Bệnh nhi Đ.Q.K, (sinh năm 2014, trú tại xã Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) nhập viện trong tình trạng trong tình trạng đau bụng âm ỉ khắp ổ bụng đã 4 ngày liên tiếp, ngày càng đau tăng lên và dùng thuốc nhưng không đỡ.
Sau khi được các bác sĩ thăm khám và làm các cận lâm sàng cần thiết người bệnh được chẩn đoán bị viêm phúc mạc ruột thừa.
Bệnh nhi được hội chẩn mổ cấp cứu nội soi cắt ruột thừa, tình trạng ổ bụng đầy mủ, giả mạc do ruột thừa viêm hoại tử vỡ. Các bác sĩ phẫu thuật đã lau rửa ổ bụng, cắt ruột thừa viêm và đặt ống dẫn lưu.
Hiện tại, tình trạng bệnh của bệnh nhi diễn biến tốt, đã giảm tình trạng nhiễm trùng, tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Trung tâm.
Theo các bác sĩ, viêm ruột thừa là một trong những cấp cứu ngoại khoa phổ biến. Nếu không được xử lý kịp thời, ruột thừa bị viêm có thể tiến triển vỡ dịch mủ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc toàn thể và có thể đe dọa tính mạng.
Trẻ em bị viêm ruột thừa, gia đình tự chẩn đoán nhầm khá phổ biến, do trẻ chưa có khả năng diễn tả tình trạng đau, điểm đau khó xác định, trẻ quấy khóc không miêu tả được vị trí đau. Chạm vào vị trí nào ở bụng trẻ cũng thấy đau.
Các bác sĩ cũng đưa ra một số lưu ý các dấu hiệu sau ở trẻ có khả năng bị viêm ruột thừa: Đau bụng vùng quanh rốn, hố chậu phải; Sốt nhẹ; Buồn nôn và nôn; Đại tiện phân lỏng; Bụng chướng.
Các triệu chứng này có thể xuất hiện không đầy đủ. Do đó các phụ huynh cần đưa con đi khám nếu thấy trẻ đau bụng nhiều, không giảm sau 1-2 giờ kèm theo nôn, đi lỏng hoặc sốt để được theo dõi tại bệnh viện vì việc theo dõi diễn biến tại nhà rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, gia đình không nên tự ý dùng thuốc giảm đau cho trẻ nếu trẻ đau bụng mà chưa xác định nguyên nhân vì thuốc giảm đau có thể làm mất các triệu chứng bệnh và gây khó khăn cho nhân viên y tế trong quá trình chẩn đoán viêm ruột thừa.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.