Xót xa thanh niên Hà Tĩnh bỏ mạng khi đi lao động chui ở Anh

Nhiều người ở Hà Tĩnh đi lao động bất hợp pháp tại Anh phải bỏ mạng nơi xứ người, thế nhưng, chưa đủ để cảnh tỉnh đối với một bộ phận đang mang trong mình mơ ước đổi đời.

Sau 6 ngày thông tin 39 người tử nạn trong container khi đang cố vượt biên trái phép từ Pháp sang Anh khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, tại xã Thiên Lộc (huyện Can Lộc) bầu không khí càng căng thẳng.

Địa phương này có 5 người trên đường sang Anh bị mất liên lạc trùng với thời điểm phát hiện các thi thể kể trên.

Căn nhà 2 tầng khang trang của gia đình ông Đ.Đ.D (62 tuổi) nằm cuối thôn Tân Thượng, xã Thiên Lộc. Đây là tài sản để lại của người con trai thứ 2 của ông tên Đ.Đ.T (SN 1985) đã mất ở Anh cách đây 7 năm.

Căn nhà của vợ chồng ông D. tại xã Thiên Lộc

Hỏi về người con đã mất, ông D. buồn rầu cho hay: T. vượt biên sang Anh làm việc, bị điện giật chết trên đường trốn cảnh sát.

Ông D. kể, năm 2007 sau khi tốt nghiệp phổ thông anh T. liên lạc với đường dây qua châu Âu xin việc làm. Khoảng giữa năm đó, T. lên máy bay sang Tiệp Khắc với chi phí 6.500 USD.

Đến Tiệp Khắc, anh T. làm việc tại đây hơn 1 năm để gom tiền gửi về trả nợ, đồng thời dành dụm được một khoản tiền khá lớn. Năm 2008, T. quyết định tham gia vào một đường dây vượt biên sang Anh với chi phí 4.500 euro.

So với nhiều người Việt, chuyến đi của anh T. khá suôn sẻ bởi không bị cảnh sát Anh phát hiện và trục xuất. Đến được nước Anh, T. chăm chỉ làm, công việc chính là chăm sóc cần sa. Chẳng mấy chốc anh gom góp được khoản tiền lớn gửi về cho bố mẹ xây hai ngôi nhà khang trang.

“T. sang làm việc bên ấy có tháng thu nhập cả trăm triệu đồng, chính hai ngôi nhà gia đình tôi đang ở là tiền T. lao động bên Anh gửi về xây”, ông D. cho hay.

Vào tối 25/7/2012, T. cùng hai người Việt nữa đi sinh nhật bạn trên một chiếc xe con không đăng ký đã bị cảnh sát phát hiện.

Hai người bạn bị bắt, còn anh T. thoát khỏi xe bỏ trốn nhưng không may vướng vào dây điện khi cố thoát xuống một đường tàu. Anh vĩnh viễn ra đi nơi xứ người khi mới bước vào tuổi 27.

Bà L. xót xa khi nói về người con thứ 2 tử nạn bên nước Anh.

“Nghe tin con mất tôi không tin vào tai mình, nhưng sự thật đành phải chấp nhận, con mình đi làm không hợp pháp biết làm sao được. Cũng may những người cùng quê tốt bụng sớm đưa thi thể T. về”, bà V.T.L (mẹ anh T.) trải lòng.

Trường hợp của anh T. không phải là cá biệt, bởi chỉ cách đây hơn 1 tháng, người dân thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc) cũng bàng hoàng khi nhận hung tin anh P.V.Đ (SN 1986) tử nạn tại nước Anh.

Theo gia đình nạn nhân, anh Đ. sang Anh lao động theo đường không hợp pháp mới chỉ hơn 8 tháng.

Không còn dám cho con đi lao động chui sang Anh

Bà V.T.L dẫn chúng tôi lên tầng 2, nơi đặt phòng thờ của anh T. Sau khi thắp hương lên bàn thờ con, bà L. xót xa kể, nó mất trẻ quá, chưa kịp lấy vợ.

Vợ chồng bà L. có 3 người con, người con đầu hiện làm ăn ở nhà, T. là con thứ 2 đã mất. Con trai thứ 3 tên T.H. đang làm việc ở Đức.

Một góc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc.

T.H. đã có vợ và 2 con, tốt nghiệp phổ thông thì đi nghĩa vụ quân sự, sau khi giải ngũ T.H. theo một đường dây sang Đức tìm việc làm.

“Nó không có nghề nghiệp gì nên đành phải cho nó đi nước ngoài làm ăn, ngày nào không gọi về tôi lại đứng ngồi không yên”, bà L. nói. Theo bà L., trước đây bà cũng nghe dân làng nói vượt biên sang Anh rất nguy hiểm, nhưng vì ở nước ngoài kiếm tiền dễ dàng hơn nên chấp nhận cho con đi.

“Bây giờ gia đình không dám cho đứa con thứ 3 vượt biên sang Anh lao động nữa bởi vì đứa thứ 2 đã từng mất ở đó rồi”, bà L. nói.

Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc Đặng Anh Tuấn cho biết, tính từ năm 2010 tới nay, ở địa phương có 5 công dân đi lao động tại châu Âu tử vong, trong đó 1 người tử vong ở Anh, 3 người ở Đức và 1 tại Ba Lan.

Trong số này có trường hợp hai anh em ruột tử vong khi đang lao động ở Đức.

Ông Tuấn cũng xác nhận, anh T. ở thôn Tân Thượng bị tử vong khi đang lao động ở Anh.

Ông Đặng Văn Dũng, Trưởng Phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, hiện toàn tỉnh có 4.690 người làm việc ở châu Âu, trong đó có 1.500 người ở Nga, 850 người ở Đức, 780 người ở Séc, 360 người ở Anh.

Đối với người đi lao động bất hợp pháp, Sở không thống kê được đầy đủ vì họ không đi theo con đường chính thống do ngành quản lý.

“Sở dĩ công dân đi lao động bất hợp pháp ở một số nước châu Âu khá nhiều bởi ở đó có thu nhập tốt. Trong khi đó, yêu cầu về tay nghề, trình độ ngoại ngữ của đất nước họ rất cao nên lao động của mình rất khó đáp ứng khi tuyển dụng hợp pháp”, ông Dũng nói.

 
 

 

Theo Tri Thức Trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU