Đó là một trong những nguyên nhân khiến những vụ bạo hành vẫn xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là những vùng sâu, xa, nơi có yếu tố nhận thức hạn chế do ít được tiếp cận hoặc quan niệm sống hiện đại.
Theo báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ và trẻ em của Việt Nam năm 2019, cứ 3 phụ nữ thì có 2 phụ nữ (63%) đã từng chịu một hoặc hơn 1 hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng/ bạn tình gây ra trong đời.
Cũng nói về tình trạng bạo lực, mới đây trong chuyến đi khảo sát tại một số địa phương, ông Lê Xuân Đồng, điều phối viên Dự án Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam thông tin, qua thực tế cho thấy 90% người bị bạo lực không tìm kiếm sự trợ giúp.
Theo ông Đồng, người bị bạo lực thường không nói ra việc họ bị bạo lực vì họ thấy không an toàn, thực tế có người đã nói ra những không được hỗ trợ kịp thời và đã bị người chồng gây bạo lực thêm, nhiều người bị bạo lực cũng cho rằng bạo lực gia đình là chuyện riêng trong gia đình.
Đó là thực trạng nơi dự án triển khai tại Yên Bái, Nghệ An, các nạn nhân thường không biết tìm đến đâu và gặp ai để tìm kiếm sự giúp đỡ. Có người đi tìm hỗ trợ nhưng không được hỗ trợ vì có rào cản ở người xử lý, hoặc không xử lý quyết liệt.
"Những điều này dẫn đến nạn nhân không chia sẻ. Thành viên trong nhóm đồng đẳng có người bị bạo lực 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm nên không thể đòi hỏi họ thay đổi trong thời gian ngắn", ông Xuân Đồng cho hay.
Nhận thức hành vi khi được tiếp cận cộng đồng
Gặp gỡ các thành viên trong câu lạc bộ "Gia đình chung sức sống" thuộc dự án tại Suối Giàng (Yên Bái), chúng tôi không thể ngờ rằng người đàn ông tên Linh đang nắm tay vợ rất tình cảm với ánh mắt yêu thương trước đó từng là kẻ vũ phu suốt hơn chục năm.
Chị Lan – vợ anh Linh chia sẻ, trong 20 năm qua kể từ ngày kết hôn thì 15 năm chị phải chấp nhận nhiều trận đòn của chồng, lần nặng nhất người phụ nữ này phải nhập viện nhưng sau đó chồng vẫn chứng nào tật đấy.
Theo nạn nhân, nguyên nhân sâu xa có lẽ do vấn đề kinh tế khó khăn, không có tiền cho các con ăn học. Đã thế, 3 năm trước, đất đồi hư hỏng, cam, quýt mất mùa, kinh tế gia đình chị Lan bị ảnh hưởng nặng nề.
Người vợ khuyên chồng là gia đình nên có một người đi làm để có kinh tế, một người ở nhà lo đồng áng, vườn tược và chăm sóc con cái nhưng anh không đồng ý. Vì muốn an toàn cho mình, để tránh những trận đòn nặng nề hơn, chị Lan quyết định lý hôn.
Tuy nhiên, 6 tháng sau đó, anh Linh bị bệnh thận phải mổ gấp, người đàn ông này liên tục gọi điện nói rằng đã nhận ra lỗi lầm của mình và hứa sẽ thay đổi. Vì vẫn còn tình cảm với chồng, lại muốn con có mái ấm đủ bố và mẹ, sau đó chị Lan đã tha thứ và cho anh Đạt thêm một cơ hội.
Biết được hoàn cảnh chị Lan, Hội LHPN xã Minh An, huyện Văn Chấn, Hội LHPN tỉnh Yên Bái đã động viên anh chị tham gia sinh hoạt câu lạc bộ "Gia đình chung sức" với mục đích hàn gắn, giúp gia đình hiểu nhau hơn và học hỏi cách phát triển kinh tế.
Anh Linh chia sẻ, kể từ khi tham gia câu lạc bộ được tiếp cận các kiến thức, anh Linh mới biết rằng không phải đánh vợ mới bạo lực, mà chửi bới hay bằng hành động cử chỉ không đúng cũng là bạo lực.
Đặc biệt, từ khi gia đình chị Lan được hỗ trợ 1 cặp bò. Đến nay, nhờ tập trung nuôi bò để sinh sản và kinh tế ổn định, gia đình chị đang nuôi bốn con bò. Ngoài ra, vợ chồng anh chị còn làm chủ hơn 1 ha cây quế, 300m2 đất để trồng cỏ cho bò, 100 con gà và có ao nuôi cá.
Anh Linh sau đó đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, cũng như hậu quả của bạo lực đối với các thành viên trong gia đình và xã hội.
Lên chức bà vẫn chịu đựng, không dám phản kháng
Câu chuyện bị bạo hành của một trong số 20 cặp vợ chồng tham dự buổi sinh hoạt câu lạc bộ "Sức sống mới" và "Nam giới trách nhiệm" dành cho các cặp vợ chồng bạo lực/ bị bạo lực gia đình tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cũng khiến bất cứ ai hiểu ra đều thấy thương cảm.
Đó là trường hợp của bà Hồ Thị Thúy (53 tuổi) ngay từ ngày bước chân về làm dâu, bà Thúy đã bị chồng đánh đập, đến nay đã hơn 20 năm.
Nguyên nhân được bà Thúy kể lại là do không có con trai, dù chị đã sinh đến 8 con nhưng vẫn toàn là gái.
