Đầu tháng 11/2023, trong dịp về Việt Nam, Thanh Huyền (22 tuổi, du học sinh tại Australia) bất ngờ biết tin chị gái 32 tuổi vừa được chẩn đoán vô sinh sau 5 năm kết hôn. Giống như chị gái, Huyền có triệu chứng đau bụng nhiều mỗi khi đến kỳ "đèn đỏ", chu kỳ kinh nguyệt ngày càng thất thường, thưa thớt. Cô quyết định đến Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM (IVFTA-HCMC) (địa chỉ tại số 2B, Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP. HCM) để khám.
Cầm kết quả siêu âm với thông tin "theo dõi lạc nội mạc tử cung trong cơ" và xét nghiệm chỉ số dự trữ buồng trứng (AMH) suy giảm chỉ còn 1.5 (nữ giới trong độ tuổi sinh sản có chỉ số AMH trung bình từ 2-6ng/ml) khiến Huyền bần thần bởi nguy cơ khó có con tự nhiên như chị gái, trong khi chưa kết hôn và con đường học tập đang nửa chừng. Được chị gái động viên, Huyền quyết định trữ trứng bảo tồn sinh sản trước khi trở lại Australia.
Sau dùng thuốc kích thích buồng trứng với phác đồ nhẹ, Huyền được bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú chọc hút được 15 trứng trưởng thành, chất lượng tốt, trữ đông bằng kỹ thuật thủy tinh hóa.
Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Tú tư vấn quy trình trữ trứng bảo tồn sinh sản cho bạn trẻ GenZ khi đến IVFTA-HCMC (Ảnh: Quốc Trung)
"Cả gia đình đều khuyến khích mình trữ trứng tại Việt Nam vì thuận tiện và tiết kiệm hơn. Tổng chi phí bao gồm xét nghiệm, thuốc kích trứng, chọc hút và lưu trữ trứng trong vòng 1 năm đầu tại IVF Tâm Anh khoảng 50 triệu đồng. Trong khi tại Australia kỹ thuật này có chi phí lên tới 6.000 - 8.000 USD (khoảng 150 - 200 triệu đồng) cho một chu kỳ với thời gian lưu trữ 6 tháng đầu tiên. Chưa kể đến chi phí thực hiện IVF cao gấp 2-3 lần. Tại IVF Tâm Anh, chi phí thực hiện IVF dao động từ 100 - 120 triệu đồng/1 chu kỳ. Trong khi đó, kỹ thuật công nghệ 2 quốc gia đều tương đương nhau, thậm chí kỹ thuật trữ trứng và IVF từ trứng rã đông tại Việt Nam có tỷ lệ thành công cao hơn rất nhiều, lên đến 97%", Huyền nói và cho biết đã rất yên tâm khi khả năng sinh sản được bảo tồn kịp thời, trong tương lai chủ động được thời gian sinh con khỏe mạnh theo mong muốn.
Tương tự, anh Đặng Tuấn (33 tuổi, TP.HCM) kết hôn được nửa năm chưa có con thì phát hiện mắc căn bệnh ung thư tinh hoàn hiểm nghèo. Trước đó các dấu hiệu bệnh diễn tiến âm thầm nhưng không đi khám, khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn 2, tế bào ung thư bắt đầu di căn. Bác sĩ chỉ định cần cắt bỏ tinh hoàn chứa khối u, hóa và xạ trị tiêu diệt triệt để tế bào ung thư. Được bác sĩ tư vấn sau điều trị sẽ có nguy cơ cao vô sinh nên anh quyết định trữ tinh trùng bảo tồn khả năng sinh sản.
"Tôi đã trữ đông 3 mẫu tinh trùng tại IVFTA-HCMC. Sau điều trị, vợ chồng tôi sẽ trở lại làm thụ tinh ống nghiệm để sinh con", anh Tuấn cho hay.
Huyền và anh Tuấn là một trong nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z (sinh năm 1997 trở về sau) và Gen Y (sinh năm 1981-1996) chọn bảo tồn khả năng sinh sản, chủ động có trách nhiệm với tương lai.
Ghi nhận tại IVFTA-HCMC, năm 2022 đơn vị này tiếp nhận gần 500 phụ nữ trữ trứng chờ ngày làm mẹ. 6 tháng đầu năm 2023, số ca tăng 30% so với cùng kỳ 2022. Cao điểm, một tuần các bác sĩ tiếp nhận 10-15 ca. Độ tuổi trữ tinh trùng và trứng được ghi nhận trung bình từ 25 đến 38 tuổi. Trường hợp nữ trữ trứng trẻ tuổi nhất là 18 tuổi, và nam giới trữ tinh trùng trẻ tuổi nhất là 16 tuổi do phát hiện mắc bệnh lý hiểm nghèo có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản như ung thư buồng trứng, ung thư tinh hoàn.
