TPHCM vốn ồn ào náo nhiệt suốt đêm ngày, nay bỗng nhiên trở nên vắng lặng chìm trong đau thương mất mát bởi đại dịch COVID-19 đang bùng phát dữ dội gần 4 tháng qua. Các bệnh viện tiếp nhận, điều trị COVID-19 giờ đây đang chìm trong không khí buồn bã, bác sĩ đứng trước những nỗi lo bệnh nhân đang giữa lằn ranh sinh tử. Các nhân việc y tế quay cuồng suốt ngày đêm, vắt kiệt sức mình với hy vọng cứu bệnh nhân, nhưng những nỗi đau vẫn chưa dừng lại.
“Hôm qua, chúng tôi xót xa đau đớn khi để vụt mất cùng lúc hai mẹ con bệnh nhân. Đó là trường hợp thai phụ 19 tuổi, thai sống 28 tuần, y bác sĩ kéo máy qua cho bệnh nhân thở, chỉ số SpO2 đã cải thiện lên hơn 90% khi đó ai cũng vui mừng và còn mở nhạc cho em nghe. Nhưng khoảng 1 tiếng rưỡi sau thì nghe báo động, bệnh nhân đã gục trên gối” – BS Lưu Thị Khánh Vương, Bệnh viện Hùng Vương nghẹn ngào chia sẻ về một trường hợp thai phụ bị COVID-19 cướp đi sự sống.
Nhân sự phục vụ chuyên môn đã phải chia nhau căng mình trên nhiều chiến tuyến, hàng loạt các bệnh viện dã chiến chuyên điều trị COVID-19, các Trung tâm Hồi sức COVID-19, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 liên tiếp được thiết lập nhưng mở ra đến đâu đều rơi vào quá tải bệnh nhân đến đó. Mỗi tua trực một nhân viên y tế hiện đang phải gồng gánh để theo dõi, chăm sóc cho hàng chục bệnh nhân. Làm việc trong môi trường lây nhiễm cao, thường xuyên phải chứng kiến đau thương mất mát của người bệnh trong khi tâm lý và sức người hạn hữu, có những nhân viên trẻ không chịu nổi áp lực đã bật khóc.
Điều dưỡng Trần Thị Thúy, phụ trách điều dưỡng tại khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy nghẹn ngào chia sẻ: “Có những hôm các em điều dưỡng bước ra khỏi khu cách ly thì ngồi khóc nức nở vì quá mệt. Nhưng chỉ ngồi nghỉ khoảng 15 phút đã lập tức trở lại phòng điều trị. Ai cũng đuối sức nhưng chúng tôi đang cố gắng hết mình và động viên nhau vượt qua khó khăn”.
TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nói: “Nhân sự của chúng tôi đến nay cơ bản đã điều động hết để hỗ trợ chuyên môn cho các tuyến nên anh em đang phải căng mình làm việc gấp nhiều lần sức lực so với bình thường. Số y bác sĩ thì có hạn nhưng số người bệnh cần điều trị lại ngày càng tăng”.
Ngay cả những người đã từng “vào sinh ra tử” với đại dịch COVID-19 trong những đợt bùng phát dịch ở các tỉnh thành trước đây, nay đương đầu với biến chủng Delta đang bùng phát dữ dội tại TPHCM cũng không khỏi nghẹn ngào. BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai hiện đang tham gia hỗ trợ điều trị tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 trong Bệnh viện Dã chiến số 16 chia sẻ:
“So với các đợt dịch trước ở các tỉnh thành, số ca mắc bệnh và ca bệnh nặng tại TPHCM cao hơn rất nhiều. Anh em chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng tâm thế sẽ có nhiều khó khăn và mất mát nhưng thực tế đang diễn ra quá khốc liệt”.
Trong tình cảnh thiếu cả nhân lực và trang thiết bị nhưng số ca bệnh nặng ngày càng nhiều, không ít nhân viên y tế đang phải thức suốt đêm để bóp bóng cho bệnh nhân. Họ không buông xuôi trước sự nguy kịch của người bệnh mà vẫn nỗ lực cứu chữa với hy vọng bệnh nhân có thể vượt qua chính mình để chiến thắng bệnh tật, trở về với gia đình. Đã có những tiếc nuối, đau thương khi người bệnh tử vong nhưng niềm vui cũng vỡ òa khi người bệnh được cứu sống.
BS Trần Thanh Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 nhận định: “Thời gian tới sẽ còn nhiều bệnh nhân phải nhập viện với mức độ nặng, nguy kịch nhưng với sự đáp ứng về trang thiết bị y tế và hỗ trợ kịp thời của lực lượng chống dịch tuyến đầu trên khắp cả nước, chúng tôi tin tưởng sẽ có ngày càng nhiều bệnh nhân nguy kịch được cứu sống.
Những dòng nước mắt, những giọt mồ hôi đang rơi, những người quá nặng đã ra đi nhưng nhiều bệnh nhân từng nguy kịch lần lượt được điều trị khỏi là động lực tiếp thêm sức mạnh tinh thần, giúp đội ngũ làm công tác chuyên môn chúng tôi tiếp tục chiến đấu và tin tưởng sẽ chiến thắng”.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.