Tại hội thảo có chủ đề về Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường do Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội và Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức mới đây, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đã nêu thực tế đáng lo ngại trong đời sống giới trẻ.
Học sinh nói tục, chửi bậy
Đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, bên cạnh đại đa số học sinh có kiến thức rộng, nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin, quý trọng thầy cô, không ngừng phấn đấu thì vẫn có một bộ phận không nhỏ học sinh ứng xử thiếu văn hóa như nói tục, chửi bậy, thô lỗ, cục cằn, kết bè kết phái, gây gổ, đánh nhau,…
Tình trạng bạo lực học đường không chỉ diễn ra ở thành thị mà còn ở nông thôn cả học sinh nam và nữ gây hậu quả đáng tiếc, tác động xấu đến môi trường giáo dục.
Ngoài ra, còn có không ít học sinh có biểu hiện thờ ơ, vô cảm, buông thả, chây lười trong học tập, sa lầy vào chơi điện tử, sống trong thế giới ảo với mạng xã hội, khép mình với thực tiễn cuộc sống.
Một bộ phận học sinh hiện nay tâm lý phát triển sớm, quan niệm tình yêu gắn liền với tình dục đã để lại những hậu quả khó lường. Có những bạn trẻ bị trầm cảm, tự tử hoặc đứng trước nguy cơ vô sinh, thậm chí có trường hợp bị vô sinh do nạo hút thai ở tuổi dậy thì. Không ít em phải làm cha, làm mẹ ở tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” do quan niệm quá thoáng về tình yêu.
PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban tư tưởng Văn hóa T.Ư nói rằng vẫn có một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên lệch chuẩn và lệch chuẩn nghiêm trọng trong ứng xử, cử chỉ, lời nói, trong các mối quan hệ. Tình trạng bạo lực học đường, mua bán sử dụng mua bán ma túy, thuốc lắc trong giới trẻ gia tăng cả quy mô và tính chất.
“Văn hóa dạy và học xuống cấp bởi tình trạng “chạy trường”, “chạy điểm”, “chạy bằng tốt nghiệp”. Sau tốt nghiệp lại chạy vào các cơ quan, đơn vị có nhiều bổng lộc của học sinh, phụ huynh. Tình trạng quan hệ tình dục của học sinh, sinh viên; “chạy 6 thành tích”, danh hiệu của các nhà quản lý giáo dục, giáo viên... Đây thực sự là điểm nóng, gây bức xúc cho dư luận xã hội”, ông Quát nói.
Cuồng sống ảo, thánh bàn phím
Thạc sĩ Đào Ngọc Quỳnh Thanh cho rằng, nhiều người trẻ bị cuốn vào lối sống ảo trên các trang mạng xã hội. Mỗi hình ảnh, trạng thái hay bất cứ điều gì trong cuộc sống đều đăng tải lên mạng để tìm kiếm sự chia sẻ, đồng cảm hoặc đơn giản là câu like. “Cuồng like” là hiện tượng phổ biến của giới trẻ hiện nay.
Thậm chí có người còn kêu gọi đủ lượt like sẽ thể hiện hành động nguy hiểm, phản cảm. Ví dụ như nữ sinh Khánh Hòa bị bỏng phải nhập viện khi châm lửa đốt trường sau khi đạt cột mốc 1.000 like. Do muốn được nhiều người tán thưởng, người trẻ coi điện thoại là vật bất ly thân, luôn chụp ảnh tự sướng, phát trực tiếp mọi lúc, mọi nơi cả ở đám tang, đám cưới, lúc ăn, lúc ngủ…
Một số bạn trẻ thích thể hiện bằng cách dọa nạt, công kích người khác bằng những hình ảnh, tin đồn giả mạo. Từ những thú vui trên mạng có thể biến thành hệ lụy thật khi tìm nhau ngoài đời để “dạy một bài học”. Không dừng lại ở đó, nhiều nhóm còn quay video, tung lên mạng xã hội. Thậm chí có nơi học sinh còn tham gia các nhóm nói xấu, xúc phạm danh dự thầy cô giáo của mình.
