Ăn hồng kiểu này dễ bị tắc ruột, ngộ độc: Chuyên gia nhắc nhở điều cần biết trước khi ăn để tránh nguy hiểm

(lamchame.vn) - Mặc dù ăn hồng giúp da hồng hào, cải thiện mái tóc và nhiều công dụng sức khỏe khác nhưng không có nghĩa bạn nên ăn tùy tiện.

Đầu tháng 10, hồng đã vào mùa và được bày bán tấp nập. Ở thời điểm này, hồng ngâm là loại được bán rất nhiều, được nhiều người tìm mua.

Ăn hồng vào mùa thu, cũng là giai đoạn chính vụ, đem lại nhiều lợi ích sức khỏe. Theo ThS.BS Dzoãn Thị Tường Vi (Nguyên Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện 198), hồng giòn là trái cây rất tốt về mặt dinh dưỡng với hàm lượng vitamin và khoáng chất dồi dào. Nó rất tốt để tăng cường miễn dịch, chủ yếu là nhờ vitamin C, beta caroten, đường gluxit…

Nhờ đặc tính giàu vitamin A, C, protein, hồng còn là nguồn cung cấp chất sắt, canxi, magie tuyệt vời. Giàu vitamin A, C, chất sắt, hồng còn được tôn vinh là loại quả dưỡng nhan với khả năng tăng sinh collagen cực tốt, giúp làn da được nuôi dưỡng khỏe mạnh.

Tuy nhiên, điều này chỉ đúng nếu bạn ăn hồng đúng cách. Có một số thói quen ăn hồng tưởng tốt, không ảnh hưởng gì, nhưng hóa ra lại là nguyên nhân gây ngộ độc, tắc ruột...

Những sai lầm khi ăn hồng cần thay đổi gấp để tránh hại thân

1. Ăn hồng lúc đói

Nhiều người cho rằng khi đói thì ăn bất cứ thứ gì cũng được để no bụng, nên có ăn hồng cũng không sao. Đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm.

Trong thành phần của quả hồng chứa tanin, gây ra vị chát đặc trưng khi quả hồng chưa chín. Khi ăn hồng xanh hoặc chưa chín tới, người ăn thường cảm thấy có vị chát. Tanin và pectin là những chất làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng nhu động ruột, gây rối loạn tiêu hóa.

Các chất tanin, pectin cộng với hàm lượng chất xơ trong quả hồng tương đối cao (100g hồng có 2,5g chất xơ), nếu ăn quá nhiều, nhất là khi đói, sẽ kết tụ dưới tác dụng của axit dạ dày. Điều này khiến bạn bị đầy bụng, khó tiêu, thậm chí còn có dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm như buồn nôn, nôn mửa… Thậm chí, chúng sẽ vón lại, tạo thành khối bã ở khu vực ruột non, dễ dẫn đến tắc ruột.

Giải pháp: Chỉ nên ăn hồng lúc no hoặc cách 1 giờ sau ăn. Tuyệt đối không ăn hồng khi đang đói vì sẽ biến thành chất gây hại cơ thể. Trước khi ăn hồng, bạn không nên ăn những thực phẩm quá nhiều đạm, vì như thế sẽ khiến việc tiêu hóa trở nên chậm hơn, dễ tạo vón thực phẩm.

2. Người mắc một số bệnh cần kiêng ăn hồng nhưng vẫn ăn

Đối với người hay bị táo bón, hệ tiêu hóa hoạt động kém, có tiền sử phẫu thuật ở vùng bụng, nhất là khu vực dạ dày, nếu ăn hồng có thể bị táo bón, gây hại cơ thể. 

Không dừng lại ở việc bị tắc ruột, nếu không được xử lý kịp thời, trẻ nhỏ khi ăn hồng ngâm thường gặp các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm như nôn mửa nhiều, đau bụng dữ dội, thậm chí bị thủng ruột… vô cùng nguy hiểm. 

Ăn hồng kiểu này dễ bị tắc ruột, ngộ độc, chuyên gia nhắc để tránh khi thứ quả ngon này đang được bán nhiều vào mùa thu - Ảnh 4.

Giải pháp:

- Nếu vẫn muốn ăn hồng, bạn cần ăn loại quả chín mềm thay vì hồng ngâm giòn đang bán nhiều hiện nay.

- Người cao tuổi, răng yếu, nhai không kỹ, nhu động ruột và tuyến nước bọt đều giảm nên cần hết sức cẩn trọng khi ăn hồng ngâm. Tốt nhất không nên ăn vì nguy cơ tắc ruột cao.

- Hạn chế tối đa cho người già, trẻ nhỏ ăn trái hồng giòn, chỉ nên ăn rất ít, 1-2 miếng nhỏ và cần nhai kỹ khi ăn.

Lưu ý quan trọng khi ăn thực phẩm chứa nhiều chất xơ như hồng ngâm

Chất tanin trong quả hồng thường tập trung vào phần vỏ. Người ta thường ngâm hồng để khử vị chát hoàn toàn, do đó khi ăn cần gọt bỏ vỏ. Đối với những quả hồng khi ăn có vị chát rõ thì cần loại bỏ ngay.

Không chỉ có quả hồng ngâm, một số loại quả chát, chứa nhiều bã xơ như hồng xiêm, măng, sung, mít, ngô… cũng rất dễ hình thành bã thức ăn gây tắc ruột. Do đó, khi ăn những loại thực phẩm này, bạn cần hết sức cẩn trọng. Nguyên tắc vẫn là không ăn quá nhiều một lúc, nhất là khi đói để tránh những hậu quả không mong muốn.

Để phòng chống nguy cơ tạo khối bã thức ăn đường tiêu hóa, tránh tắc ruột, giúp cải thiện hệ tiêu hóa, mọi người cần lưu ý khi ăn uống nên nấu chín, ninh nhừ thức ăn cho trẻ nhỏ và người cao tuổi. 

Khi ăn phải nhai kỹ, không ăn quá nhanh hoặc nuốt chửng các loại rau quả đảm bảo không chứa quá nhiều tanin và hàm lượng chất xơ cao. Những người có tiền sử bệnh lý răng miệng, bệnh đường tiêu hóa hay đã phẫu thuật dạ dày, ruột... là nhóm đối tượng cần cẩn trọng hàng đầu.

(Ảnh: Tuấn Minh)

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang