“Hậu quả của cuộc đại phẫu này còn khủng khiếp hơn lần trước, nhấn chìm mình trong biển nước mênh mông đen đặc, sống không ra sống, chết không ra chết. Bởi mình bị hỏng nốt con mắt còn lại, giọng nói ú ớ không rõ lời. Mình rơi vào thảm cảnh vừa điếc, vừa ngọng, vừa mù. Ngoài ra là những cơn đau đớn triền miên không dứt, ngày đêm như điện giật, kim châm, đá tảng đè lên mặt. Mình tuyệt vọng, gào thét, sợ hãi, hoảng loạn, chỉ muốn được chết càng sớm càng tốt…”, đó là bức tranh u tối đến cùng cực của chị Dư Phương Liên những năm về trước.
Và hôm nay, vẫn là chị, vẫn vật lộn với những cơn đau bệnh tật nhưng vẫn yêu từng con chữ và miệt mài với niềm đam mê không bao giờ tắt.
Người chồng không biết nói lời ngọt ngào nhưng cùng vợ "vào sinh ra tử"
Năm 2004, cô giáo trẻ Dư Phương Liên đến Mỹ Đức (Hà Nội) nhận công tác. Đêm đầu tiên ở một mình giữa ngôi trường còn đơn sơ chưa có cổng và tường bao, chị có chút lo lắng. Đúng lúc ấy, thầy Đàm Trọng Tuấn, giáo viên Toán của trường đã hỏi han, giúp đỡ. Sự quan tâm của anh khiến chị có chút xao động.
Vài ngày sau có thêm nhiều đồng nghiệp tới cùng ở khu tập thể. Dù cô Liên không còn một mình nhưng thầy Tuấn vẫn năng qua lại, khi thì phụ đảo ngói, tráng bê tông nền nhà, khi lại làm đầu bếp nấu cơm cho các giáo viên.
Từ một cô giáo xinh đẹp, trẻ trung, mới 26 tuổi, chị trở thành một người phụ nữ khuyết tật.
Không biết dùng những lời ngọt ngào hay hành động lãng mạn, anh kiệm lời nhưng sự chân thành ấy khiến chị vô cùng cảm mến.
Mang bao hy vọng về tương lai tươi đẹp, anh chị về chung một nhà vào năm 2006. Thế nhưng niềm hạnh phúc chưa được bao lâu thì biến cố ập đến khi chị mang thai được 2 tháng. Chị thấy trong tai như có tiếng ve kêu, càng ngày càng không nghe thấy gì.
Đến tháng thứ 6, lúc ấy miệng chị đã hơi méo, bác sĩ chuyên khoa thần kinh chẩn đoán chị bị u não. Nhưng cái thai đã to, các bác sĩ chưa dám làm gì, hẹn khi nào chị sinh xong sẽ “xử lý”.
Anh giấu, không cho chị biết mình bị u não. Tuy vậy, anh bắt đầu tìm đọc tài liệu, thấy người ta nói phần lớn u não là u ác. Thần Chết đang dọa lấy đi tính mạng của chị ngay khi con anh vẫn còn ở trong bụng mẹ.
3 tháng cuối thai kỳ, sức khỏe chị giảm sút nhanh chóng: người mệt lả, không bước đi nổi, đau đầu, mất ngủ triền miên. Con trai mới đẻ nhưng chị cũng không thể chăm sóc, đành nhờ cả vào chồng và người thân.
Anh lại cùng chị chiến đấu với căn bệnh quái ác – đây mới chỉ là khởi đầu của những sóng gió đang chờ họ phía trước. Khi bác sĩ khuyên bệnh của chị nên sang Singapore điều trị với chi phí 500 triệu anh đã không ngần ngại quyết “bằng mọi giá phải cứu vợ”.
Vào năm 2007 đó là số tiền quá lớn nhưng khi hi vọng vừa được nhen nhóm thì hôm sau bác sĩ lại thông báo “đội ngũ giáo sư, bác sĩ Việt Nam nhận mổ ca này và tỷ lệ tử vong là trên 90%, nếu sống có nguy cơ liệt toàn thân”.
Tổ ấm ấy chỉ mới vun vén được hơn 1 năm, thành viên mới chào đời cũng chỉ mới hơn 1 tuần vậy mà giờ đây anh chị phải đối mặt với những điều quá đáng sợ. Bấy giờ chị không thể nghe nhìn nên có lẽ anh đã phải kiên cường, gồng mình hơn cả sức mạnh vốn có của một người đàn ông để chống đỡ cả gia đình này.
Anh nói dối chị mổ để chữa điếc, khi đi cạo tóc cho chị, anh còn trêu vợ: “Đầu trọc thì đẹp trai, gội đầu nhanh hơn rửa mặt, có sao đâu".
Ca mổ kéo dài 6 tiếng, khối u to khủng khiếp nhưng rất may đó là u lành. Tính mạng của chị tạm an toàn. Nhưng từ một cô giáo xinh đẹp, trẻ trung, mới 26 tuổi, chị trở thành một người phụ nữ khuyết tật. Anh luôn túc trực bên chị, tự tay hàn thanh sắt vào tường để chị bám víu tập đi. Nhưng cuộc đời chưa ngừng thử thách chị. Vài năm sau, khối u bên não phải lại phát triển lớn. Cứ thế, u lớn, chị lại mổ đến lần thứ 4. Bao nhiêu lần mổ là bấy nhiêu lần sức khỏe của chị, tiền bạc, công sức của gia đình hao hụt thêm.
