Bá Kiến trong đời thực qua lời kể của dân làng ‘Vũ Đại’

(lamchame.vn) - Nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến trong truyện "Chí Phèo" của Nam Cao sống tới 85 tuổi chứ không bị gã lưu manh nào sát hại; ông có tới 5 bà vợ chứ không phải 4 bà.

Làng Vũ Đại– cái tên nổi tiếng trong các truyện ngắn của nhà văn Nam Cao – nay là xóm 11, thôn 4, xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, nằm cách thành phố Phủ Lý hơn 30km. Thời mà các nhân vật kinh điển như Chí Phèo, Bá Kiến, lão Hạc… đi ra từ trang sách, làng này có tên là Đại Hoàng, thuộc tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân, Hà Nam.

82 năm sau khi tác phẩm Chí Phèo ra đời, nơi đây san sát nhà cao tầng và biệt thự. Từ đường lớn đến ngõ xóm đều được trải nhựa, trải bê tông phẳng lì, cứ cách vài ba nhà lại thấy đỗ một chiếc xe hơi đời mới. Khung cảnh hiếm hoi có thể giúp người ta lùi về quá khứ để mường tượng về cuộc sống các nhân vật trong truyện Nam Cao là ngôi nhà cổ từng thuộc về nguyên mẫu của nhân vật Bá Kiến - ông Trần Duy Bính. Ông này giành được ghế nghị viên nên dân làng thường gọi là Nghị Bính.

Bá Kiến trong đời thực qua lời kể của dân làng ‘Vũ Đại’ - Ảnh 2.

Theo ông Trần Hữu Vịnh, một người làng đang trông coi khu tưởng niệm Nam Cao, nguyên mẫu của các nhân vật như Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, lão Hạc, Lý Cường đều từng sống trong làng Đại Hoàng xưa. Có khi, nhà văn “ghép chất liệu” từ vài ba người để xây dựng một nhân vật.

Ông Trần Văn Đô, 70 tuổi, giáo viên nghỉ hưu, được dân làng cho là người nắm rõ nhất “lý lịch” các nhân vật của Nam Cao, cũng khẳng định điều này.

Nói về vùng đất quê hương Chí Phèo, Bá Kiến, ông giáo Đô cho biết: “Dân làng Đại Hoàng xưa 100% là người họ Trần với nhiều chi khác nhau, được phân biệt bởi 36 tên đệm như Trần Văn, Trần Duy, Trần Đức, Trần Bá, Trần Khắc… Do đó về miền Nhân Hoà (xã Hoà Hậu được sáp nhập từ 2 xã Nhân Hậu, Nhân Hoà và cũng được chia thành 2 miền đạo Nhân Hoà - Nhân Hậu), nếu thấy bất cứ ai mang họ khác thì đều có thể khẳng định họ từ nơi khác đến đây sinh cơ lập nghiệp”.

Nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến thuộc chi họ Trần Duy. Ông Trần Duy Bính sinh khoảng năm 1863, mất ngày 8/11/1948, thọ tới 85 tuổi chứ không phải bị gã lưu manh chuyên rạch mặt ăn vạ đâm chết như Bá Kiến trong truyện Chí Phèo.

Bá Kiến trong đời thực qua lời kể của dân làng ‘Vũ Đại’ - Ảnh 3.

“Hiện ngôi mộ ông Trần Duy Bính được an táng tại nghĩa trang Đồng Chùa của địa phương. Ông Bính là con trai của cụ Trần Duy Thực. Người làng Đại Hoàng vẫn gọi ông là Nghị Bính. Vì ông thuộc hàng chức sắc nên không chỉ làng Đại Hoàng mà cả tổng Nam Sang đều biết tiếng”, ông Trần Văn Đô nói.

Gia tộc ông Trần Duy Bính có 6 đời làm lý trưởng. Bản thân ông ban đầu phải mua chức phó lý rồi sau đó mới lên lý trưởng. Lý Bính rất được lòng quan trên, nhờ thế mà leo lên được tới chức chánh tổng Cao Đà, giành ghế nghị viên Bắc Kỳ, trở thành Nghị Bính.

Theo lời các cụ trong làng kể lại thì ông từng được vào kinh đô Huế dự lễ tế đàn Nam Giao; thường cưỡi con ngựa màu nâu thẫm mỗi lần có việc đi khỏi làng, phía sau có một người hầu cắp tráp chạy theo.

Theo bà Trần Thị Viễn, 73 tuổi, người thường xuyên trông coi ngôi nhà của ông Trần Duy Bính (nay được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nam mua lại để bảo tồn), trên thực tế, Nghị Bính không đến nỗi độc ác như nhân vật Bá Kiến:" Cuộc sống của người làng thời bấy giờ rất khó khăn. Ông Bính nhận vài chục người vào làm để họ có thể nuôi thân và gia đình. Anh trai chồng tôi cũng là người làm thuê cho ông Bính”.

