Ăn canh nấm 3 người tử vong, 1 người nguy kịch

Theo các bác sĩ, vào mùa xuân thời tiết mưa ẩm là điều kiện để các loại nấm sinh sôi nảy nở và mùa này cũng là mùa có nhiều ca ngộ độc nấm. Các bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không nên ăn nấm dại

Mới đây, một gia đình ở Hà Giang đã phải nhập viện cấp cứu vì ăn nồi canh nấm. Cho đến hiện tại sức khỏe người chồng đã tạm ổn định nhưng chưa nói được gì còn vợ, con dâu và con trai đã tử vong.

Gia đình ông Sùng Diêu Hồng (SN 1966, chủ hộ); bà Sùng Thị Vá (SN 1970, vợ ông Hồng); anh Sùng Văn Hoành (SN 1990, con ruột ông Hồng) và chị Ly Thị Pà (SN 1995, con dâu ông Hồng) sống tại xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Trước đó, khoảng 7h ngày 28/3, ông Hồng đi hái nấm về ăn sáng và cả gia đình 4 người cùng ăn. Đến khoảng 15h cùng ngày, cả 4 người có biểu hiện nôn, tiêu chảy, đau bụng, chóng mặt. Khoảng 23h30 cùng ngày, mọi người trong gia đình đưa 4 nạn nhân đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang.

Do chất độc quá nặng nên anh Sùng Văn Hoành đã tử vong lúc 13h31, ngày 31/3; tối 1/4, bà Sùng Thị Vá cũng tử vong; Chiều ngày hôm qua 2/4 chị Ly Thị Phà cũng tử vong và được gia đình đưa thi thể quê nhà mai táng theo phong tục địa phương. Còn ông Hồng được đưa lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. 

TS Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại thời điểm được đưa đến viện, bệnh nhân tỉnh táo, tuy nhiên các kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân đang có dấu hiệu bị suy gan. Sau mấy ngày cấp cứu và truyền dịch lọc đến nay bệnh nhân Hồng tỉnh táo, tiếp xúc tốt, hết đau bụng, đi ngoài nhưng men gan đang gia tăng.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể đưa ra tiên lượng bởi ngộ độc nấm thường gây ngộ độc muộn, phải đợi ít nhất 3 tuần mới có thể khẳng định.

Mùa xuân năm nào cũng là mùa có nhiều bệnh nhân ngộ độc nấm nhất. Tại trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai các bác sĩ cho biết đa số các bệnh nhân nhập viện đều nặng có gia đình cùng nhau ăn canh nấm thì tử vong gần hết.

Theo các bác sĩ, triệu chứng ngộ độc nấm thường gặp đầu tiên là loạn nhịp thở, chóng mặt buồn nôn, rối loạn hoạt động của bộ máy tiêu hóa, gan thận, co giật, rối loạn thần kinh, tim mạch, hôn mê và tê liệt thần kinh trung ương.

TS Dũng cho biết nấm độc nhất là nấm tán trắng. Trong thành phần nấm này có chứa độc tố amatoxin, gây hại gan và chỉ sau một thời gian ngắn sẽ gây liệt gan, hôn mê gan, bệnh nhân dễ rơi vào tử vong do suy đa phủ tạng.

Một ca ngộ độc nấm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Loại nấm này ngộ độc chậm, trung bình từ 6 đến 12h mới có dấu hiệu đau bụng. Vì ăn đã lâu nên không thể gây nôn. Bệnh nhân có triệu chứng đau bụng kèm theo tiêu chảy và khi tiêu chảy cầm được, độc tố bắt đầu gây hại gan và thận.

Chính điều này nguy hiểm hơn bởi nhiều bệnh nhân có triệu chứng đau bụng và tiêu chảy nhưng thấy cầm được tiêu chảy tưởng đã khỏi, không chịu đến viện. Đến khi có dấu hiệu liệt gan vào viện thì đã muộn.

Trước nguy cơ ngộ độc nấm, TS. Dũng cho biết, nếu ăn nấm và khi có biểu hiện ngộ độc, nếu chưa nôn thì cần móc họng hoặc uống nhiều nước rồi móc họng gây nôn (cách dễ dàng gây nôn là đưa chiếc bàn chải đánh răng vào sâu trong miệng một chút). 

Phương pháp này chỉ áp dụng cho bệnh nhân còn tỉnh, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu có than hoạt tính thì nên uống ngay với liều 2g/15kg cân nặng. Chú ý đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện đến cơ sở y tế, mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến đến cơ sở y tế để xác định sơ bộ loại nấm.

Nấm dại có màu sắc bắt mắt, nhìn ngon nên người dân vẫn hái về ăn. Thậm chí có dược sĩ lên rừng cũng hái nấm dại về ăn và ngộ độc nấm rừng.

Để phân biệt nấm dại có độc và nấm không độc rất khó, chỉ những người làm chuyên môn nghiên cứu về nấm mới biết. Cách tốt nhất là không nên ăn nấm dại.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang