Với những xoong chảo bình thường và không chống dính, sau khi đun nấu xong, bạn có thể rửa ngay khi còn nóng và cảm thấy việc rửa dễ hơn, sạch hơn, thức ăn bong tróc nhanh hơn. Tuy nhiên, đây lại là điều tối kỵ với xoong chảo chống dính.
Theo thecookingdish.com, một cái chảo đang nóng mà bị đổ nước lạnh vào sẽ khiến nó dễ bị cong vênh. Ngoài ra, do đáy chảo chống dính thường gồm nhiều lớp, việc đổ nước lạnh vào lòng chảo dễ khiến các phân tử ở đáy chảo co giãn không đều - lớp chống dính tiếp xúc với nhiệt độ lạnh co lại, trong khi các lớp kim loại bên trên vẫn đang ở nhiệt độ nóng, phân tử vẫn đang giãn ra. Do sự co giãn không đều đó khiến lớp chống dính dễ bị bong tróc, biến dạng, từ đó phân phối nhiệt không đồng đều, nấu ăn sẽ không ngon và có thể gây độc hại. Vì thế, hãy chờ xoong chảo nguội rồi mới rửa.
Ảnh: Green Pan
Ngoài ra, thecookingdish.com cũng nêu 9 nguyên tắc sử dụng xoong chảo chống dính khác để đảm bảo tuổi thọ dụng cụ cũng như sức khỏe của người tiêu dùng:
Không sử dụng thìa, đũa... kim loại
Đồ dùng bằng kim loại dễ làm trầy xước bề mặt chống dính. Tốt nhất hãy dùng thìa, đũa bằng gỗ, cao su... để đun nấu.
Không rửa chảo bằng những miếng cọ rửa kim loại, gây trầy xước
Các bề mặt chống dính rất nhạy cảm với những búi rửa bằng kim loại, nếu dùng nó rửa chảo, chắc chắn lớp chống dính đã bị bào mòn phần nào. Nếu thức ăn dính chặt vào chảo, hãy đổ nước vào ngâm một thời gian, thức ăn bở ra, khi đó bạn dễ dàng cọ rửa.
Không nấu thực phẩm chứa axit
Những thực phẩm chứa axit sẽ làm tăng nguy cơ bong tróc của màng chống dính. Đặc biệt với những chiếc xoong chảo rẻ tiền, màng chống dính có thể bong tróc sau lần nấu thực phẩm chứa axit đầu tiên.
Không sử dụng bình xịt nấu ăn
Bình xịt nấu ăn sẽ làm hỏng chảo chống dính (và bất kỳ chảo nào khác) rất nhanh, dù bạn chỉ nấu rau đơn thuần. Dầu từ các bình xịt sẽ tích tụ và tạo thành một lớp màng trên bề mặt chảo khi nó nóng, hậu quả không đến ngay tức thời mà sẽ xuất hiện sau nhiều lần sử dụng. Tốt nhất, nên dùng một chút dầu thông thường và có thể tráng đều mặt chảo.
Cất chảo đúng cách
Tốt nhất nên treo xoong chảo, giữa các xoong chảo nên để dành một khoảng không nhất định. Tuy nhiên, nhiều người thấy treo là không sang trọng, nên đã cất hết chảo vào tủ bếp. Nếu buộc phải sắp xếp, hãy để xoong chảo xa các góc và các vật nhọn, và đảm bảo đáy các xoong chảo không bị cọ xát với nhau
Rửa sạch và lau khô sau khi sử dụng
Sau khi nấu, chỉ nên chờ chảo nguội là có thể rửa sạch và lau khô. Để quá lâu mới rửa có thể khiến dầu mỡ dư thừa tích tụ, làm hỏng lớp chống dính. Còn lau khô nhằm ngăn chặn sét rỉ hình thành.
Không lưu trữ thực phẩm trong chảo
Chảo để đun nấu, không phải để lưu trữ thực phẩm. Một số người đã cảm thấy có mùi kim loại sau khi lưu trức thức ăn trong chảo lâu. Việc này cũng khiến chảo chóng hỏng, mức độ tùy thuộc vào loại thực phẩm.
Tránh dùng nhiệt độ cao khi nấu nướng với chảo không dính
Nhiệt độ cao dễ khiến chảo cong, vênh, lớp phủ chống dính bị bong tróc.
Không dùng chất tẩy rửa quá mạnh để rửa chảo
Hầu hết những chất tẩy rửa có thể dùng tay trần tiếp xúc được coi là mềm. Chất tẩy rửa dùng cho máy rửa bát được coi là mạnh. Những chất tẩy rửa mạnh dễ làm hỏng chảo.
Theo VnExpress
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.