Báo Anh ngưỡng mộ cách chống dịch Covid-19 thành công mà 'rất rẻ' của Việt Nam

Khi đã phần nào đẩy lùi được Covid-19, báo chí quốc tế đang dành những lời có cánh cho cách chống dịch hiệu quả với giá rẻ của Việt Nam.

Tờ báo The Economist của Anh vừa có bài viết ca ngợi cách chống dịch hiệu quả với chi phí rẻ của Việt Nam và bang Kerala của Ấn Độ. Dưới đây là phần lược dịch bài báo này.

Điện thoại đổ chuông, một bác sỹ nghe máy: "Thưa ngài, chúng ta hết máy thở rồi. Phải làm sao nếu như có thêm bệnh nhân". Ngay sau đó, một vị bác sỹ với khuôn mặt khá dữ tợn giải thích rằng căn bệnh mà họ đang chiến đấu đã giết chết 3 trong số 4 nạn nhân. Không có vắc xin hay biện pháp chữa trị hiệu quả nào!

Đây là những phân đoạn mở đầu của bộ phim có tựa đề "Virus" - bom tấn nhận được rất nhiều sự ca ngợi vào năm ngoái tại ngành điện ảnh Mollywood ở bang Kerala, Ấn Độ. Là dòng phim trinh thám, Virus kể câu chuyện có thực về những khó khăn của Kerala để có thể kiểm soát được sự bùng phát của dịch virus Nipah vào năm 2018. Virus Nipah đã giết chết 21 trong số 23 người bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, Kerala đã kiểm soát được Nipah trong vòng 1 tháng bằng cách thực thi tất cả các biện pháp tiếp cận gồm cả phong tỏa diện rộng, hạn chế tiếp xúc và cách ly hàng nghìn người nguy cơ nhiễm bệnh.

Đến khi dịch Covid-19 xuất hiện, chính quyền bang Kerala cũng đã sử dụng những biện pháp đơn giản với chi phí thấp như kể trên để ngăn chặn sự lây lan của virus corona và thật may mắn, họ cũng đạt những kết quả tuyệt vời.

Dù là 1 trong 36 bang đầu tiên của Ấn Độ báo cáo trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 – là một sinh viên y tế trở về từ Vũ Hán vào tháng 1. Đến ngày 24/3, khi Tổng thống Naredra Modi tuyên bố lệnh phong tỏa cả nước, Kerala đã chiếm 1/5 tổng số ca mắc của toàn Ấn Độ, hơn bất kỳ bang nào khác. Vậy mà chỉ 6 tuần sau đó, họ đã xếp thứ 16. Đến thời điểm số ca mắc mới của Ấn Độ tăng lên chóng mặt thì số ca nhiễm ở Kerala đã giảm 2/3 và chỉ 4 người chết.

Báo Anh ngưỡng mộ cách chống dịch Covid-19 thành công mà rất rẻ của Việt Nam - Ảnh 1.

Số ca nhiễm ở Việt Nam, Kerala so với toàn Ấn Độ và Philippines.

Phương thức kể trên cũng được Việt Nam - một quốc gia với 95 triệu dân áp dụng để đối phó với Covid-19. Dù phát hiện ca mắc Covid-19 sớm và chứng kiến số trường hợp tăng nhanh trong tháng 3 nhưng kể từ sau đó Việt Nam đã chứng kiến số bệnh nhân Covid-19 giảm đáng kể xuống hiện nay chỉ còn 39 (trong đó đã nhiều ngày liên tiếp không phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng).

Đặc biệt hơn, chưa kể nằm trong nhóm rất ít những quốc gia và vùng lãnh thổ ngăn chặn thành công Covid-19, Việt Nam còn chưa ghi nhận bất kỳ ca tử vong vì Covid-19 nào. Trong khi đó, Philippines, quốc gia cùng thuộc Đông Nam Á với lượng dân số tương tự như vậy đã ghi nhận hơn 10.000 ca mắc và 650 người tử vong.

Giống Kerala, Việt Nam từng trải qua những dịch bệnh chết chóc như SARS vào năm 2003 và dịch cúm lợn 2009. Việt Nam và Kerala vì vậy được hưởng lợi từ một di sản đầu tư lâu dài về y tế công cộng và đặc biệt là chăm sóc sơ cấp, với sự quản lý mạnh mẽ, tập trung, đồng nhất từ các khu phố đến các làng xã xa xôi. Ngoài ra họ còn sở hữu đội ngũ nhân viên y tế lành nghề.

Một vài người có thể tranh luận rằng đạt được thành công như vậy là bởi Việt Nam và Kerala sở hữu lực lượng dân số trẻ giúp giảm tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh. Tuy nhiên, Todd Pollack – một chuyên gia về dịch bệnh truyền nhiễm nói rằng nguyên nhân cho thành công này đơn giản hơn nhiều: "Việt Nam đã hành động sớm, quyết liệt, sử dụng những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự lây lan của virus. Nếu có thể ngăn chặn thành công và nhanh chóng, không bao giờ họ phải chứng kiến số ca nhiễm tăng theo cấp số nhân".

Ông Pollack đồng ý rằng yếu tố văn hóa cũng đã hỗ trợ cho những nỗ lực chống dịch của Việt Nam như việc người dân có ý thức cao trong việc đeo khẩu trang, nghiêm chỉnh cách ly và thực hiện theo lời khuyên của các chuyên gia. Ông cũng thừa nhận rằng vấn đề tuổi tác của các bệnh nhân Việt Nam nhìn chung trẻ hơn các nơi khác, khiến việc chữa trị cũng trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, phần lớn là bởi vì lực lượng y tế nhanh chóng và hiệu quả cách ly những người nhiễm và có nguy cơ nhiễm để bảo vệ những người già hơn.

Gần cuối tháng 1, Việt Nam đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, thành lập một Ủy ban chỉ đạo cấp cao, chủ trì bởi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và bắt đầu kiểm tra hành khách nhập cảnh và hạn chế di chuyển.

Chiến dịch nhận thức cộng đồng cũng tạo ra hiệu quả tốt khi người dân liên tục nhận được tin nhắn văn bản, có thể theo dõi thông tin đầy đủ và chính xác qua các website, trang báo trực tuyến. "Ấn tượng mà họ tạo ra là việc chính phủ đã nỗ lực làm mọi thứ có thể để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh", Pollack nói.

Chính quyền bang Kerala cũng có tinh thần chống dịch quyết liệt như vậy. Từ cấp làng xã cũng đều được yêu cầu thiết lập những trạm rửa tay công cộng.

Bang này đã huy động 16.000 người để chăm sóc 100.000 người bị cách ly, đảm bảo họ không thiếu thực phẩm, thiết bị y tế hay đơn giản là để họ có người trò chuyện. Những bữa ăn miễn phí cũng được chuyển đến cho hàng nghìn gia đình.

Cả Kerala và Việt Nam hiện tại đều nhận thức sâu sắc rằng sự nguy hiểm đã được đẩy ra xa phần nào. Dẫu vậy, cho tới khi có vắc xin hoặc một phương thức chữa trị Covid-19 hiệu quả hơn, cả 2 nơi này sẽ vẫn duy trì cảnh giác cao độ.

Link gốc: http://toquoc.vn/bao-anh-nguong-mo-cach-chong-dich-covid-19-thanh-cong-ma-rat-re-cua-viet-nam-5202085151911868.htm

 

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang