Bán nhà không trả hết nợ, đại gia ô tô cùng đường bị thu hồi đất đai

Sự xuất hiện của ông Đặng Lê Nguyên Vũ được dư luận chú ý, cùng với đó là câu chuyện kinh doanh của Bầu Đức, Bùi Văn Huyên và sếp ngành dầu khí.

Đây là lần đầu tiên ông Vũ xuất hiện trước công chúng sau 5 năm bặt vô âm tín trước truyền thông. Ông Vũ cho biết: "Tầm nhìn của Trung Nguyên từ trước đến giờ, phải là một tập đoàn số một, thống ngự toàn diện trên toàn cầu".

Ông còn khẳng định sau 5 năm thiền định, ông đã có lời giải cho tất cả mọi câu hỏi trên thế giới này và sẽ đưa Trung Nguyên trở thành tập đoàn thống lĩnh toàn cầu, khác biệt và duy nhất toàn cầu.

Tuy nhiên, sau 5 năm lên núi thiền định, Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ giờ đây không còn như xưa. Ngay trước khi ông Vũ tái xuất, bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục lên tiếng tố cáo Trung Nguyên đang bị lũng đoạn bởi 4 người và quy kết nhóm người này đang gây thiệt hại cho một thương hiệu quốc gia.

Ông Vũ bất ngờ xuất hiện sau 5 năm vắng bóng.

Bầu Đức: Chuối chắc chắn là cây chiến lược lâu dài

Tại ĐHCĐ, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch HAGL Agrico cho biết, chuối chắc chắn là cây định hướng chiến lược lâu dài, mang lại hiệu quản, quản trị được cơ giới, thị trường tiêu thụ như Trung Quốc (hiện chiếm 80%), Hàn Quốc, sau đó có thể là Trung Đông. Theo đó, chuối có thể mở rộng lên 10.000 ha. Năm nay dự kiến mở rộng thêm 4.000 ha, lên 5.700 ha.

Trong khi đó, đối với cây ớt, bấp bênh về thị trường và giá, có những năm trúng lớn lời 200% và có những năm thất bại nếu quá nhiều nông dân trồng khắp miền Trung. "Năm đầu trồng chúng tôi thấy không ổn nên đã tạm dừng việc mở rộng trồng ớt, thay bằng loại cây khác" - ông Đức chia sẻ.

 

Thu hồi hơn 25ha đất đại gia Vinaxuki

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định thu hồi 250.452m2 diện tích đất của Công ty TNHH MTV ô tô Vinaxuki Thanh Hóa cho thuê tại xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc giao cho chính quyền địa phương quản lý theo quy định của pháp luật.

Dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy của Công ty Cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) được cấp phép xây dựng từ năm 2010 với tổng số vốn 1.360 tỷ đồng. Tuy nhiên khi nhà máy đi vào hoạt động năm 2011 thì chỉ sau đó 2 năm, nhà máy bắt đầu ngưng trệ rồi bỏ hoang cho đến nay.

Chủ tịch công ty Bùi Văn Huyên từng tục đệ đơn kêu cứu lên Thủ tướng và các bộ ngành. Theo ông Huyên, nếu được ngân hàng tái cơ cấu vay vốn, doanh nghiệp chắc chắn có lãi sau 3 năm hoạt động.

“Tôi đã đổ không biết bao nhiêu tiền vào đam mê của mình. Đến nay, tôi đã bán một căn nhà được phân của bố tôi từ năm 1960. Căn nhà thứ hai của tôi tại Láng Hạ cũng bị bán. Nhà của con gái, của cháu ngoại tôi cũng bán hết để lấy tiền trả nợ”, ông từng chia sẻ với báo chí.

Cựu Bộ trưởng đi nước ngoài hơn 160 ngày/năm

Năm 2014, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã tham gia đi nước ngoài tới 23 đoàn. Năm 2015, cựu Bộ trưởng Hoàng đi tới 22 đoàn. Tổng thời gian ở nước ngoài của ông này lên tới 163 ngày, chiếm nửa thời gian làm việc trong năm.

Chưa hết, tháng 1/2016, ông Vũ Huy Hoàng còn ký quyết định cho 5 cán bộ đi nước ngoài với khoản kinh phí lên đến gần 1,4 tỷ đồng. Trong số 5 cán bộ này có cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa với khoản kinh phí gần 321 triệu đồng.

Giai đoạn 2012-2016, Bộ Công Thương tổ chức hơn 7.500 đoàn, với hơn 24.800 lượt cán bộ đi nước ngoài. Bộ Tài chính tổ chức gần 3.400 đoàn, với hơn 8.200 lượt cán bộ đi nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước VN tổ chức gần 2.200 đoàn, với gần 4.500 lượt cán bộ...

Bắt 4 cựu lãnh đạo thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam các bị can gồm: Từ Thành Nghĩa (56 tuổi), cựu Tổng Giám đốc Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro (VSP); Võ Quang Huy (57 tuổi), cựu Chánh Kế toán VSP; Đinh Văn Ngọc (45 tuổi), cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Nguyễn Tuấn Hùng (47 tuổi), trưởng Ban Tài chính Tổng Công ty Thăm dò và khai thác Dầu khí (PVEP) về hành vi "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" theo Điều 355, Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa xét xử đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) vào tháng 9/2017, bị cáo Nguyễn Minh Thu (nguyên tổng giám đốc Oceanbank) khai đã chi hàng chục tỷ đồng tiền lãi ngoài trái quy định để "chăm sóc" cho 4 lãnh đạo công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

 

Cựu Phó Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước bị điều tra

Liên quan tới vụ ông Đặng Thanh Bình, nguyên phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và 4 bị cáo khác tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” mà TAND TPHCM sẽ đưa ra xét xử vào ngày 25/6 tới đây, theo Cơ quan điều tra, ngoài 5 bị cáo, vụ án còn có 11 người khác ‘thoát’ truy cứu hình sự. Tuy nhiên ông Đặng Văn Thảo vẫn phải bị điều tra nhằm làm rõ để xử lý.

Theo Cơ quan điều tra, ông Thảo - nguyên Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN (TTGSNHNN), đã có hành vi không chuyển hồ sơ kết luận thanh tra sang cơ quan điều tra.

Ngoài ra ông Thảo cũng không kiến nghị đặt Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) vào tình trạng ‘kiểm soát đặc biệt’.

Sếp Viettel ở Tanzania đã được trả tự do

Ông Lê Văn Đại, giám đốc điều hành của nhà mạng này tại Tanzania, đã được thả tự do ngay tại phiên tòa ngày 20/6.

Toà Kisutu ở thành phố Dar es Salaam, Tanzania đã xét xử công khai vụ việc nhóm người nước ngoài tàng trữ số lượng lớn sim card và sim box (300.000 sim), nghi là vụ gian lận cước quốc tế, trong đó có sim của hai nhà mạng Halotel và Zantel.

Tòa án đã kết luận ông Lê Văn Đại và Halotel không vi phạm pháp luật hình sự. Ông Đại sau đó được trả tự do và trở về công ty ngay sau khi phiên tòa kết thúc

Theo vietnamnet.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang