Từ tháng 9 đến tháng 4 hàng năm là mùa của rau cải. Vào lúc này, rau cải vừa ngon vừa xanh, lại giòn ngọt rất giàu dinh dưỡng. Nghiên cứu cho thấy, rau cải có chứa nhiều vitamin A, B, C, K, axit nicotic, catoten, abumin, giàu canxi... tốt cho sức khỏe người ăn.
Theo y học cổ truyền, rau cải có vị hơi cay đắng, tính ấm; vào kinh phế. Cải xanh có thể sử dụng làm thuốc chữa bệnh, có công dụng trừ độc tiêu nhọt, chữa ho, phòng cảm mạo, chữa xuất huyết dạ dày.
Rau cải rất tốt cho sức khỏe nhưng khi ăn cần phải ghi nhớ một số lưu ý dưới đây.
Ăn rau cải có thể tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp không?
Rau cải tuy là loại rau vô cùng phổ biến ở nước ta, nhưng nhiều người lại không dám ăn nhiều vì sợ rằng "rau cải có thể tăng nguy cơ gây bệnh ung thư tuyến giáp".
Trả lời về vấn đề này, ThS. BS Nội trú Nguyễn Xuân Tuấn (Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt) phân tích như sau: "Thực ra thì đã có rất nhiều lời đồn đại như vậy. Người ta cho rằng các cây họ cải có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp vì trong rau họ cải chứa thioglucoside.
Các chất này ức chế sự vận chuyển I-ốt tới tuyến giáp, đồng thời ức chế sự kết hợp I-ốt với thyroglobulin do đó làm tăng tiết hormone kích thích tuyến giáp, cuối cùng làm tăng sinh tuyến giáp".
Tuy nhiên, ThS. BS Nguyễn Xuân Tuấn khẳng định lý thuyết không phải lúc nào cũng đúng với thực tế. Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy không có mối liên quan đáng kể nào giữa việc ăn các rau họ cải với nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp.
Ngược lại, rau cải chứa nhiều chất chống oxy hóa. Do đó nó có thể ngăn sự tổn thương tế bào DNA. Đồng thời giảm nguy cơ mắc ung thư.
"Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng người thường xuyên ăn rau cải với nhu cầu vừa đủ có thể hạn chế được nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, dạ dày hay đại tràng. Do đó, mọi người có thể yên tâm khi tiêu thụ rau cải", ThS. BS Nguyễn Xuân Tuấn cho hay.
Một số nhóm người nên thận trọng khi tiêu thụ rau cải
1. Những người đang mắc bệnh viêm đường tiêu hóa
Nếu đang mắc các bệnh về viêm đường tiêu hóa thì tốt nhất bạn không nên ăn rau cải sống, kể cả khi đã muối như kim chi, dưa muối, salad… để tránh gây kích thích cho vùng viêm loét.
2. Người bệnh gút
Các loại rau cải có hàm lượng purin ở nhóm B, 50 - 150mg/100g. Trong khi đó, các thực phẩm có hàm lượng purin cao có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh gút. Vì vậy nếu bạn thuộc nhóm người có nguy cơ mắc bệnh gút cao, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về liều lượng sử dụng loại rau này.
3. Người đau dạ dày, đầy bụng, chướng bụng
Những bệnh nhân đang mắc bệnh dạ dày, bị đầy bụng, chướng hơi thì nhất định không nên ăn nhiều rau cải kẻo dễ sinh ra nhiều khí, gây đầy bụng, đặc biệt là khi ăn sống, để phòng ngừa thì tốt nhất nên nấu chín trước khi ăn.
4. Những người đang bị sốt nóng
Bệnh nhân sức yếu, sốt nóng, yếu phổi ho khan không dùng rau cải kẻo làm tình trạng bệnh thêm trầm trọng, cơ thể thêm mệt mỏi.
5. Bà bầu nên thận trọng khi ăn rau cải
Bà bầu ăn rau cải rất tốt nhưng khi ăn nên chọn lọc bởi rau cải là loại rất dễ sâu bọ vì vậy nguy cơ phun thuốc cao.
Theo các chuyên gia, bà bầu chỉ nên ăn rau cải có nguồn gốc rõ ràng, tự trồng tại nhà, trước khi ăn cần ngâm rửa kỹ để loại bỏ hết chất hóa học nếu có.
Ngoài ra, rau cải xanh ăn sống hay rau cải muối đều không thích hợp với trẻ em, phụ nữ có thai.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.