Phong trào "tẩy chay" vaccine từ lâu đã trở thành nỗi lo lắng của các nhà chức trách đối với sức khỏe của người dân ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Vì tâm lý lo ngại những tác dụng phụ của vaccine mà nhiều người bất chấp cả mạng sống của mình, nhiều bậc phụ huynh đẩy con mình đến bờ vực chết chóc, quyết không đi tiêm vaccine. Để rồi đến khi hậu quả khủng khiếp xảy ra, hối hận thì cũng đã muộn màng.
Dịch sởi bùng phát trên thế giới thời gian gần đây giống như một "gáo nước lạnh" dội vào phong trào anti-vaccine đã lan rộng ở nhiều nước trên thế giới. Vậy nhưng, để thay đổi được một trào lưu gây tổn hại tới sức khỏe cộng đồng đã tồn tại suốt nhiều chục năm qua không phải là điều dễ dàng gì.
Trong vài tháng đầu năm 2019, có tới 314 trường hợp mắc bệnh sởi - Ảnh minh họa.
Theo thông tin từ tờ Businessinsider, trong vài tháng đầu năm 2019, các bác sĩ ở Mỹ đã báo cáo con số 314 trường hợp mắc bệnh sởi cho Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của nước này. Trong khi đó, con số thông kê vào năm 2000, là chỉ có 100 trường hợp. Điều gì đã xảy ra? Các nhà khoa học đổ lỗi cho phong trào chống vắc-xin đang phát triển mạnh ở một số bang của Mỹ.
Tiểu bang Washington đã được coi là một "điểm nóng" của phong trào chống vắc-xin. Theo đó, chỉ riêng Tiểu bang Washington có tới hơn 70 trường hợp được báo cáo. Trong khi đây là một trong 17 tiểu bang cho phép cha mẹ phản đối việc tiêm phòng cho con cái của họ dựa trên niềm tin cá nhân hoặc đạo đức.
Và với số ít trẻ em được tiêm chủng, bệnh sởi có khả năng lây lan cao hơn nhiều. Trên thực tế, căn bệnh này rất dễ lây lan đến mức 93% đến 95% dân số phải được tiêm phòng để ngăn ngừa lây truyền. Tuy nhiên, ở một số tiểu bang của Mỹ, nhiều phụ huynh đang phớt lờ cảnh báo và tiếp tục "tẩy chay" vaccine.
Ảnh minh họa.
Đó là riêng ở Mỹ, con số đã thực sự đáng lo ngại nhưng ở Châu Phi, ở các vùng của Châu Á và cả Trung Đông, vấn đề tiêm vaccine lại càng cấp bách hơn cả.
Năm 2017, có khoảng 20 triệu trẻ sơ sinh đã không được tiêm phòng các loại bệnh như bạch hầu, uốn ván và ho gà (hay còn gọi là DTP) và khoảng 60% trong số đó chủ yếu ở 10 quốc gia.
Chẳng hạn như ở Nigeria, năm 2017 chỉ 1/3 dân số được tiêm vaccine DTP mũi thứ 3, trong khi số người tiêm mũi DTP thứ 3 trên thế giới là 85%. Thực tế, tỷ lệ tiêm chủng không chỉ bị ảnh hưởng bởi niềm tin mà còn vì vấn đề kinh tế. Các nước nghèo thường thiếu cơ sở hạ tầng như điện, vậy thì làm sao có khả năng bảo quản vaccine trong tủ lạnh.
Ảnh minh họa.
Hãy nhìn về đất nước Nam Sudan, chưa đến 10% dân số được sử dụng điện trong năm 2016, điều này có thể giải thích lý do tại sao quốc gia này tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trên thế giới. Nhưng cũng còn có những yếu tố khác, ví dụ như sau cuộc nội chiến ở Syria, tỷ lệ tiêm chủng đã giảm tới 40% vào năm 2016. Tỷ lệ đó còn nhân đôi ở các quốc gia có xung đột chính trị khác.
Theo thông tin từ trang web của UNICEF, hơn 20 triệu trẻ em trên thế giới không được tiêm vắc-xin sởi hàng năm trong vòng 8 năm qua, góp phần làm cho dịch sởi bùng phát trên thế giới như hiện nay.
UNICEF ước tính khoảng 169 triệu trẻ em không được tiêm mũi đầu vắc-xin sởi trong giai đoạn 2010-2017, hoặc trung bình 21,1 triệu trẻ em mỗi năm. Số lượng trẻ em không được tiêm vắc-xin gia tăng đã góp phần làm cho dịch sởi bùng phát tại một số quốc gia trên thế giới.
Trong ba tháng đầu năm 2019, hơn 110.000 ca mắc sởi đã được báo cáo trên thế giới – tăng gần 300% so với cùng thời điểm năm 2018. Ước tính 110.000 người, phần lớn là trẻ em, tử vong vì sởi trong năm 2017, tăng 22% so với năm 2016.
Ai cũng tiêm vaccine thì sẽ tạo nên "miễn dịch cộng đồng" - điều tuyệt vời trong việc phòng ngừa bệnh.
Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF, cho biết: "Nguyên nhân dịch sởi bùng phát trên thế giới mà chúng ta đang chứng kiến đã bắt nguồn từ nhiều năm trước. Virus sởi sẽ luôn đi tìm những trẻ em chưa được tiêm vắc-xin. Nếu chúng ta muốn nghiêm túc đẩy lùi sự lây lan của căn bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh này, chúng ta cần phải tiêm chủng cho mọi trẻ em, cả ở các quốc gia giàu và nghèo".
Điều đáng nói là không chỉ ở các nước nghèo, kém phát triển, ngay cả những quốc gia thuộc loại giàu có nhất thế giới cũng đang phải vật lộn để chống lại dịch sởi chưa có dấu hiệu được dập tắt. Mỹ đứng đầu danh sách các quốc gia có thu nhập cao nhưng nhiều trẻ em chưa được tiêm mũi đầu vắc-xin sởi trong giai đoạn 2010-2017 (hơn 2,5 triệu trẻ em). Sau đó là Pháp và Vương Quốc Anh, hơn 600.000 (Pháp) và 500.000 (Anh) trẻ sơ sinh chưa được tiêm mũi đầu vắc-xin sởi trong cùng giai đoạn.
(Tổng hợp)
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.