Gửi gắm hi vọng giảm cân vào "chế độ ăn kiêng ngược"
Tháng Giêng vừa qua, nữ diễn viên, người mẫu Tyla Gomez, 24 tuổi, đã quyết định giảm cân. Nguyên nhân là bởi lượng mỡ thừa quanh eo, cánh tay và đùi khiến cô cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Cô đã hạn chế ăn uống hết sức có thể, giới hạn bản thân chỉ tiêu thụ 1.250 calo mỗi ngày. Thế nhưng cô vẫn không thể giảm cân. Có vẻ như cô sẽ không bao giờ có thể mặc lại được chiếc quần jean skinny mới mua.
Tyla Gomez đã cân nhắc tới việc hút mỡ hoặc giảm lượng calo hơn nữa.
Nhưng rồi, cô quyết định thử một thứ mà cô đã thấy trên mạng xã hội: Ăn nhiều hơn.
Chia sẻ trên NyPost, Gomez cho biết: Nó được gọi là chế độ ăn kiêng ngược. Bạn có thể giảm mỡ bằng cách tăng lượng calo để khôi phục sự trao đổi chất sau khi bị thiếu calo. "Bây giờ tôi đang ăn khoảng 1750 calo/ngày, tập thể dục nhiều hơn và tôi có thể mặc vừa những chiếc quần jean đó", cô nói.
"Chế độ ăn kiêng ngược" tuân theo chu kì gồm 3 giai đoạn chính là: thâm hụt calo, tăng calo và duy trì.
Thâm hụt calo có nghĩa là một người đang ăn ít hơn lượng calo được đề xuất cho nhóm tuổi của họ. Theo Phòng khám Cleveland, phụ nữ từ 20 đến 30 tuổi nên tiêu thụ từ 1.800 đến 2.400 calo mỗi ngày.
Sau khi thâm hụt calo trong khoảng thời gian từ 8 đến 12 tuần, người ăn kiêng bắt đầu tăng dần lượng thêm 50-100 calo vào lượng tiêu thụ hàng ngày trong 1-2 tháng.
Trong thời gian này, mọi người nên kết hợp các món ngon như thanh sô cô la, bỏng ngô, bánh quy và ngũ cốc có đường vào các bữa ăn giàu protein, bổ dưỡng của mình.
Sự gia tăng calo tiếp tục cho đến khi người ăn kiêng đạt đến giai đoạn "duy trì". Ở giai đoạn này, họ ăn từ 2.000 đến 2.700 calo mỗi ngày mà không thấy tăng cân.
Mặc dù thiếu dữ liệu thực nghiệm, nhưng không ít người rất tin tưởng vào chế độ ăn kiêng này. Họ hi vọng nhờ đó mà có thể duy trì cân nặng lý tưởng mà không bị giới hạn trong việc ăn uống.
"Nó giúp tôi định hình lại cơ thể, ổn định hormone mà không cần né tránh thực phẩm. Tôi có thể tối ưu hóa quá trình trao đổi chất, ăn nhiều hơn, giảm mỡ và tăng cơ", huấn luyện viên thể dục Jacey Lamb, 25 tuổi, đến từ Dallas, Texas, nói với The Post.
HLV Lamb nói thêm rằng: Trong giai đoạn bảo trì, bạn không phải lo lắng về việc đốt cháy calo hoặc tăng cường độ tập luyện. Người ăn kiêng nên duy trì giai đoạn này ít nhất 3 tháng trước khi bắt đầu một chu kỳ mới.
Về rèn luyện sức mạnh, các bài tập như squats, deadlifts, shoulder pressing và push-up chính là chìa khóa.
Jacey Lamb đã giảm khoảng 4,6kg trong 1 chu kì ăn kiêng (6-8 tháng), trong đó cô bắt đầu ăn từ 1.700 calo và tăng lên 2.400 calo mỗi ngày.
