Theo các chuyên gia, bạo lực gia đình không chỉ xảy ra thường xuyên ở các thành phố mà tận vùng sâu xa cũng vậy, hình thức và mức độ của các vụ bạo lực cũng không giống nhau nhưng chúng ta nhìn thấy ngay hậu quả trước mắt đang ảnh hưởng nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em, làm hạn chế sự tham gia của họ vào đời sống cộng đồng, không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho các thành viên trong gia đình mà còn vi phạm nghiêm trọng các quyền con người.
Đa số nạn nhân là nữ giới
Sau mỗi giai đoạn, nhiều địa phương đều có con số thống kê về công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Trong một báo cáo của tỉnh Nghệ An sau 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình, cho biết, toàn tỉnh xảy ra gần 7.500 vụ bạo lực gia đình.
Trong đó có hơn 4.000 vụ bạo lực thể chất; hơn 2.500 vụ bạo lực tinh thần; gần 240 vụ bạo lực tình dục và hơn 600 vụ bạo lực về kinh tế. Phân hóa nạn nhân về giới cho thấy nạn nhân nữ là 6.765 người (chiếm gần 90%) và 695 nạn nhân là nam (chiếm hơn 10% tổng số nạn nhân).
Còn theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An, riêng năm 2020, toàn tỉnh này xảy ra 452 vụ bạo lực gia đình với 280 vụ bạo lực thân thể, 140 vụ bạo lực tinh thần, 28 vụ bạo lực kinh tế và 4 vụ bạo lực tình dục.
Đối với người gây bạo lực, ngành chức năng tổ chức góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư 407 trường hợp; áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc 3 trường hợp; giáo dục tại xã/ phường/ thị trấn 19 trường hợp; xử phạt vi phạm hành chính 20 trường hợp và xử lý hình sự (phạt tù) 3 trường hợp.
Ông Nguyễn Vinh Quang - Phó trưởng phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Nghệ An cho hay, số liệu này là những vụ việc đã được phát hiện, xử lý, báo cáo tại cơ sở. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà các nạn nhân không chịu khai báo. Họ e ngại, dè chừng, cố gắng chịu đựng... Vậy nên các vụ bạo hành gia đình không được báo cáo đến các cơ quan chức năng.
Theo ông Vinh, mặc dù ngành Văn hóa và Thể thao, các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể cùng chính quyền địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt nhưng vấn nạn bạo hành gia đình vẫn như sóng ngầm, âm ỉ dưới nhiều mái nhà.
Bị bạo hành nhưng vẫn "xin" cho chồng
Vị lãnh đạo phụ trách về văn hóa cho rằng, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, một trong những yếu tố then chốt để chấm dứt và ngăn ngừa bạo lực gia đình là thay đổi nhận thức và ứng xử của mỗi thành viên trong gia đình.
Một số vụ việc từng diễn ra rất lâu trong gia đình nhưng nạn nhân không chịu nói ra dẫn đến ảnh hưởng rất nặng nề.
Như trường hợp của chị Vân trú tại huyện Yên Thành, Nghệ An (tên nhân vật đã được thay đổi), suốt 6 năm trời phải chịu những trận đánh, hoặc hoàn toàn mất khả năng phản kháng trước những trận bạo hành của chồng. Đã có lúc chị Vân không chịu nổi đành dứt áo ra đi nhưng chồng lại xoa dịu nên chị quay về, rồi lại tiếp tục đâu vào đấy.
Đầu tháng 10, hàng xóm phẫn nộ về hành vi vũ phu của chồng chị Vân nên đã báo cho chính quyền. Tuy đã ký đơn đề nghị cơ quan chức năng xử lý nhưng chị Vân vẫn không quên "xin" cho chồng.
Trường hợp bạo hành ở xã Hùng Tiến (huyện Nam Đàn, Nghệ An) cũng vậy, từ tháng 6 đến tháng 11/2020, công an xã đã ban hành 4 quyết định xử phạt hành chính đối với anh Duy (tên nhân vật đã được thay đổi) về hành vi xâm hại sức khỏe và xúc phạm danh dự, nhân phẩm người vợ.
Tháng 9/2020, Chủ tịch UBND xã Hùng Tiến quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã trong thời hạn 3 tháng đối với Duy.
Đến ngày 15/12/2020, Tòa án nhân dân huyện Nam Đàn quyết định đưa Duy vào cơ sở giáo dục bắt buộc trong thời hạn 9 tháng vì không sửa đổi tính nết. Tuy nhiên, sau đó, chính người vợ đã có đơn đề nghị cơ quan chức năng rút quyết định đưa chồng chị đến cơ sở giáo dục bắt buộc.
Vì hôn nhân?
Theo ông Nguyễn Vinh Quang - Phó trưởng phòng Xây dựng Nếp sống Văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Nghệ An, xử lý hành vi bạo hành gia đình gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ chính nạn nhân.
Ông Lê Văn Lý - Trưởng phòng nghiệp vụ, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, trên thực tế, việc xử lý (về mặt hành chính hoặc hình sự) các hành vi bạo lực gia đình được thực hiện khi hôn nhân đã rạn nứt, khó có khả năng hàn gắn hoặc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, tính mạng.
Trong khi đó, với tâm lý Á Đông và quan niệm truyền thống, nhiều nạn nhân bạo hành vẫn muốn duy trì cuộc hôn nhân của mình, dù điều đó không khiến cho họ hạnh phúc hay được bảo vệ.
Cũng nói về tình trạng bạo lực, mới đây trong chuyến đi khảo sát tại một số địa phương, ông Lê Xuân Đồng, điều phối viên Dự án Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, Tổ chức Hagar Quốc tế tại Việt Nam thông tin, qua thực tế cho thấy 90% người bị bạo lực không tìm kiếm sự trợ giúp.
Theo ông Đồng, người bị bạo lực thường không nói ra việc họ bị bạo lực vì họ thấy không an toàn, thực tế có người đã nói ra nhưng không được hỗ trợ kịp thời và đã bị người chồng gây bạo lực thêm, nhiều người bị bạo lực cũng cho rằng bạo lực gia đình là chuyện riêng trong gia đình.
Đó là thực trạng nơi dự án triển khai tại Yên Bái, Nghệ An, các nạn nhân thường không biết tìm đến đâu và gặp ai để tìm kiếm sự giúp đỡ. Có người đi tìm hỗ trợ nhưng không được hỗ trợ vì có rào cản ở người xử lý, hoặc không xử lý quyết liệt.
"Những điều này dẫn đến nạn nhân không chia sẻ. Thành viên trong nhóm đồng đẳng có người bị bạo lực 5 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm nên không thể đòi hỏi họ thay đổi trong thời gian ngắn", ông Xuân Đồng cho hay.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.