mặc dù đã được Nhà nước công nhận là làng nghề từ rất lâu nhưng cả Hội Đông y của xã chỉ có duy nhất 1 lương y được Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề. Với những hội viên còn lại và ngay chính bản thân bà là Chủ tịch Hội Đông y xã thì cũng chỉ mới đi học qua các lớp sơ cấp về bắt mạch, bốc thuốc và chưa đủ điều kiện để được cấp chứng chỉ, chứng nhận hành nghề. Bà Thanh cũng thừa nhận, Hội không thể nào kiểm soát được tình hình bán thuốc của các thầy lang trong xã, ví dụ như số thang thuốc được bán ra thị trường hay giá cả các loại thuốc ứng với từng bệnh.
Còn theo ông Lý Sinh Vượng – Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì, thôn Yên Sơn được Nhà nước công nhận là làng nghề từ tháng 12/2013. Mặc dù chỉ có 250 hộ nhưng có đến 45% số hộ làm nghề thuốc.
Là một người có kinh nghiệm trong nghề, ông Vượng khẳng định các loại thuốc Nam này rất lành tính, khi uống sẽ không có tác dụng phụ. Nếu bệnh nhân có uống sai thuốc thì sẽ chỉ mất tiền, mất thời gian chứ không ảnh hưởng đến sức khỏe(?). Các loại thuốc và thảo dược được các “lương y” bán tại địa phương đều được lấy từ trên núi xuống. Số còn lại được nhập từ các tỉnh Tây Bắc về.
Cần kiểm soát chặt chẽ
Người dân thôn Yên Sơn, xã Ba Vì (huyện Ba Vì - TP Hà Nội) tận dụng cả đường làng để phơi các vị thuốc Nam.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề trên, Đại tá Nguyễn Văn Phùng - nguyên giảng viên Học viện Quân Y (Bộ Quốc phòng) cho biết: “Các loại thuốc Nam phải được cơ quan chuyên trách của Nhà nước kiểm nghiệm và cho phép thì mới được bán ra ngoài thị trường. Còn những loại thuốc quảng cáo tự do, không được kiểm duyệt, kiểm tra thì theo tôi cần phải xem lại”.
Theo ông Phùng, nếu không được kiểm nghiệm thì không thể biết được thực hư các bài thuốc, các bài thuốc có đảm bảo hay không. Cần phải kiểm nghiệm để có bằng chứng về khoa học thì mới suy xét được các loại thuốc Nam này có tốt cho sức khỏe, trị được một số bệnh như lời quảng cáo của các lương y.
“Y học là phải thực chứng, vậy nên tất cả những bài thuốc gia truyền cũng cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Trong quá trình điều trị cũng cần phải xét nghiệm bệnh rõ ràng. Tất cả các thứ thuốc được sử dụng có tác dụng thật không, tác dụng phụ có những gì và chống trị được những gì. Tóm lại, mọi thứ cần được kiểm chứng bằng khoa học chứ nếu chỉ truyền miệng với nhau thì tôi thấy không ổn”, ông Phùng nói.
Xã Ba Vì (huyện Ba Vì – Hà Nội) có hơn 90% dân số là người dân tộc Dao sinh sống. Năm 2014, toàn xã có 174 hộ nghèo và 107 hộ cận nghèo. Những ngôi nhà lợp bằng mái tôn, chung quanh che bằng tre nứa rất tạm bợ phủ khắp các thôn xóm. Năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương này chiếm 48,7%. Nhờ nở rộ những bài thuốc Nam gia truyền, đến nay rất nhiều hộ dân trong xã đã đổi đời, xây được nhà lầu, sắm xe hơi... Xã Ba Vì cũng đang đề xuất Sở NN&PTNT Hà Nội cấp thêm đất cho người dân mở rộng nuôi trồng cây dược liệu và cây nông nghiệp.
Theo giadinh.net.vn