Chị chán nản, mệt mỏi với cơ thể mình. Nhiều khi chị không biết mình sống vì điều gì, bệnh tật đến bao giờ mới buông tha cho chị.
Viết thư nhờ bố mẹ chồng khuyên chồng ký đơn ly hôn
Anh Tuấn càng chu đáo, yêu thương vợ thì chị Liên càng đau lòng hơn. Chị đề nghị ly hôn nhưng anh từ chối: "Vợ chồng là duyên nợ, không phải muốn đến là đến, muốn đi là đi". Nhiều lần quá anh chẳng đáp lời mà chỉ lẳng lặng quay đi. Anh hiểu những khổ sở chị đang phải chịu, anh cũng hiểu nói ra câu chia tay với người mình yêu quá nhiều khó khăn đến thế nào. Nhưng anh vẫn là anh của ngày đầu gặp chị: nhiệt thành và tử tế.
Từ ngày vợ bị bệnh, mình anh Tuấn đảm đương mọi công việc và chăm sóc chị Liên
Không thuyết phục được chồng, chị Liên viết thư cho bố mẹ chồng nhờ khuyên giải, nhưng ông bà cũng gạt đi. Lần nào chị phẫu thuật, mẹ chồng cũng lên nhà con dâu trước một ngày chuẩn bị đồ đạc. Bố mẹ chồng và cả các em anh luôn yêu quý và rất thương chị. Chị không có sức khỏe tốt như người bình thường nhưng ông trời đã ban cho chị những người thân quá tuyệt vời.
Suốt bao năm ròng rã điều trị, anh với chiếc xe máy cà tàng đưa mẹ và vợ đến viện, đưa con đi học rồi chợ búa cơm nước. Anh lao vào công việc để có thêm tiền viện phí, anh không ngại mò mẫm những món ăn nấu nướng kỳ công lách cách chỉ cần vợ thích.
Năm 2019, khối u lại xuất hiện trên cơ thể chị. Bác sĩ nói gia đình phải xác định “sống chung với nó, u mọc lên thì mổ”. Sau lần phẫu thuật thứ 5 này, các chức năng cơ thể chị ngày một yếu. Chị hỏng nốt mắt còn lại, liệt mặt, sờ không có cảm giác đau, 2 tai cũng hỏng nốt. Giọng chị bị méo mó, đi lại khó khăn.
Suốt những năm bỗng dưng thành người mù, điếc, chị thu mình vào thế giới riêng cùng với nỗi tuyệt vọng. Chị đã cố gắng rất nhiều nhưng may mắn chưa 1 lần mỉm cười với chị. Có những lúc, chị từng nảy ý định tự vẫn nhưng tình yêu của gia đình đã tiếp thêm động lực cho chị.
Ánh sáng nơi cuối đường hầm
Cuộc sống của chị Liên bắt đầu nhen nhóm chút ánh sáng. Sau thời gian điều trị, chị đã dần đi lại được, bớt đau hơn, tìm lại 1/10 thị lực. Anh Tuấn mua máy tính để vợ giải khuây.
Quá lâu không được làm bạn với bục giảng, viên phấn, cô giáo dạy Văn vẫn cháy âm ỉ một tình yêu với con chữ. Chị cập nhật các phương pháp dạy học mới, làm giáo trình điện tử, làm video với vốn thị lực 1/10.
Khi có người nhờ chị hỗ trợ thiết kế bài giảng chị mới thấy “mình không vô dụng nữa, mình muốn bước ra thế giới bên ngoài”. Từ đó anh Tuấn thường xuyên đưa vợ đi chơi, hội họp giao lưu cùng bạn bè.
Trải qua thời gian quá dài chiến đấu với bệnh tật, tính cách chị thay đổi nhiều, hay cáu gắt, anh cũng vì vất vả mà đôi khi nói những lời khiến chị không vui. Rồi có những lần 1-2 ngày cả hai không chuyện trò nhưng đến khi anh đi làm về, chị lại chạy ào ra ôm chầm lấy anh như một đứa trẻ. Chị luôn biết ơn anh, luôn cảm ơn gia đình nội ngoại đã yêu thương chị. Có lẽ, ông trời đã bù đắp cho chị những thứ đó sau khi lấy đi của chị quá nhiều.
Sau những trải nghiệm quá tàn khốc, chị đã viết cuốn tự truyện về cuộc đời mình. 16 năm gói gọn trong “Tôi phải sống”. Cho đến giờ, chị "hài lòng với cuộc sống hiện tại”. Nói về người chồng hiếm có, chị thể hiện ngắn gọn: “Chỉ mong con trai được như bố”.
Chị mơ ước đôi mắt được sáng rõ hơn một chút, khuôn mặt đỡ đau hơn, đi lại vững vàng hơn. Chị mong được viết, được giải tỏa cảm xúc qua từng trang giấy. Chị khao khát được cống hiến cho đời, được làm ngọn lửa truyền cảm hứng cho những người kém may mắn như chị và cả những người khỏe mạnh.
“Từ trong bóng tối với nỗi tuyệt vọng cùng cực ban đầu, tôi lần mò làm lại tất cả…” (Trích "Tôi phải sống" - Dư Phương Liên).
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.