Điều đáng báo động thứ 3 là học sinh, sinh viên thậm chí cả giáo viên trẻ tuổi là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các website và các trào lưu của đám đông. Một thực tế không thể phủ nhận là nhiều người sẵn sàng a dua thể hiện quan điểm cá nhân bằng những ngôn từ có tính “sát thương” cao.
Tác hại của việc sống ảo
Sống ảo đang dần dần khiến giới trẻ trở nên vô cảm, thờ ơ hơn với cuộc sống. Ví dụ như khi thấy người gặp nạn, thấy hỏa hoạn hoặc là cảnh đánh nhau trên đường, điều đầu tiên họ nghĩ đến không phải là gọi cảnh sát, kêu gọi giúp đỡ hay can ngăn mà là rút điện thoại ra để quay video, live stream cảnh tượng trên mặc cho nạn nhân có ra sao.
Hay khi có tin đồn lá cải về một ai đó, dù điều này chưa hề được chứng thực như cư dân mạng vẫn sẽ nhao nhao mắng chửi, nhục mạ đối phương mà không hề nghĩ đến hậu quả. Điều này thực sự đã dẫn đến những vụ án vô cùng thương tâm, bởi không phải ai cũng có tinh thần vững chắc để đối diện với sự lên án dã man từ phía cộng đồng mạng.
Có những người chỉ sử dụng mạng xã hội để đọc tin tức, giải trí hoặc trò chuyện với bạn bè. Nhưng có những người lại không kiềm chế được mà chìm đắm trong thế giới mạng hàng giờ, thậm chí là thức nguyên đêm để lướt mạng.
Việc sử dụng điện thoại quá nhiều và đặc biệt là về đêm sẽ khiến thị lực suy giảm, gây nên các bệnh về mắt như mỏi mắt, khô mắt… Nhiều trường hợp còn gặp phải áp lực tâm lý khi bị công kích trên mạng, dẫn đến việc suy sụp và nghĩ quẩn.
Hơn nữa, khi sa đà quá nhiều trong thế giới ảo, giới trẻ sẽ chẳng thể tránh khỏi việc tiếp cận với những luồng thông tin sai lệch, hay hình ảnh phản cảm, đồi trụy hiện hữu trên mạng xã hội.
Sống ảo không xấu, nhưng nếu không biết điểm giới hạn của sống ảo thì việc sống ảo trở nên xấu và gây ra hệ lụy nguy hiểm mà ta thậm chí không thể lường trước được.
"Phụ huynh nên cân nhắc kỹ lưỡng sự cần thiết trước khi trao quyền cho trẻ sở hữu thiết bị công nghệ kết nối mạng. Thiết lập và luôn nhắc nhở trẻ về các quy tắc, nguyên tắc trong bảo mật thông tin cá nhân, hạn chế tương tác với người lạ và giới hạn thời gian sử dụng thiết bị công nghệ. Đặc biệt, cần có cơ chế kiểm soát việc sử dụng mạng, mạng xã hội tại trường học cũng như ở nhà".
"Các nhà tâm lý học cũng đưa ra khuyến cáo, gia đình phải thay đổi thói quen dạy con kiểu Á Đông: Chỉ ra lệnh mà không quan tâm đến suy nghĩ độc lập của con. Học cách lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc với con cái là việc mà cha mẹ là những người đầu tiên phải làm".
“Nhà trường không nên chú tâm vào việc dạy kiến thức mà quên đi việc dạy các em nên người. Nhà trường nên dạy học sinh biết cách ứng xử, biết quan tâm giúp đỡ mọi người và giáo dục kỹ năng sống có chất lượng, thiết thực, bằng cách khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dám đấu tranh trong mọi học sinh. Chỉ có như thế, cái xấu, cái tiêu cực, cái thô bạo ở môi trường giáo dục, trong học sinh mới hết đất sống. Hơn nữa, mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương đạo đức cho các em noi theo”.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.