Tế bào trứng/ tinh trùng được chuyên gia phòng lab trữ đông bằng kỹ thuật thủy tinh hóa, bảo quản trong môi trường chuyên biệt đến âm 196 độ C (Ảnh: Quốc Trung)
ThS.BS Giang Huỳnh Như, Giám đốc IVFTA-HCMC cho hay, trữ trứng và tinh trùng bảo tồn khả năng sinh sản là xu thế của rất nhiều quốc gia vì nhu cầu rất cao trong xã hội. Nguyên nhân do tỷ lệ vô sinh hiếm muộn ngày càng gia tăng trên toàn cầu; tỷ lệ mắc các bệnh ung thư đe dọa khả năng sinh sản ngày càng gia tăng; xu hướng giới trẻ ngày càng ưu tiên phát triển sự nghiệp dẫn đến kết hôn và sinh con muộn tăng nguy cơ vô sinh và sinh con dị tật; cộng đồng LGBT đã ý thức nhiều hơn trong bảo tồn sinh sản trước khi chuyển giới…
Kỹ thuật đông lạnh trứng thường được chỉ định cho những trường hợp người phụ nữ có một số vấn đề về sức khỏe sinh sản như các bệnh lý ung thư cần hoá trị, xạ trị; các bệnh lý phải cắt bỏ buồng trứng, ung thư buồng trứng…; phụ nữ giảm dự trữ buồng trứng và cần gom trứng nhiều lần đến khi có nhu cầu sử dụng; phụ nữ muốn chủ động trữ trứng vì nhu cầu xã hội, chưa sẵn sàng có con. Ngoài ra, trong ngày điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, nếu người chồng không lấy được mẫu tinh trùng, trứng cũng sẽ được trữ lại.
Theo số liệu thống kê tại Mỹ, số lượng nữ đông lạnh trứng đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2015 đến 2020, nhu cầu đông lạnh phôi tăng gần 60%. Tại Anh, đông lạnh và lưu trữ trứng đã tăng đáng kể sau đại dịch Covid-19, từ 2.576 chu kỳ vào năm 2019 lên 4.215 vào năm 2021 (tăng 64%), trong khi lưu trữ phôi cũng tăng. Số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm và thụ tinh nhân tạo đã tăng 10% từ năm 2019 đến 2021 (khoảng 7.000 chu kỳ).
Trữ trứng và tinh trùng hiện là xu thế tất yếu giúp thế hệ trẻ chủ động có trách nhiệm cho tương lai, tuy nhiên đây là kỹ thuật khó trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. Bởi riêng về tế bào trứng là tế bào lớn nhất trong cơ thể người và chiếm đến 99% thành phần là nước khiến tỷ lệ chết khi trữ và rã đông cao, do đó không phải trung tâm nào cũng có thể thực hiện được.
Việc trữ trứng khiến đồng hồ sinh học của trứng dừng lại ở thời điểm lấy trứng. Khi muốn sử dụng trứng đông lạnh, trứng cần trải qua quá trình rã đông, thụ tinh với tinh trùng trong phòng thí nghiệm và cấy vào tử cung của người sẽ mang thai. Tại IVFTA-HCMC, sau kỹ thuật trữ trứng, tỷ lệ trứng sống sau rã đông lên đến 95%. Ngay cả với bệnh nhân lớn tuổi, kết quả vẫn rất tốt. Do đó, với những bạn trẻ có nhu cầu, trữ trứng là một lợi thế vì lượng trứng còn nhiều, chất lượng trứng còn tốt, chỉ cần kích thích buồng trứng một lần, chọc hút trứng một lần đủ số lượng trứng.
Tại IVFTA-HCMC được ứng dụng công nghệ thủy tinh hóa bằng Cryotop Safety Kit (bộ dụng cụ đặc biệt để đáp ứng cho kỹ thuật thủy tinh hóa) là công nghệ hiện đại nhất cho đến nay, ưu điểm vượt trội bởi tốc độ hạ nhiệt độ nhanh, giảm sốc lạnh và các nguy cơ tinh thể đá, đảm bảo tỷ lệ sống của tế bào và tỷ lệ IVF thành công sau rã đông lên đến 97%.
"Công nghệ này giúp người dân dễ dàng bảo tồn chức năng sinh sản, hạn chế xin tinh trùng hoặc trứng hoặc con nuôi trong tương lai, đặc biệt là chủ động được thời gian sinh con khỏe mạnh", ThS.BS Giang Huỳnh Như nhấn mạnh.