Bá Kiến trong đời thực qua lời kể của dân làng ‘Vũ Đại’ - Ảnh 4.

Bá Kiến trong đời thực qua lời kể của dân làng ‘Vũ Đại’ - Ảnh 5.

Người trong làng cho biết, ông Nghị Bính có 5 vợ, 12 con, gồm 3 trai, 9 gái.

Không ai còn nhớ tên bà cả, nhưng bà được cho là người phụ nữ tính tình chân thật, hiền hòa, nên được ông Nghị giao quản lý tiền nong. Bà chỉ có một con trai tên là Trần Duy Tảo.

Bà hai tên là Trần Thị Khuyến, được ông Nghị cưới về trong thời gian bà cả ốm nặng đến mức tưởng không qua khỏi. Bà sinh được 4 con, trong đó người con trai - Trần Duy Hòe - chính là nguyên mẫu của nhân vật Lý Cường (con trai Bá Kiến) trong truyện ngắn Chí Phèo. Các con gái là Trần Thị Quế, Trần Thị Trinh, Trần Thị Nhài.

Bà tư (cũng không rõ tên) sinh cho Nghị Bính 3 con gái là Trần Thị Sen, Trần Thị Cúc, Trần Thị Hồng.

Bà năm là người vợ duy nhất của Nghị Bính không phải người làng. Bà tên Trạch, quê Thái Bình, vốn làm nghề buôn bán. Ông Bính quen bà trong một chuyến đi làm việc ở xa, sau đó cưới làm vợ nhưng không đưa về làng. Bà Trạch sống với thân phận người vợ bị giấu kín rất nhiều  năm. Cho đến khi con trai của bà lấy vợ, sinh con, ông Nghị mới đưa họ về quê ra mắt gia đình, họ tộc.

Bá Kiến trong đời thực qua lời kể của dân làng ‘Vũ Đại’ - Ảnh 6.

Người vợ có số phận đặc biệt nhất của Nghị Bính là bà ba Trần Thị Yêm, vốn là vợ của một sỹ quan Pháp. Sau khi ông chồng Tây chết bệnh, bà được hưởng toàn bộ gia sản. Vừa xinh đẹp vừa giàu có, lại chưa sinh con, bà được Nghị Bính săn đón rồi cưới về làm vợ.

Theo ông Trần Văn Đô, bà ba là người phụ nữ đem lại nhiều tài lộc cho Nghị Bính. Khi lấy ông, bà Yêm mang về số tài sản khá lớn. Bà lại biết chiều chồng nên rất được ông Nghị yêu chiều dù không sinh được con trai. Ba người con gái của bà tên là Trần Thị Dung, Trần Thị Yến, Trần Thị Xuyến.

Năm 1953, trong cải cách ruộng đất, vì là địa chủ, cường hào, gia đình Nghị Bính bị đấu tố. Sợ bị đem ra xử bắn, bà Yêm tự treo cổ lên cây nhãn trong vườn nhà, gia đình phải bó chiếu đem chôn.

Về cuộc sống của nguyên mẫu Bá Kiến với các bà vợ, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Vinh, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Sông Châu (Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam), ông Bính cấp cho mỗi bà vợ một dinh cơ riêng.

Bản thân ông ở với bà ba, nhưng cũng không để các bà kia chăn đơn gối chiếc mà “lên lịch” rõ ràng. Các bà vợ cũng tỏ ra "biết điều", hôm nào đến phiên mình tiếp chồng đều tắm rửa sạch sẽ, chuẩn bị mấy quả trứng gà để ông tẩm bổ.

Bá Kiến trong đời thực qua lời kể của dân làng ‘Vũ Đại’ - Ảnh 7.

Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Vinh, tuy không bỏ rơi bà vợ nào nhưng vì sức lực có hạn, ông không thể làm vừa lòng cùng lúc 5 bà. Người vợ thứ ba vì cảm thấy thiếu thốn nên đã “tòm tem” với một anh canh điền. Chuyện này được nhà văn Nam Cao đưa vào truyện ngắn Chí Phèo với chi tiết Chí bóp đùi cho bà ba Bá Kiến.

“Phần lớn chuyện dan díu của các bà đều kín như bưng, nhưng cũng có lúc bại lộ. Chẳng hạn vụ bà ba Yêm với canh điền đã bị một người hầu để ý. Bà đã ‘bịt miệng’ anh ta một cách khôn khéo nhưng sau này chuyện vẫn lộ ra và dân làng xì xào. Vì vậy mà bà ba phải hối lộ thêm cho người hầu kia một bộ trường kỷ. Bộ ghế này vẫn tồn tại ở làng Đại Hoàng cho đến khoảng năm 2005, sau đó không biết bị mang đi đâu mất”, ông Nguyễn Thế Vinh nói.

Theo thông tin mà ông giáo Trần Văn Đô nắm được, bộ trường kỷ này được bán cho chủ một xưởng gỗ ở Nam Định.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang