Mới đây, trên facebook cá nhân của BS da liễu Nguyễn Phượng (Học viện Y học Cổ truyền Việt Nam) mới chia sẻ bài viết cảnh báo về virus RSV. Theo đó, đây là lời cảnh báo từ các bác sĩ viện Nhi. Hiện tại đang có dịch nhiễm virus RSV. Đặc biệt, loại virus này hiện nay chưa có thuốc chữa đặc trị hữu hiệu cũng như vắc-xin phòng bệnh nên giới chuyên gia nhấn mạnh cha mẹ có con nhỏ cần hết sức lưu ý.
Theo đó, lời cảnh báo cụ thể như sau: "Các mẹ đang nuôi con nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, ở thời điểm giao mùa này nguy cơ lây nhiễm các bệnh về đường hô hấp rất cao, nên hạn chế cho con đến những nơi công cộng, nơi đông người, tránh khói thuốc lá, khói than củi, khói bụi, và đặc biệt là KHÔNG CHO BẤT CỨ AI HÔN CON CỦA MÌNH".
Việc cho ai đó hôn con có thể khiến trẻ dễ nhiễm virus RSV. "Ban đầu trẻ hắt hơi, sổ mũi nhiều và có thể sốt nhẹ tới cao. Một số trẻ bệnh nhẹ vẫn có thể sinh hoạt bình thường, tự khỏi bệnh sau 3-5 ngày. Song trẻ sơ sinh, trẻ đẻ non, thiếu cân... do sức đề kháng kém, bệnh dễ chuyển nặng. Nhẹ, bệnh nhi chỉ có các triệu chứng viêm đường hô hấp trên (viêm mũi họng, viêm tai giữa), nặng hơn thì dẫn tới viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suy hô hấp nhanh", chuyên gia chỉ ra dấu hiệu nhiễm virus RSV ở trẻ.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, một trong những thói quen cực xấu của người Việt là hôn hít trẻ nhỏ. Hành động này vô cùng tai hại và được các bác sĩ nhi cảnh báo rất nhiều lần. Hành động này không chỉ gây các bệnh truyền nhiễm như cúm, tay chân miệng… mà còn cả viêm màng não. Hầu hết những loại virus này đầu xâm nhập vào cơ thể trẻ qua đường niêm mạc mũi. Hoặc, nó cũng có thể xâm nhập qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp vào da, miệng trẻ. Trong các loại virus lây truyền, virus RSV cũng không ngoại trừ.
Thông tin chia sẻ của bác sĩ nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người. Hiện tại đã có hơn 1.100 lượt bày tỏ cảm xúc, hơn 3000 bình luật cùng 11.000 lượt chia sẻ. Chưa kể, rất nhiều trang mạng xã hội đều chia sẻ lại thông tin này và nhận được sự quan tâm đông đảo không kém từ mọi người.
Vậy, virus RSV là gì?
Theo Webmd, virus hợp bào hô hấp (Respiratory Syncytial Virus) được viết tắt là RSV, được coi là loại virus phổ biến và rất dễ lây truyền, lây nhiễm qua đường hô hấp của hầu hết trẻ em trước khi bước vào giai đoạn 2 tuổi.
Đối với hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhiễm virus RSV không gây ra triệu chứng gì quá mức so với cảm lạnh. Nhưng có một tỷ lệ nhỏ cho thấy, nhiễm virus RSV có thể dẫn đến những vấn đề đặc biệt nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, viêm đường dẫn khí nhỏ ở phổi, thậm chí tử vong.
Triệu chứng khi trẻ bị nhiễm virus RSV
Nhiễm RSV có thể gây ra các triệu chứng giống như cảm lạnh, bao gồm ho và sổ mũi, thường kéo dài 1 đến 2 tuần.
Vậy, khi nào bạn cần cho bé đi khám bác sĩ? Theo giới chuyên gia, bạn cần gọi cho bác sĩ ngay nếu nhận thấy bất cứ triệu chứng nào của nhiễm virus RSV dưới đây:
- Trẻ thở khò khè, hoặc phát ra âm thanh như huýt sáo khi thở.
- Xuất hiện cảm giác khó chịu bất thường, lười vận động.
- Khi ho có chất nhầy màu vàng hoặc xanh hoặc xám.
- Khó thở hoặc thi thoảng mắc chứng ngừng thở.
- Từ chối việc mẹ cho bú cũng như bú bình.
- Xuất hiện dấu hiệu mất nước: Khóc không ra nước mắt, ít hoặc không có nước tiểu trong tã trong vòng 6 giờ, da khô và mát.
- Trẻ thường xuyên mệt mỏi, thở nhanh hoặc có màu xanh ở môi, móng tay.
Nguyên nhân khiến trẻ nhiễm virus RSV
Virus hợp bào hô hấp lây lan qua không khí, như sau khi ho hoặc hắt hơi, nhất là qua tiếp xúc trực tiếp như hôn trẻ. Khả năng bị nhiễm trùng nặng cao nhất trong các trường hợp:
- Sinh non.
- Trẻ dưới 2 tuổi sinh ra bị bệnh tim hoặc phổi.
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ thống miễn dịch bị suy yếu do bệnh hoặc điều trị y tế
- Trẻ em dưới 8 đến 10 tuần tuổi.
Chẩn đoán trẻ nhiễm virus RSV bằng cách nào?
Để chẩn đoán RSV, bác sĩ nhi có thể sẽ xem xét lịch sử bệnh tật của con bạn, làm cuộc kiểm tra thể chất, bao gồm cả việc siêu âm phổi.
Bác sĩ của bạn có thể làm một số xét nghiệm nếu con bạn bị bệnh nặng hoặc để loại trừ các bệnh khác. Các xét nghiệm cho RSV bao gồm:
- Xét nghiệm máu và nước tiểu để tìm nhiễm trùng do vi khuẩn và đảm bảo con bạn không bị mất nước.
- X-quang ngực để tìm bất kỳ dấu hiệu viêm phổi.
- Các xét nghiệm từ dịch được lấy ra từ mũi hoặc miệng của con bạn.
Vậy, nếu chẳng may có người có ý định hôn trẻ, mẹ phải làm gì?
Theo BS Dũng, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, mẹ nên có những biện pháp từ chối khéo như thay vì đứa trẻ cho người khác hôn miệng, hôn má có thể đưa tay trẻ ra để hôn. Mẹ cũng cần dặn dò người thân, bạn bè nên rửa sạch tay bằng xà phòng dưới vòi nước trước khi bế, ẵm trẻ. Khi lau tay nên dùng giấy lau 1 lần, không dùng khăn. Tránh cho trẻ tiếp xúc với người nhiễm cúm, không đến khu vực đông người. Chú ý làm sạch các bề mặt trẻ thường xuyên tiếp xúc…
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.