Theo chị Hoa, từ ngày mùng 2-3 Tết nhiều chợ đã bắt đầu thấy có người bán hàng. Nhưng vào những ngày Tết, hàng ăn và các thực phẩm còn bán khá đắt: "Cái gì cũng tăng giá gấp đôi. Đi ăn bún phở thời điểm này toàn thấy tăng giá gấp đôi, gấp ba nên sau Tết nhà mình vẫn hay dự trữ thực phẩm để ở nhà nấu ăn cho rẻ mà chất lượng. Chưa kể, khách đến chơi còn có cơm để đãi nữa chứ".
Ngày Tết, chị Hoa thường hay lên kế hoạch mua đồ sắm Tết và làm các món dự trữ để ăn mấy ngày Tết. Điều này vừa giúp chị tiết kiệm được 1 khoản tiền sắm Tết vừa đảm bảo ăn Tết ngon miệng vì các thực phẩm dự trữ không thiu thối hay hỏng, thậm chí vẫn tươi, thơm ngon sau khi chế biến ăn dần.
Thời điểm bắt đầu nên mua sắm Tết
Theo kinh nghiệm của bà nội trợ có đến hơn 20 năm mua sắm và chuẩn bị Tết cho gia đình, tuyệt đối các gia đình không nên mua sắm vào những ngày cận Tết nếu muốn tiết kiệm tiền. Cụ thể theo chị Hoa, nên bắt đầu mua sắm Tết trước khoảng 1 tháng. Muộn nhất cũng nên mua khoảng 2 tuần trước Tết.
Lý do là vì, trước Tết 1 tháng, nhiều doanh nghiệp đã tung ra đa dạng các loại hàng hóa phục vụ Tết. Vì thế mua sắm thời điểm này vẫn có thể lựa chọn thoải mái để có 1 cái Tết đủ đầy. Hơn nữa chị có thể lựa chọn được những sản phẩm riêng biệt như các loại rượu quý, mứt ngon hay quà tặng Tết "chuẩn xịn" với mức giá rẻ.
"Thêm 1 lý do nữa là nếu mua sắm vào những ngày cận Tết, giá cả sẽ bị đẩy lên cao gấp đôi, gấp 3 ngày thường. Vì thế, nếu mua cận Tết, sẽ phải chi 1 khoản tiền lớn. Điều này cực lãng phí trong chi tiêu. Trong khi đó nếu mua sắm sớm trước 1 tháng, có thể tìm mua được những mặt hàng cần thiết với mức giá hời", chị Hoa khẳng định.
Ngoài ra, trước khi bắt đầu mua sắm, chị Hoa khuyến cáo, bà nội trợ luôn phải lên kế hoạch cẩn thận, phải rõ được danh sách những gì gia đình mình cần. Điều này vừa giúp đảm bảo mua sắm tiết kiệm vừa hiệu quả nhất, tránh mua sắm Tết vô tội vạ.
Muôn cách bảo quản món ăn ngày Tết trong 2 tuần
Cách bảo quản thịt bò ăn dần
Tết đến, chị Hoa lúc nào cũng mua khoảng 3kg thịt bò về ăn. Vì thế chị chọn cả tảng thịt bò to. Sau đó, chị đem luộc lên và treo cho khô mới gói vào hộp để thành từng bữa rồi để trong tủ lạnh ngăn mát.
"Vì thịt bò đã luộc và treo khô hệt như tiệm bán bún bò nên rất khó hỏng. Mỗi lần ăn, chỉ cần lấy thịt bò ra thái mỏng theo thớ rồi chấm với xì dầu tỏi ớt, ăn cơm nóng hoặc thả vào mì, bún là đã có thể có bữa ăn ngon lành rồi".
Cách bảo quản dưa muối, hành muối, kim chi
Theo chị Hoa cho biết, vào ngày Tết, nhà chị không thể không có những món như dưa kiệu, dưa hành, dưa leo muối chua, kim chi... Bởi đây là các món ăn ngày Tết không ngán. Có thể ăn chung với tôm khô hoặc chấm nước thịt kho tàu ăn cơm rất ngon.
Thế nhưng các loại dưa món này rất dễ lên men và bị chua không còn ăn được. Song chị Hoa có những mẹo bảo quản giúp món dưa lâu bị chua hơn, có thể ăn được lâu trong 1-2 tuần ngày tết.
