- Mẹ, mẹ sẽ mua cho con váng sữa chứ?
- Con có bao giờ ăn váng sữa đâu
- Hôm nay thì con thèm đến nổi da gà
- Ôi, ôi, phô mai viên kìa, mẹ con muốn ăn phomai viên....
- Tối nay nướng hàu mẹ sẽ mua coca cho con chứ, con thèm coca, con muốn uống yomost cam, cam chứ không phải dâu mẹ ạ...
Cứ thế em ấy loăng quăng cùng cái cửa hàng tiện lợi, đòi mua hết cái này đến cái kia. Hơi muốn “bùng cháy” nhưng mẹ cũng đành đóng vai nhu mì, đoan chính:
- Ok con cứ liệt kê những thứ con muốn mua đi, nói xong mẹ phớt lờ mua sắm tiếp.
Mua xong, mẹ rủ em ngồi xuống ghế:
- Nào, bây giờ thì con nói lại cho mẹ những món mà con muốn mua nào
Em ấy liệt kê được 3 món dù trước đó đòi cả chục món đó là: phomai, yomost cam và coca.
- Mẹ thấy đó là những món con thích nhưng mẹ chỉ đủ tiền mua cho con 1 trong 3 món đó thôi, con hãy suy nghĩ kĩ mình nên chọn món nào nhé.
Sau mấy phút trăn trở, cuối cùng em ấy chọn Phomai viên, lòng mãn nguyện ra về, dù buổi tối ăn hàu không có coca.
Cũng như 90% em bé trên đời, em An cũng rất thích đòi mẹ mua một món đồ nào đó mà em ấy muốn, nhất là khi đi siêu thị. Sau thời gian đầu bối rối, xử lí sai cách, thì mình rút ra được những chiêu thức đối phó:
Nếu yêu cầu của bé chính đáng, nếu được, hãy đáp ứng nó. Một số phụ huynh lo ngại nếu mua khi bé đòi sẽ khiến bé hay đòi hỏi hơn nhưng mình nhận thấy, khi bé biết nếu mình yêu cầu những thứ chính đáng mẹ sẽ mua cho mình và bé sẽ cân nhắc trong việc đòi và sẽ không bạ gì cũng đòi hết. Khi quyết định mua món đồ mà bé yêu cầu, ba mẹ hãy nói cho bé biết: mẹ thấy yêu cầu của con là hợp lí và chúng ta sẽ mua nó. Đồng thời, hướng dẫn bé cách nói, thái độ hợp lí khi muốn ba, mẹ mua đồ cho như: giọng nhẹ nhàng, không khóc nhè, không mè nheo, nói những câu như thế nào... Ngược lại, nếu con muốn mua gì ba mẹ cũng từ chối sẽ khiến bé càng khao khát, thấy mình không được lắng nghe và càng đòi nhiều hơn.
Khi đã nói không, nghĩa là không, dù bé có ăn vạ, la hét. Việc của ba mẹ là nói với bé lí do không mua được và cách ly bé nếu thấy làm ảnh hưởng người khác. Có thể một vài lần bé phản ứng như vậy, nhưng dần dần bé sẽ hiểu ăn vạ chẳng xi nhê gì với ba mẹ đâu nên đừng hòng mà bày đặt trò đó, đừng món gì cũng đòi mua.
Hãy cho bé lựa chọn: con đòi 3 thứ những mẹ chỉ đủ tiền mua một thứ, con chọn đi. Con có muốn dùng tiền này tuần sau mua đồ chơi hay bây giờ dùng mua kẹo? Con muốn ăn kẹo hay về nhà cùng làm bánh rán với mẹ...Khi cho bé lựa chọn, bé sẽ rất trách nhiệm khi đưa ra quyết định và cảm thấy mình được tôn trọng. Và nhớ nhé, khi đã cho bé quyết thì ba mẹ đừng bắt con mua theo ý mình.
Trẻ con học và hiểu biết nhanh hơn những gì chúng ta nghĩ
Nói với con về giá trị của tiền, sức lao động, vật chất... giúp bé nhận thức dần giá trị của mỗi thứ từ đó bé sẽ biết là muốn mua một món đồ không hề dễ dàng và bé hạn chế đòi lung tung. Sẽ có người nghĩ con mình còn nhỏ nhận thức đâu tới mà nói. Không! nhỏ có cách nói của nhỏ, miễn là diễn đạt phù hợp, trẻ con học và hiểu biết nhanh hơn những gì chúng ta nghĩ.
Chúng ta đừng nghĩ việc con đòi mua đồ là tiêu cực, mình thì thấy đó là khi bé biết nói lên nhu cầu, mong muốn của mình. Việc của chúng ta là giúp con nhận thức được nhu cầu của mình có chính đáng hay không, cách yêu cầu, cách ứng xử với con.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.