Nhà đông con, kinh tế khó khăn nên chồng bà Thúy chán nản suốt ngày uống rượu, một ngày tỉnh 3 ngày say, cứ rượu vào là đánh vợ, chửi con.
Ngay cả khi chồng đã bỏ đi uống rượu rồi, đến đêm về là lại tiếp tục chửi vợ con suốt đêm. Được biết cách đây 10 năm, người đàn ông ấy từng phải đi bệnh viện điều trị loạn thần do rượu.
"Dù đã có bác sĩ kê thuốc uống nhưng hết thuốc không kịp mua là quậy khắp nơi. Về nhà ông ấy vừa chửi vừa đập, ngày trước chỉ đánh vợ nhưng gần đây đánh luôn cả con. Các con khỏe mạnh còn chạy được. Thương nhất con bé 15 tuổi đang bị ung thư vòm họng. Nó yếu thế ông ấy cũng không tha", bà Thúy nói xong đưa tay lên chỉ vào vết bầm tím trên vai.
"Bắt mạch" để làm thay đổi tình trạng bạo lực gia đình
Điều phối viên Dự án Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, cho rằng, cam chịu là đặc tính chung của phụ nữ bị bạo hành, trong khi đó, với nam giới, thách thức với nhóm gây bạo lực này là làm sao giúp họ nhận diện niềm tin để thay đổi hành vi bạo lực. Bởi trên thực tế, quan niệm ''trong gia đình đàn ông phải là số 1'' vẫn ăn sâu, bám rễ trong suy nghĩ nhiều người.
"Chính vì thế, chỉ nam giới mới là người có thể thay đổi được hành vi đó. Dự án, hay vợ, bố mẹ cũng không thay đổi được. Họ chính là người kiến tạo sự thay đổi. Họ vừa là nguyên nhân, vừa là giải pháp, cho nên sự thay đổi phải bắt nguồn từ họ", ông Lê Xuân Đồng nhấn mạnh.
Với mong muốn giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, ông Lê Xuân Đồng chia sẻ, kỹ thuật "hết giờ" là bài học đầu tiên dành cho những nam giới trong CLB "Nam giới trách nhiệm" được hướng dẫn để thực hành trong gia đình.
Đây là kỹ thuật đơn giản giúp nam giới thoát khỏi tình huống căng thẳng trước khi bạo lực có thể xẩy ra và do vậy, tránh được sử dụng bạo lực.
Việc sử dụng kỹ thuật hết giờ đúng bao gồm 3 điểm:
i) Sử dụng đúng thời điểm, tức là khi cảm thấy nguy cơ bùng nổ (thông qua những dấu hiệu cơ thể, cảm xúc, suy nghĩ), người chồng sẽ nói với vợ rằng "Hết giờ! Mình dừng tranh luận tại đây", anh sẽ ra ngoài 1 giờ đồng hồ và em không cần tìm anh. Sau đó lập tức dừng tất cả tranh luận lại dù vợ có tiếp tục nói hay muốn nói.
ii) Đi ra ngoài trong đúng một giờ: Thời gian một giờ là để giúp họ nguôi đi cơn giận và cũng không quá dài để làm tăng thêm mâu thuẫn vợ chồng.
iii) Tìm một nơi yên tĩnh để ngồi trong thời gian một giờ, không uống rượu, chất kích thích hoặc tụ tập bạn bè (tránh việc bị khiêu khích).
Các cặp vợ chồng cũng lưu ý, khi quay về nhà, nếu vợ vẫn còn giận giữ thì nam giới cần tiếp tục quản lý bản thân để tiếp tục cuộc tranh luận mà không sử dụng đến bạo lực. Nam giới cũng cần chia sẻ kỹ thuật này với vợ nhằm giúp vợ không ngăn cản họ khi họ muốn ra khỏi nhà.
Đối với phụ nữ, khi thấy dấu hiệu căng thẳng cũng nên dừng lại, tránh việc đối đầu với chồng trong những tình huống có nguy cơ bạo lực có thể xảy ra.
"Kỹ năng đầu tiên chúng tôi luôn hướng dẫn chị em là kỹ năng an toàn. Theo đó, trước khi bị bạo lực, thì chị em cần nắm bắt được tình huống nào thì bạo lực dễ xảy ra (Ví dụ: Người gây bạo lực uống rượu, thua cờ bạc…) và suy nghĩ về cách ứng phó (hành vi, thái độ,..) để hạn chế bị tổn thương cơ thể hay tinh thần, cất những vật dụng có thể gây sát thương như gậy, dao, búa,… chuẩn bị sẵn các giấy tờ và vật dụng cần thiết (chứng minh nhân dân, giấy ghi số điện thoại hỗ trợ…) và tư trang cá nhân (tiền, quần áo, băng vệ sinh,…) để ở nơi an toàn".
Theo ông Đồng, giai đoạn đang bị bạo lực, chị em cần tạo khoảng cách an toàn với chồng, tránh những nơi có thể gây sát thương cao (góc tường, nơi có nhiều dao, gậy…,tìm cách thoát ra khỏi nơi bị bạo lực và tìm người giúp đỡ (kêu cứu, bỏ chạy…).
Sau khi bị bạo lực, cần sơ cứu vết thương (nếu có), lưu bằng chứng bạo lực (ảnh chụp/video…) và báo cáo cho cán bộ địa phương (công an, cán bộ Hội Phụ nữ, tổ trưởng,…).
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.