Theo VTV, đêm 18/10, chồng bà Hoàng Thị Luyên (xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) qua đời, khi nước lũ ào ạt đổ vể, dâng cao. Chồng bà trước đó đang mang bệnh, lại ngâm nước lũ lạnh cóng nhiều giờ. Người phụ nữ ấy dù dự trước hiểm nguy, nhưng đã không kịp đưa chồng mình đến nơi an toàn.
Nhà ngập tới nóc, lại bị mất thông tin liên lạc nên không cầu cứu được ai, bà ngồi ôm thi thể chồng nhiều giờ liền. Trong 2 ngày đầu chồng mất, gia đình bà phải treo quan tài lên lên nóc nhà để tránh dòng nước lũ.
Khi hay tin, chính quyền và hàng xóm đã khẩn trương tới cứu hộ, giúp gia đình bà lo tang lễ.
"Thi thể nằm đến 1 ngày 1 đêm. Lúc đó quan tài không có, mua mô cũng không có. Phải lấy quan tài của mẹ già...", bà Luyên khóc nghẹn chia sẻ.
Lực lượng chức năng giúp đỡ gia đình bà Luyên lo tang lễ. Ảnh cắt từ clip của VTV
Lực lượng chức năng đi thuyền tới nhà bà Hoàng Thị Luyên.
Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy - ông Đặng Đại Tình cho biết đã chỉ đạo chính quyền địa phương cấp xã trực tiếp đến gia đình, để vừa thăm hỏi động viên, vừa cùng gia đình lo chu đáo tang lễ cho người không may mắn.
Cũng ở huyện Lệ Thủy, gia đình ông Đặng Ngọc Nghiên (40 tuổi, ở đội 4, thôn Đại Phong, xã Phong Thủy) đã phải cột dây kéo quan tài người mẹ lên trần nhà khi nước lũ đổ về.
Theo ghi nhận của Tuổi trẻ online, mẹ ông Nghiên qua đời hôm 17/10. Khi các anh chị em ở quây quần giữa một cánh đồng, đang lo tang lễ thì lũ ập đến, dâng cao chỉ trong vài giờ. Thời điểm mấy anh em kịp kéo được quan tài người mẹ lên sát trần nhà cũng là lúc nước bao vây bốn bề. Tới ngày 21/10, gia đình vẫn chưa thể mai táng cho mẹ.
"Mấy anh em phải lót ván gỗ ngủ cạnh canh chừng, sợ lũ dâng nữa ngập luôn quan tài thì tội bà.
(...) Lũ tới, người dân ai cũng lo chạy lũ, còn gia đình tôi không thể chạy đâu mô, đành phải ở lại căn nhà ọp ẹp để lo cho mẹ và sấp nhỏ", người anh cả tên Đặng Ngọc Thạch (47 tuổi) kể trên báo Tuổi trẻ online.
Ông Thạch cho biết, gia đình mình nằm ở vùng trũng thấp, quan tài treo lên cao nhưng hôm trước nước vẫn dâng tới chân quan tài.
Cũng theo nguồn trên, gia đình ông Thạch thuộc diện hộ nghèo của xã, hàng năm làm nông nghiệp để dành ít thóc trong kho bán sắm sửa Tết, nay lũ về cuốn trôi đi hết.
Chiều 21/10, VnExpress thuật lại, xung quanh nhà ông Nghiên nước mênh mông, không có chỗ chôn cất. Hiện mực nước giảm xuống khoảng một mét nhưng vẫn còn ngập rất sâu, gia đình phải tháo mái ngói lấy một lối đi lại lo việc tang lễ.
Nguồn trên cũng đăng tải hình ảnh một phụ nữ cùng hai đứa trẻ mang khăn tang, cùng hướng đầu qua mái ngói khi thấy lực lượng cứu trợ.
"Hiện nước đã xuống nên gia đình theo dõi xem nước rút đến đâu. Ngày mai sẽ có một nhóm hảo tâm đem cano đến hỗ trợ chúng tôi đưa quan tài mẹ đến một gò đất cao để an táng", đại diện gia đình nói với báo VnExpress.
Chiều tối 21/10, ông Lê Vĩnh Thế, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy cho biết trên báo Quảng Bình, hiện nước đã rút khoảng 1m so với đỉnh lũ ngày 19/10, huyện đang tập trung cứu trợ cho người dân, quyết tâm không để ai đói và rét do lũ.
Tuy nhiên, trời vẫn còn mưa khá to, sóng lớn và hàng chục nghìn nhà dân trong huyện vẫn đang ngập chìm trong nước, cuộc sống đang gặp rất nhiều khó khăn.
Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy là 4,79m, trên mức báo động 3 là 2,09m, vượt mức lũ lịch sử năm 1979 gần 1m. Mưa lũ khiến hàng chục nghìn nhà dân trong huyện bị ngập sâu từ 3-5m, có nơi trên 5m.
Lực lượng cứu hộ giúp đỡ người già trong cơn lũ dữ. Ảnh: Quảng Bình online
(Tổng hợp)
Theo soha.vn