01
Thủy và chồng sứt mẻ tình cảm sau một lần chồng cô muốn rút tiền tiết kiệm cho em gái chồng 100 triệu để dồn vào mua nhà mới. Điều này thật sự vô lý bởi vợ chồng cô còn đi ở nhà thuê, vậy mà anh vẫn luôn muốn dồn hết sự trợ giúp cho chị em nhà mình.
Thủy thẳng thắn nói rằng hai vợ chồng còn tích tiền để mua nhà, không thể thoải mái tặng luôn số tiền lớn như thế. Nếu như em gái chồng vay với thời hạn nhất định và cam kết trả đúng hạn, cô rất sẵn lòng nhưng cho luôn thì không được. Hoặc không, con số cho chỉ dưới 30 triệu mà thôi.
Bản thân Hải - chồng Thủy, tính cách không tệ. Nhưng anh luôn ôm đồm mọi công việc lo toan cho bên nhà nội, coi bên ngoại như không. Điều đó khiến Thủy rất mệt mỏi. Và đến khi cô kiên quyết không muốn rút tiền ra để cho em gái chồng, anh đã thẳng thừng nói Thủy nhỏ mọn, tính toán.
Cũng từ đó, chồng Thủy bắt đầu yêu cầu vợ thực hiện lối sống như "ở chung" trong nhà. Theo đó, chồng cô tự vạch sẵn giới hạn, quan hệ hai vợ chồng là AA. Tiền nong của ai người đó tiêu, cha mẹ ai người đó chăm sóc.
Ban đầu Thủy nghĩ Hải nói đùa bởi rốt cuộc vợ chồng sống cùng nhau, ai lại rơi vào tình trạng "ở trọ chung nhà" như thế. Tuy nhiên có lẽ vì muốn cho vợ thấy sự tức giận của mình, Hải đã kiên quyết như vậy. Anh giữ riêng tiền lương, khoản chung tiêu xài hết bao nhiêu thì đóng một nửa. Kể cả việc anh ta về bên ngoại, biếu bố mẹ cô thứ gì thì khi về tới nhà cũng đưa luôn hóa đơn, nói rằng đã làm đẹp lòng bố mẹ cô, giờ thì rạch ròi tính toán cho công bằng.
Thủy thuyết phục không được, đành đồng ý làm theo. Cuộc sống như thế kéo dài hơn 3 năm nay.
02
Trên thực tế, nói là không can thiệp hay quan tâm chăm sóc gì đời sống của nhau song Thủy vẫn rất lo lắng phía nhà chồng. Tuy nhiên bố mẹ và cô em gái chồng không hài lòng với chuyện cô từ chối xuất tiền tiết kiệm năm nào nên đối xử rất lạnh nhạt.
Thủy mặc kệ, lễ Tết vẫn quà cáp đầy đủ bởi để sống lạnh lùng như Hải, cô không thể làm được.
Hai vợ chồng đến với nhau cốt để có thể yêu thương, chăm sóc, có người đỡ đần. Sự rạch ròi quá mức về mặt tiền bạc và lối sống khiến cả hai không giống vợ chồng chút nào cả.
Thế nhưng diễn biến cuộc sống cứ như vậy tồn tại cho đến khi mẹ chồng đột quỵ và phải nằm viện. Bố chồng đã già yếu, không thể chăm sóc nổi. Cô em chồng không rõ lí do nào mà từ chối vào viện nên Hải nghiễm nhiên trở thành người phải chăm sóc mẹ.
Anh đi làm ban ngày, tối vào viện chăm mẹ ốm. Ngày một ngày hai thì không vấn đề nhưng kéo dài cả năm thì căng thẳng quá.
Cuối cùng, Hải quyết định thỏa hiệp. Anh nói chuyện với Thủy, yêu cầu hai bên không nên sống như thế này nữa. Thủy vẫn lắng nghe cho đến khi Hải đề nghị cô nghỉ việc, dành thời gian chăm sóc mẹ chồng ở viện.
"Mẹ tôi tai biến liệt nửa người, không làm gì được, cô nghỉ việc vào chăm sóc mẹ, kinh tế của cả nhà một mình tôi cáng đáng được", chồng Thủy lên tiếng.
Nghe đến đó, Thủy cảm thấy tức giận. Hai vợ chồng gần 4 năm "nước sông không phạm nước giếng" bây giờ anh lại lên giọng đòi hỏi như thế. Không phải cô tàn nhẫn hay nhẫn tâm mà ngay từ đầu, chồng cô đã đối xử quá tệ với chính cô và cả gia đình cô. Suốt ngần ấy năm, đến cả tiền đồ chơi, bút chì màu cho con gái mà Hải cũng tính toán chia đôi thì còn gì để nói với nhau.
Thủy tức đến bật cười, nhắc lại thỏa thuận ban đầu "bố mẹ ai người đó chăm" mà chính Hải đề xuất rồi kiên quyết làm theo để "dằn mặt" vợ. Cô nói thẳng mình có thể đến chăm sóc vào cuối tuần, trong tuần thì thi thoảng vào trông giúp chứ đừng bao giờ nhắc đến chuyện nghỉ việc vào viện chăm toàn thời gian.
Chồng nổi khùng chửi mắng, Thủy gạt nước mắt mang luôn con về nhà bố mẹ đẻ. Nếu nói đến chuyện ly hôn, cô cũng hoàn toàn sẵn lòng bởi vài năm qua, cuộc sống của cô cũng chẳng khác mẹ đơn thân là bao.
03
Nhà văn nổi tiếng Hong Kong Diệc Thư trong cuốn sách The First half of my life (Nửa đời trước của tôi) có viết: "Tại sao người ta lại kết hôn, có phải vì cuộc sống không dễ dàng và họ cần tìm một người để có thể giúp đỡ lẫn nhau".
Đó có lẽ là một điều cốt lõi thuần túy nhất của hôn nhân. Sự kết hợp giữa hai người xa lạ với tình yêu là nền tảng cũng vì một mục đích rằng để cả hai có thể gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau trải qua biết bao bước ngoặt hay giông bão của cuộc đời.
Tuy nhiên, lí tưởng thì cao đẹp nhưng thực tế đôi khi lại thật sự phũ phàng bởi chẳng phải lúc nào bạn đời cũng có thể cùng mình đi chung một con người mãi. Có nhiều người để sự ích kỷ xen ngang.
Với một cuộc hôn nhân, hai bên cần biết vì đối phương thật nhiều và cũng phải vì chính tổ ấm của mình thật nhiều. Đừng bao giờ vì sự ích kỷ của bản thân để tính toán thiệt hơn, đưa ra sự phân chia rồi biến mối quan hệ của cả hai như khách trọ chung nhà.
Nếu như tiền nong ai nấy tiêu riêng, bố mẹ ai người nấy chăm sóc thì cần gì đến bước kết hôn nữa. Một mối quan hệ thân thiết và khăng khít bậc nhất với nền tảng là tình yêu thì sao lại đến nông nỗi lạnh nhạt, ích kỷ với gia đình của nhau.
Vậy mới nói, xây dựng một tổ ấm thì khó nhưng phá nát đi thì dễ. Sự ích kỷ trong suy nghĩ cũng thể hiện một phần của sự vô trách nhiệm. Và với một đôi vợ chồng, ích kỷ có thể khiến cho điều cốt lõi nhất của vợ chồng chính là sự đồng hành, cam kết cùng nhau vượt qua khó khăn, vất vả sẽ dễ dàng tan vỡ.
Trong câu chuyện trên, vì chính sự ích kỷ của riêng mình, Hải lựa chọn phân chia rạch ròi với vợ đến từng chi tiết chi ly. Đến cuối cùng, cuộc hôn nhân của cả hai chẳng còn hình hài, việc xảy đến cũng tự mình cáng đáng.
Đây là một bài học lớn dành cho tất cả các cặp vợ chồng. Chẳng có việc gì không ngồi lại thương lượng, bàn bạc được. Phá tan đi cốt lõi của hôn nhân thì nó sẽ tan vỡ lúc nào chẳng hay.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.