Ngoài dùng hũ thủy tinh hoặc hũ sứ để bảo quản món dưa này ăn dần. Khi dưa cà đã chua, chị Hoa vắt ráo nước và để trong 1 chiếc hộp nhựa rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh. Nhiệt độ trong tủ lạnh thấp, hạn chế được sự phát triển của vi khuẩn và nấm mốc làm chua của các món ăn này. Do đó cả Tết, vẫn có dưa cà, kim chi ăn ngon lành.
Cách bảo quản bánh chưng Tết
Với những chiếc bánh chưng nhà làm, nếu năm nào mà Tết có thời tiết lạnh thì chị Hoa vẫn để bánh ở nhiệt độ thường từ 7-10 ngày mà bánh không bị hỏng. Còn nếu năm nào thời tiết Tết nắng ấm, sau khi nấu chín bánh chưng, chị dùng nước sạch rửa lại bánh rồi treo bánh tại ở thoáng mát, giúp bánh khô ráo. Sau đó, đặt bánh lên một tấm bìa và dùng vật nặng ém bánh chặt lại hơn để ép hết nước ra ngoài.
"Sau khi ép xong, mình mới để bánh trong ngăn mát tủ lạnh. Mỗi lần ăn, chỉ cần cho vào lò vi sóng hoặc hấp, chiên bánh ăn với hành muối", chị Hoa kể.
Cách bảo quản các loại cá ăn Tết
Ngày Tết, nhà chị Hoa thường ăn lẩu cả, canh cá nấu chua hoặc cá chiên hoặc kho. Vì thế chị hay mua 1-2 con cá trắm to.
"Cá trắm mua về, mình cắt khúc, rán vàng mặt nhưng chưa giòn. Sau đó, bọc giấy báo gói nilon để ngăn mát tủ lạnh. Khi ăn thì chiên lại cho giòn hoặc thả nấu riêu với cà chua hành thì là hoặc kho lên cũng ngon tuyệt".
Cách bảo quản thịt gà
Vào chiều 30 Tết, chị Hoa thường giết 4 con gà để cúng giao thừa và các ngày mùng 1,2,3 Tết.
"Những con gà cúng 30 thì không nói làm gì. Còn những con gà cúng các ngày Tết thì mình thịt xong thì cho ngăn đông chờ sáng mùng 1,2,3 cúng thì mang ra luộc.
Còn phần gà khác, mình hay để kho lên với nhiều gừng. Kho cạn nước chỉ để lại mỡ của gà màu vàng vàng. Tiếp đó cho vào âu để ngăn đông, khi nào ăn gắp bỏ vào nồi cơm hấp lại rất thơm. Như vậy rất lâu hỏng".
Cách bảo quản món thịt lợn nấu đông
Ngày Tết không thể thiếu món thịt chân giò, mộc nhĩ nấu đông đổ. Nhà chị Hoa cũng vậy. Thị nấu đông xong, chị thường đổ vào lon nước ngọt đã cắt đầu, để đông lại rồi cho nằm ngang cùng mấy khay đá trong tủ lạnh.
Mỗi lần ăn, thì lấy dao sắc cắt như cắt khoanh giò, cắt cả thịt nấu đông và vỏ lon. Như vậy món thịt sẽ không bị chảy nước hay nát.
Cách bảo quản các loại rau củ
Muốn có rau củ ăn mấy ngày Tết, chị Hoa thường để tủ lạnh để nấu ăn dần. Cụ thể như su hào, cà rốt, chị bỏ lá, rửa sạch, để ra rổ cho khô nước, rồi gói giấy báo, cho túi nilon để ngăn mát tủ lạnh.
Rau súp lơ, bắp cải, chị Hoa rửa sạch, không ngắt bẻ, để nguyên cây cũng bọc giấy báo và cho vào túi nilon để ngăn mát.
Riêng các loại rau muống, cải xanh, cải cúc... rất dễ bị dập nát, héo và thối hỏng nên gia đình cố gắng ăn những loại rau này trước.
Với cà chua, chị Hoa thường mua cả 10kg sau đó dự trữ bằng cách chưng lên lấy sốt cà, để vào hộp cho ngăn đá. Như vậy có thể dự trữ 2 tuần liền. Khi ăn chỉ việc múc nước sốt cho vào món cần nấu, rất tiện và thơm ngon.
Với cách làm trên, gia đình chị Hoa đã có sẵn các món dự trữ rau củ quả, dưa hành, thịt gà, thịt bò, thịt lợn, cá. Nhờ có các món ăn đa dạng này mà bà nội trợ này có thể đổi món cho gia đình suốt cả tuần Tết mà không bị ngấy ngán.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.