Chiều ngày 6/5, Bộ Y tế đã công bố thêm 56 ca mắc ghi nhận trong nước tại Vĩnh Phúc (11 ca), Thái Bình (05 ca), Bắc Ninh (12 ca), Hà Nội (04 ca), Hải Dương (01 ca), Hưng Yên (02 ca), Quảng Ngãi (01 ca), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (16 ca), Đà Nẵng (03 ca), Lạng Sơn (01 ca).
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, đợt dịch lần này phức tạp vô cùng do có nhiều ca bệnh cộng đồng liên quan tới nhiều tỉnh, thành phố, bệnh viện.
Việc xuất hiện ca cộng đồng tại các tụ điểm vui chơi, tập trung đông người cũng sẽ làm cho tình hình dịch bệnh càng trở lên phức tạp khi truy vết. Trong đợt dịch này nếu như Việt Nam không quyết liệt có thể dẫn tới nguy cơ thất bại trước dịch bệnh.
Thực hiện khai báo y tế là một trong cách hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, ảnh minh hoạ.
Nguy cơ này hoàn toàn có thể xảy ra với 2 khả năng:
"Thứ nhất, nếu như chúng ta không thể kiểm soát được F1 ngoài cộng đồng, thì F1 có nguy có cao trở thành F0. Cho nên nếu F1 không chủ động khai báo thì các ca bệnh trong cộng đồng sẽ tăng lên nhanh chóng.
Thứ hai, đối với trường hợp không thuộc F nào nhưng không nghiêm túc thực hiện 5K thì nguy cơ nhiễm bệnh cũng rất cao (trở thành F0). Bởi vì, dịch bệnh hiện đã xuất hiện nhiều trong cộng đồng khi tiếp xúc gần đều có nguy cơ lây nhiễm", bác sĩ Khanh nói.
Để tránh các nguy cơ dịch lan rộng, bác sĩ Khanh lưu ý mọi người cần chủ động khai báo y tế để ngành y tế có thể nhanh chóng truy vết "bao vây" nếu có ca bệnh. Ngoài ra, Việt Nam cần phải nhanh chóng tiêm phòng vắc xin càng sớm càng tốt.
"Trong những ngày tới Việt Nam sẽ có thêm những ca bệnh cộng đồng. Thậm chí tình huống xấu nhất có thể xảy ra một số nơi sẽ phải thực hiện cách ly xã hội. Việc áp dụng áp cách ly xã hội cũng chính là mức cao nhất của 5K", bác sĩ Khanh nói.
Bác sĩ Khanh cho biết thêm, đợt dịch lần thứ 4 này, rất nhiều ca lây nhiễm trong bệnh viện, vì vậy rất nguy hiểm đối với những nhóm đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao như người có bệnh lý nền, người mắc bệnh rối loạn chuyển hoá, người già…
Tối ngày 6/5, Bộ Y tế đã có công văn kêu gọi người dân thực hiện khai báo y tế để góp sức cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, quy định tất cả các cơ quan, bệnh viện, trường học, công ty, đơn vị, siêu thị, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, phương tiện vận chuyển công cộng… (sau đây gọi tắt là cơ quan, đơn vị) đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng phòng, chống dịch bệnh, sử dụng mã QRCode cho cơ quan, đơn vị mình tại địa chỉ https://tokhaiyte.vn.
Đồng thời thực hiện kiểm soát vào và ra cơ quan, đơn vị hằng ngày đối với khách đến và đi thông qua mã QR Code, sử dụng một trong các phần mềm: Tờ khai y tế; NCOVI; Bluezone; cập nhật mức độ an toàn COVID-19 các khu vực lên trang antoancovid.vn.
- KHẨU TRANG: Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người; đeo khẩu trang y tế tại các cơ sở y tế, khu cách ly.
- KHỬ KHUẨN: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế...). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng.
- KHOẢNG CÁCH: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác.
- KHÔNG TẬP TRUNG: không tập trung đông người.
- KHAI BÁO Y TẾ: Thực hiện khai báo Y tế trên App NCOVI; cài đặt ứng dụng Bluezone tại địa chỉ https://www.bluezone.gov.vn để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095, hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/bac-si-truong-huu-khanh-2-dieu-can-tranh-de-viet-nam-khong-that-bai-truoc-dot-dich-covid-19-lan-4-161210605230010636.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.