Báo động đỏ 7 nguyên nhân khiến trẻ em tử vong vì đuối nước những ngày hè nắng nóng

Trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Đây là thông tin đáng báo động mới được đưa ra từ phía bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Liên tục những sự việc đau lòng

Vào mỗi dịp hè, các vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em lại càng có xu hướng tăng cao. Nhiều trường hợp do trẻ rủ nhau đi tắm ao, hồ, sông, suối... nhưng lại không có sự giám sát của người lớn, hoặc thậm chí người lớn không hề hay biết, đến khi nhận ra thì mọi việc đã quá muộn.

Báo động đỏ 7 nguyên nhân khiến trẻ em tử vong vì đuối nước những ngày hè nắng nóng - Ảnh 1.

Vào dịp hè, các vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em lại càng có xu hướng tăng cao. (Ảnh minh họa)

Ngày 29/4/2020, tại ấp 2, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, một nhóm 4 em học sinh từ TP. Biên Hòa đã đến một nhánh của lòng hồ Trị An để câu cá. 2 trong số 4 em sau đó đã rủ nhau xuống tắm và bị đuối nước dẫn đến tử vong.

Ngày 10/5/2020, hai trẻ em có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội đi du lịch cùng gia đình đã bị đuối nước dẫn đến tử vong khi tắm biển xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Vào ngày 24/5 tại xã Quang Diệm (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã xảy ra vụ đuối nước khiến 2 học sinh tử vong. Cụ thể, vào khoảng 13h cùng ngày, do trời nắng nóng, một nhóm học sinh rủ nhau vào đập Cây Trường thuộc xã này để tắm. Trong lúc đang tắm thì em N.C.C. (16 tuổi) và N.Q.H. (18 tuổi đều là học sinh Trường THPT Hương Sơn) không may trượt chân xuống hố nước sâu chết đuối.

Đó chỉ là một trong số ít những vụ tai nạn đuối nước thương tâm diễn ra từ đầu hè năm 2020.

Đuối nước - nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em 

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: “Với các nỗ lực của Việt Nam, tình hình tử vong do đuối nước ở trẻ em đã giảm so với giai đoạn trước. Mặc dù vậy, tỷ lệ trên vẫn ở mức cao và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em”.

Báo động đỏ 7 nguyên nhân khiến trẻ em tử vong vì đuối nước những ngày hè nắng nóng - Ảnh 2.

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tử vong do đuối nước ở trẻ em ở Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước có thu nhập cao, do đó ảnh hưởng đến quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền sống còn của trẻ.

Có thể nói, tai nạn đuối nước ở trẻ em đang là một vấn đề gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi gia đình và nghiêm trọng hơn là đến sự sống còn và phát triển của trẻ em.

Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ, TS.BS Vũ THị Kim Hoa - Phó cục trưởng Cục trẻ em - Bộ LĐ-TB&XH cho hay:

“Có 7 nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em hiện nay. Một, do nhận thức và hiểu biết chung về đuối nước ở trẻ em còn thấp. Nhiều trường hợp đuối nước trẻ em xảy ra do sự thiếu kiến thức của người lớn, thiếu kiến thức của bản thân trẻ.

Hai, thiếu các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, chỉ có 30% trẻ em từ 6-14 tuổi biết bơi.

Ba, trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông, suối và tắm biển không có người lớn đi kèm. Đó là sự sao nhãng, vô ý, bất cẩn của bậc cha mẹ.

Bốn, việc dạy bơi tại một số địa phương còn khó khăn do thiếu đội ngũ giáo viên dạy bơi, thiếu bể bơi.

Năm, môi trường sống tại gia đình và ngoài cộng đồng chưa an toàn, tiềm ẩn nguy cơ gây đuối nước ở trẻ em.

Sáu, việc chấp hành luật pháp, chính sách còn chưa tốt khi tham gia giao thông đường thủy, đi tàu thuyền

Bảy, cha mẹ bận làm việc không có thời gian giám sát con trẻ”.

Dù biết bơi, trẻ vẫn có khả năng đuối nước

PGS.TS Phạm Việt Cường, Trường Đại học Y tế Công cộng cho hay: “Tỷ suất đuối nước giảm trong gần 20 năm qua nhưng vẫn ở mức cao. Việc can thiệp phòng chống đuối nước còn hạn chế, các chương trình triển khai dạng thử nghiệm và đơn lẻ. Mặc dù đã có chính sách và văn bản pháp lý chỉ đạo, các kết quả can thiệp còn chưa đồng đều tại các địa phương do sự quan tâm và đầu tư còn khác nhau”.

Theo một số chuyên gia về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhiều trẻ em biết bơi vẫn có khả năng tử vong do đuối nước bởi các em không được trang bị kỹ năng mềm về phòng, chống đuối nước. Bên cạnh đó, kỹ năng cứu đuối và sơ cấp cứu chưa được phổ biến rộng trong cộng đồng. Ngoài ra, thiếu sự giám sát của cha mẹ/ người chăm sóc trẻ, tiếp xúc với nguồn nước dễ dàng cũng là nguyên nhân chính của đuối nước ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi.

Báo động đỏ 7 nguyên nhân khiến trẻ em tử vong vì đuối nước những ngày hè nắng nóng - Ảnh 3.

Trong 2 năm triển khai chương trình về phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam, 8.915 trẻ em được dạy bơi an toàn.

Chính vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đã cùng Quỹ Từ thiện Bloomberg triển khai chương trình 5 năm về phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam. Chương trình góp phần hỗ trợ triển khai đồng bộ hơn công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Các tổ chức đã hỗ trợ 8 tỉnh của Việt Nam tiếp cận và thực hiện phù hợp 10 khuyến nghị về giải pháp, can thiệp phòng, chống đuối nước của Tổ chức y tế thế giới.

TS.BS Vũ THị Kim Hoa - Phó cục trưởng Cục trẻ em - Bộ LĐ-TB&XH đưa ra khuyến nghị giải pháp can thiệp phòng chống đuối nước trẻ em trong thời gian tới: "Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng vầ phòng, chống đuối nước trẻ em cho các cấp, các ngành, cộng tác viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em. Rà sát những nơi nguy hiểm cắm biển báo nguy hiểm: Rào ao, làm nắp giếng... làm cầu qua sông. Phát triển kỹ năng an toàn cho trẻ: Dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước; chỉ đạo 100% số tỉnh thí điểm dạy bơi an toàn và kỹ năng an toàn trong môi trường. Tăng cường giám sát và quản lý trẻ...".

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh: “Thủ tướng Chính phủ cũng giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành có liên quan, trong đó Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị để thực hiện tốt hơn chương trình phòng, chống tai nạn thương tích mà Thủ tướng đã ký cho giai đoạn tới. Thông qua việc đánh giá, lấy thông số tác động từ 8 tỉnh đã rà soát lại để chúng ta xây dựng cho chương trình 10 năm tiếp theo, đồng thời cũng giao trách nhiệm cho các tỉnh, thành phố một là rà soát, hai là kiểm tra, ba là giám sát, tiếp tục triển khai chương trình mà Chính phủ đã ký”.

Theo nghiên cứu đánh giá độc lập của trường ĐH Y tế Công cộng, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực sau 2 năm triển khai ban đầu, cụ thể:

Tính riêng năm 2019, hơn 8.000 trẻ em được học bơi và hơn 17.000 trẻ được dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, vượt 13% kế hoạch đặt ra.

Tỷ lệ biết bơi chung tại 8 tỉnh chương trình hiện nay là 25,5% cao hơn hẳn so với tỷ lệ trung bình 14,7% vào thời điểm trước can thiệp của chương trình. Hơn 90% phụ huynh và người chăm sóc trẻ hài lòng với các lớp dạy bơi an toàn được cung cấp bơi chương trình và hơn 10.000 hướng dẫn viên tại các xã, trường học được tập huấn cấp chứng chỉ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em.

Bên cạnh đó, hơn 4.700 cha mẹ có con dưới 6 tuổi và trên 700 giáo viên mầm non được đào tạo kỹ năng giám sát trẻ an toàn; 8 bể bơi của chương trình được lắp đặt mới và 35 bể bơi huy động của địa phương để tổ chức dạy bơi cho trẻ em…

 

Link bài gốc

Theo Tri Thức Trẻ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang