Trong thời gian trẻ được nghỉ học để tránh dịch, nhiều phụ huynh lo sốt vó bởi sợ con ở nhà nhiều sẽ cảm thấy buồn chán và sa đà vào các trò chơi điện tử. Không ít bố mẹ lên mạng "cầu cứu" bởi không biết phải trông nom con ra sao và bất lực khi con cả ngày chỉ ngủ và xem điện thoại.
Có 2 con đang nghỉ học nhưng vợ chồng chị Dịu - anh Vỹ (quận Long Biên, Hà Nội) may mắn không rơi vào tình trạng này. Đó là bởi ngay từ đầu, anh chị đã lên thời gian biểu chặt chẽ cho các con.
Cô con gái lớn của anh chị tên Huyền, năm nay học lớp 7. Còn cậu út tên Thành, năm nay học lớp 2. Khi các con được thông báo nghỉ học, chị Dịu lập tức lên thời khóa biểu, vạch rõ các khung giờ sinh hoạt hàng ngày. Theo đó cả 2 bé hiện đều phải học online hàng ngày từ thứ hai đến thứ 6. Cô chị học khung giờ chiều từ 3-5h, còn cậu em học khung giờ sáng từ 8-9h30.
Chính vì vậy, chị Dịu yêu cầu bé Thành dạy từ 7 giờ để đánh răng, rửa mặt và ăn sáng, xong xuôi sẽ ngồi vào bàn học. Chị cả Huyền vì học chiều nên được mẹ "đặc cách" cho ngủ thêm 30 phút đến 7h30. Trong thời gian em trai học, cô bé được bố mẹ cho sinh hoạt, vui chơi cá nhân như tập thể dục ở khoảng sân nhỏ trước nhà, đọc sách, chơi đùa cùng chú chó cưng hoặc xem tivi 30 phút.
Còn cậu út Thành, sau khi học xong sẽ được thư giãn 1 tiếng, sau đó đến 10h30, cả 2 chị em cùng xuống bếp phụ giúp bố mẹ cơm nước. Chị Dịu chia sẻ: "Từ khi các con còn nhỏ, mình đã rèn cho các con vào bếp nên giờ cả 2 đứa đều biết nấu thành thạo. Nhất là cô lớn giờ tự nấu được cả mâm cơm. Những khi bố mẹ bận thì cô lớn sẽ nấu cơm cho em ăn. Ăn xong 2 chị em thay phiên nhau rửa bát, bố mẹ không phải động tay động chân".
Chị Dịu cũng cho biết, sau khi ăn xong, hai chị em sẽ có 30 phút nghỉ ngơi, sau đó đi ngủ trưa. Huyền buổi chiều phải học nên sẽ dạy sớm hơn em trai. Trong thời gian chị học, cậu em cũng được sinh hoạt, vui chơi cá nhân. Sau đó đến buổi chiều muộn, hai chị em lại xuống bếp phụ mẹ nấu nướng.
"Sau khi ăn xong, mình cho các con thời gian để nghỉ ngơi, chơi đùa và tắm rửa. Đúng 9 giờ tối là cả hai sẽ vào bàn học để ôn lại bài vở một ngày. Đến tầm 10h30 thì cả hai được nghỉ. Mẹ sẽ cho ăn bữa nhẹ như hoa quả, phô mai, sữa,... Xong xuôi thì cả hai đánh răng, rửa mặt, ôm mẹ 1 cái rồi đi ngủ", chị Dịu chia sẻ.
Các con và cháu chị Dịu cùng tập thể dục hàng ngày.
"Đến thứ 7, chủ nhật không phải học online thì 2 chị em được bố mẹ cho vui chơi nhiều hơn. Nhưng vui chơi là các hoạt động như đọc sách truyện, chơi với cún... chứ không phải xem tivi, nghịch điện thoại. Chị vẫn cho các chơi đồ công nghệ nhưng chỉ chơi một lúc thôi. Chị luôn nói với các con tác hại của việc xem điện thoại, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thị giác ra sao nên 2 đứa ý thức lắm. Cô lớn mắt bị cận, sợ tăng số nên lại càng ý thức".
Các ngày trong tuần, vì phải học trực tuyến nên vợ chồng chị Dịu miễn cho các con không phải làm việc nhà. Nhưng đến cuối tuần thì cả hai sẽ phải dọn dẹp nhà cửa, quét cổng và tự mang quần áo cho vào máy giặt. Cô cả còn tự tắm rồi vệ sinh chuồng cho cún cưng.
Cậu út Thành tự quét dọn cổng nhà.
Tiết lộ bí quyết khiến các con thực hiện nghiêm túc thời gian biểu, chị Dịu cho biết: "Chị chủ trương "thiết quân luật" ngay từ đầu và áp dụng quy luật bù trừ. Nếu các con cố tình xem tivi nhiều thì sẽ tăng thời gian học nhiều hơn gấp đôi. Hoặc không chị sẽ cắt hẳn khung giờ được xem tivi".
Rèn cho con thói quen sống chăm chỉ, tự lập từ nhỏ
Chị Dịu chia sẻ, một trong những nguyên do khiến 2 bé Huyền - Thành thực hiện nghiêm túc thời khóa biểu là bởi cả hai được rèn cho thói quen sống chăm chỉ, tự lập từ nhỏ. "Mình không có thói quen làm giúp con mọi việc. "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ" - mình vẫn luôn tâm niệm câu đấy. Thế nên hai bé nhà mình có khả năng tự làm việc gì thì mình rèn cho làm việc đó".
"2 đứa còn nhỏ nhưng mình không bao giờ cho ngủ đến trưa mới dậy đâu. Ngày thường thì 2 đứa tự giác đặt báo thức để dậy sớm để đi học, tự mặc đồ, tự ăn sáng. Vợ chồng mình chẳng bao giờ phải gọi cả, nhiều khi các con còn chạy sang gọi bố mẹ. Nhà mình có cửa hàng tạp hóa nên 2 đứa tự lấy bánh hoặc mỳ tôm để ăn sáng. Ăn xong thì gọi bố chở đến trường. Nhiều hôm thằng bé còn nấu mỳ tôm cho cả bố mẹ ăn sáng.
Vợ chồng em trai mình ở ngay sát vách, sáng nào Thành cũng chạy sang nhà cậu mợ để gọi các em dậy đi học. Cô lớn cũng tự lập và chăm em lắm, nấu nướng, cho em ăn, kèm em học thay mẹ".
Chị Dịu cho biết, để các con tự lập thì đôi khi chị phải giả vờ lười biếng một chút. "Nhiều lúc cả mình và chồng đều giả vờ đau đầu, cảm cúm để xem các con có tự xoay sở nấu nướng, tự dọn dẹp nhà cửa được không. Lúc đầu, hai đứa cũng bỡ ngỡ lắm, sau thì quen dần và tháo vát hơn. Nếu mình mà chăm quá, cái gì cũng tranh làm với con thì con sẽ ỷ lại".
Về việc học tập của các con, chị Dịu không tạo sức ép về mặt điểm số mà luôn khuyến khích, nói cho con biết những lợi ích của việc học tập để con có động lực tự thân. Nhờ vậy mà các con của chị đều rất chăm học, đặc biệt là cậu út Thành.
"Có hôm Thành học chưa hết bài. Thằng bé cứ ngồi mải miết làm đến tận 12 giờ đêm. Mẹ giục đi ngủ mãi mới chịu vào giường. Nhưng trước khi đi ngủ vẫn nhắc mẹ: "Mai mẹ gọi con dậy từ 4 giờ sáng để con làm nốt bài nhé". Mình nghĩ chắc gì con đã dậy được giờ đấy mà gọi nhưng cứ ừ. Ai ngờ hôm sau chưa cần mình gọi, cậu nhóc đã tự đặt báo thức dậy rồi. Hôm đấy, mình được một phen ngạc nhiên", chị Dịu hào hứng kể lại.
Dù trong thời gian ở nhà, các con đều vui vẻ và sinh hoạt điều độ nhưng chị Dịu vẫn mong nhanh hết dịch để cả hai được đến trường: "Tuổi của 2 đứa bây giờ là tuổi chạy nhảy, vận động, tuổi khám khá thế giới xung quanh. Dù mình có sắp xếp thời khóa biểu khéo thế nào thì các con lâu dần cũng sẽ thấy chán".
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.