Biến đổi khí hậu tiếp tục là một trong những vấn đề toàn cầu nhức nhối trong những năm vừa qua. 2019 kết thúc để lại cho nhân loại rất nhiều sự kiện liên quan đến khí hậu, môi trường báo động: Những trận cháy rừng khổng lồ ở Amazon; sông băng tan chảy ồ ạt ở dãy Andes và Greenland; khí thải CO2 ồ ạt ra bầu khí quyển cùng những trận sóng nhiệt kỷ lục về quy mô và nhiệt độ đã đẩy cơ thể người chạm ngưỡng giới hạn chịu nhiệt.
Hai thập kỷ đầu thế kỷ 21, giới khoa học toàn cầu chưa một ngày nào từ bỏ hy vọng để nỗ lực kêu gọi mọi người trên thế giới có cái nhìn nghiêm túc, đúng đắn về tình hình khí hậu trong một thế giới đang ngày càng nóng lên. Nỗ lực ấy đã phần nào có những tín hiệu tích cực.
The Conversation tổng kết những câu chuyện truyền cảm hứng nhất liên quan đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu của nhân loại năm 2019, mời độc giả theo dõi.
Tháng 11/2019, khoảng 11.000 nhà khoa học khí hậu đến từ 153 quốc gia trên toàn thế giới đã công nhận và tuyên bố tình trạng khẩn cấp khí hậu mà con người đang phải đối mặt.
Từ điển tiếng Anh Oxford chọn cụm từ "Khẩn cấp khí hậu" là từ của năm 2019. Đây cũng là tình trạng mà giới khoa học thế giới nhắc đến để diễn tả mức độ khẩn thiết của môi trường Trái Đất.
Không chỉ được giới khoa học công nhận, tình trạng khẩn cấp khí hậu đã được hơn 1.200 chính quyền địa phương trên toàn thế giới thừa nhận năm 2019.
Ảnh: Aliraza Khatri's Photography/Moment/Getty Images
Marc Hudson, Đại học Manchester (Anh) cho biết: Những tuyên bố dân sự này mở đầu một làn sóng mới về nhận thức của các chính quyền địa phương về khí hậu Trái Đất thế kỷ 21.
Vấn đề biến khí hậu/Khẩn cấp khí hậu phải được các cá nhân, gia đình, cụm dân cư nhìn nhận sâu sắc, để từ đó có những hành động cứu lấy Trái Đất thiết thực nhất; thay vì những câu chuyện cảnh báo ở mức quốc gia và rồi để nó ngủ yên trên bàn giấy.
Chỉ khi bị tác động trực tiếp từ sự nóng lên toàn cầu (bão lũ, lũ lụt ven biển, sóng nhiệt...) thì các cá nhân mới bắt đầu quan tâm đúng mực đến vấn đề khí hậu mà trước đây họ nghĩ là 'đao to búa lớn', chỉ thuộc thẩm quyền của các nhà lãnh đạo.
Thỏa thuận chung Paris về chống biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ Trái Đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Để đạt được mục tiêu này, toàn thế giới cần phải cắt giảm một nửa lượng khí CO2 và khí gây hiệu ứng nhà kính khác vào năm 2030.
Cuối tháng 9/2019, Liên Hợp Quốc công bố danh sách hơn 60 quốc gia tuyên bố cam kết giảm lượng khí thải CO2 về mức 0 vào năm 2050.
Ảnh: Internet
Tuy không nằm trong Top 3 quốc gia phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới (gồm Trung Quốc (26,8%), Mỹ (13,1%) và Ấn Độ (7%) - 3 quốc gia này không thuộc danh sách trên) nhưng Anh được xem là quốc gia năng nổ bậc nhất thế giới trong hành trình chống biến đổi khí hậu.
Lần đầu tiên trong lịch sử, một nền kinh tế lớn tuyên bố chính sách khí hậu cốt lõi khi cam kết giảm mức thải CO2 xuống 0 vào năm 2050. Chile đang thảo một dự luật về chính sách cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Phần Lan và Na Uy thậm chí cam kết giảm mức phát thải CO2 xuống mức 0 năm 2035 và 2030.
Kể từ khi được ký kết năm 2015, đây là lần đầu tiên các quốc gia hành động thiết thực nhất để đảm bảo Thỏa thuận chung Paris đạt được mục tiêu trong vài thập kỷ tới. Các chính sách về khí hậu đã bắt đầu hữu hình trên thế giới.
Năm 2019, nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu tăng mạnh. Chưa bao giờ thế giới chứng kiến những câu chuyện cảnh báo khí hậu ở mức độ tổng hòa đến thế năm 2019.
Từ Vương quốc Anh và các chính phủ thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp khí hậu đến bản báo cáo chân thực của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) về Trái Đất và môi sinh của nó; hay từ những bộ phim tài liệu về biến đổi khí hậu của BBC One; những cuộc bãi khóa của học sinh và những tiếng nói kiên quyết của những người trẻ, đang lên tiếng bảo vệ một thế giới cho chính họ trong tương lai.
Những cuộc thăm dò năm 2019 cho thấy hơn 75% người Mỹ chấp nhận sự thật: Con người đã gây ra biến đổi khí hậu.
Biểu tình vì môi trường tại Bavaria, Đức tháng 9/2019. Photo: Markus Spiske / Unsplash
Giáo sư khoa học Trái Đất Mark Maslin tại Viện đại học London (Anh) nói: Trao quyền cho thế hệ trẻ để họ hành động vì một thế giới ngày mai là việc làm đúng đắn. Nhờ sự ham học hỏi, năng động, họ có thể hiểu vấn đề chỉ với một cú click chuột. Họ nhận thức khoa học biến đổi khí hậu là có thật và có thể phân biệt đâu là sự lừa lọc, đâu là hiện thực cần phải chấp nhận, đề từ đó đưa ra giải pháp thay vì tránh né vấn đề.
Nhận thức và các mối quan tâm về biến đổi sẽ tiếp tục phát triển. Năm 2020 hứa hẹn là năm bận rộn với Anh khi nước này đảm nhận vai trò chủ trì các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Glasgow.
Trong hai tháng 3 và 4/2019, hai cơn bão nhiệt đới cực mạnh đã tấn công bờ biển phía đông nam châu Phi, khiến 600 người thiệt mạng, gần 2 triệu người cần cứu trợ khẩn cấp.
Dù là những con số tang thương nhưng đối với các nhà khoa học, thảm kịch phần nào được giảm thiểu khi các chuyên gia khí tượng đã dự báo sớm được về thảm họa lũ lụt từ hai cơn bão này, giúp sơ tán được người dân trước khi tai họa ập đến.
Đối mặt với một thế giới ngày càng nóng lên (một trong những hệ quả là khiến đại dương nóng lên khiến bão lũ dữ dội và khác thường hơn), vai trò và trách nhiệm của các nhà dự báo khí tượng thủy văn trở nên rất quan trọng. Việc đưa ra những thông tin kịp thời về diễn biến tình hình thời tiết nguy hiểm sẽ giúp người dân các nước giảm thiểu được mức độ thương vong đáng tiếc.
Bài viết sử dụng nguồn: The Conversation, New York Times
Link báo gốc: http://helino.ttvn.vn/kham-pha/bat-on-kep-chat-the-gioi-hon-10-van-nha-khoa-hoc-tuyen-bo-tinh-trang-dang-so-cua-trai-dat-8202031204544276.htm
Theo Trí Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.