Còn Tyla Gomez, mặc dù tham gia "ăn kiêng ngược" nhưng cô cũng cho biết có những thay đổi mạnh mẽ trong cơ thể. Ngoài sự thay đổi ở số đo vòng eo, đùi, cánh tay, Gomez còn vui mừng cho biết "Cảm giác thật tuyệt khi biết rằng thực phẩm không phải là kẻ thù".
Những người ăn kiêng ngược như Gomez và Lamb thường thực hiện các bài tập nâng tạ 45-60 phút 3-4 lần/tuần để đốt cháy chất béo từ lượng calo dư thừa và xây dựng khối lượng cơ bắp.
Danica Doble, 21 tuổi, người đã sử dụng phương pháp này để giảm 18,1kg kể từ tháng 1/2020, cho rằng chế độ ăn kiêng ngược đã cứu sống cô. Nhờ ăn kiêng ngược từ 1.800-2.300 calo, cô đã giảm từ 81,6kg xuống còn 63,5kg.
"Điều này cho phép tôi ăn nhiều thức ăn hơn và có thể ăn những thứ tôi yêu thích như bánh quế, sô cô la và spaghetti bolognese. Tôi có nhiều năng lượng để tập luyện mà không tăng cân trở lại", cô nói.
"Ăn kiêng ngược" để giảm cân - các chuyên gia nói gì?
Những người hâm mộ phương pháp này ca ngợi nó như một cách để tăng tốc độ trao đổi chất của cơ thể và đốt cháy chất béo bằng cách ăn nhiều thức ăn hơn mà không lo tăng cân. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng có rất ít bằng chứng khoa học đằng sau "chế độ ăn kiêng ngược" và cuối cùng nó có thể làm tổn thương sự trao đổi chất của cơ thể.
Chuyên gia dinh dưỡng Amanda Edell có trụ sở tại Manhattan nói với The Post: Những người trẻ tuổi có thể giảm cân vì sự trao đổi chất của họ vẫn rất tốt. Nhưng một chế độ ăn kiêng khiến bạn thiếu hụt calo có thể dẫn đến căng thẳng cho cơ thể vì nồng độ cortisol của bạn tăng lên. Hệ thống hormone của cơ thể không hoạt động thì giấc ngủ cũng như hệ tiêu hóa của bạn cũng bị ảnh hưởng theo. Sau đó, một khi bạn bắt đầu nuôi dưỡng cơ thể với nhiều calo hơn, nồng độ cortisol sẽ giảm xuống, bạn ngủ nhiều hơn, hormone của bạn được cân bằng và giảm cân có thể xảy ra. Nhưng nó có thể không hiệu quả với tất cả mọi người.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia dinh dưỡng Abby Langer, đến từ Toronto, nói với trang The Post: Chế độ ăn kiêng ngược chỉ là một lý thuyết. Cô cảnh báo: Khi tăng lượng calo sau khi ăn kiêng hạn chế, bạn có thể không thấy tăng cân ngay lập tức. Nhưng cuối cùng, bạn sẽ tăng cân.
Một nghiên cứu năm 2019 của Đại học George Mason cho rằng cần nghiên cứu để đánh giá hiệu quả thực sự của "chế độ ăn kiêng ngược".
Chia sẻ trên trang The Conversation, Duane Mellor, giảng viên cao cấp tại Trường Y Aston, Đại học Aston đã nói rõ về vấn đề này như sau:
Mặc dù hiện tại có rất ít nghiên cứu điều tra tác động của chế độ "ăn kiêng ngược" đối với sự trao đổi chất, nhưng nó vẫn có thể giúp ích cho mọi người theo những cách khác. Khi một số người đang giảm cân, họ có thể cảm thấy kiểm soát được cách họ ăn. Nhưng đối với một số người, ngừng ăn kiêng có thể dẫn đến mất kiểm soát về mặt nhận thức. Chế độ "ăn kiêng ngược" có thể mang lại cho một số người sự tự tin để quay lại cách ăn uống bền vững hơn hoặc giúp họ thoát khỏi chu kỳ ăn kiêng hạn chế.
Nguồn: NyPost, Conversation
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.