Bé Bo năn nỉ ''Con không cho mẹ đi làm đâu'' và đây là cách xử lý của Hoà Minzy: Nên nói gì khi con gào khóc và thắc mắc vì sao bố mẹ cứ phải đi làm?

Cách xử lý của Hoà Minzy được nhiều người khen ngợi.

Ở độ tuổi 2-3, các bé có xu hướng rất quấn mẹ, luôn muốn mẹ phải ở bên cạnh cả ngày. Chỉ cần mẹ rời khỏi con khoảng vài giây là các bé sẽ thấy nhớ ngay. Đây là một cảm giác hoàn toàn bình thường, cho thấy trẻ cần sự an toàn và tình yêu của mẹ. 

Tuy nhiên, việc này cũng khiến nhiều bà mẹ vô cùng đau đầu bởi cứ tới giờ đi làm là các con lại mè nheo, buồn bã nhất quyết không cho mẹ đi. Người lớn đi làm, trẻ con đi học... đó là quy luật muôn thuở từ xưa tới nay. Thế nhưng, với sự non nớt của một đứa trẻ, nếu không giải thích thì chúng vẫn chưa thể hiểu tại sao bố mẹ cứ đi làm, còn con cái lại phải đi học.

Hoà Minzy cũng vừa rơi vào trường hợp tương tự, bà mẹ 1 con cho biết sáng nào trước khi đi làm, cậu bé Bo cũng năn nỉ mẹ ở nhà. Bằng giọng đáng yêu xen lẫn buồn bã, Bo nói: ''Mẹ ơi mẹ ở nhà chơi với con đi, con không cho mẹ đi làm đâu''. Trước sự kiên trì của con trai, Hoà Minzy giải thích: ''Mẹ phải đi làm, kiếm tiền mua sữa cho Bo, nuôi bà ngoại nữa, tối nay mẹ về, mẹ hứa, ngoắc tay nhé''.

Con trai Hoà Minzy không muốn mẹ đi làm

Thế nhưng có vẻ như Bo vẫn chưa muốn xa mẹ. Thấy con trai buồn, Hoà Minzy tiếp tục động viên con rồi khuyến khích con chơi đồ chơi mới để mẹ đi làm. Nhiều bố mẹ có xu hướng tỏ ra cáu gắt, quát mắng, thậm chí khó chịu khi con cứ không muốn mình đi làm, thế nhưng Hoà Minzy có cách xử lý nhẹ nhàng, luôn nói lời yêu thương với con khiến câu chuyện muôn thuở vào buổi sáng trở nên bớt nặng nề. 

Với nhiều bố mẹ quát mắng, nói nặng lời với con như ''Ngày nào cũng nhõng nhẽo, mè nheo, đi làm còn kiếm tiền, còn bao nhiêu việc, đâu phải cứ ở nhà mãi được như thế'', hay ''không biết mẹ khổ lắm à mà còn lải nhải thế, bận trăm công nghìn việc, ở nhà thì bị nói là ăn bám, đi làm thì con cái cứ mè nheo đến khổ''... rồi rời khỏi nhà trong sự bực bội. 

 
 

Hai mẹ con đáng yêu. 

Nhưng lúc đó, con của các bạn cũng chẳng vui vẻ gì. Chúng đang khóc và rất tổn thương bởi cách ứng xử của bố mẹ. Nếu điều này cứ kéo dài, con sẽ chẳng cần đến bố mẹ nữa. Vậy nên, hãy hiểu cho tâm trạng của con và đừng buông những lời mỉa mai hay khó chịu với con dù buổi sáng ai cũng đều rất bận rộn. 

Đừng xem thường câu hỏi ''Con không muốn mẹ đi làm, tại sao cứ phải đi làm''

Một đứa trẻ hỏi: "Mẹ ơi, tại sao mẹ bỏ con để đi làm?". Người mẹ trả lời: "Mẹ cần kiếm tiền, không có tiền thì lấy gì mà ăn. Đồ ăn, đồ chơi của con chắc từ trên trời rơi xuống chắc''. Đứa trẻ nghe xong chỉ lặng lẽ cúi đầu: "Hóa ra con gây ra sự mệt mỏi cho mẹ".

Cũng với câu hỏi này, một bà mẹ khác đáp: "Mẹ đi làm để học kiến thức mới, để kết bạn và tìm niềm vui. Giống như con là học sinh, con phải học tập chăm chỉ và hòa đồng với bạn bè". Đứa trẻ nghe xong lại mỉm cười nói "Vâng, con hiểu rồi".

Mỗi khi nói những lời khó chịu, hãy nghĩ xem con bạn sẽ cảm thấy thế nào khi nghe câu trả lời "phũ phàng" như người mẹ đầu tiên. Trong tâm trí trẻ, chúng chỉ mong muốn cha mẹ ở bên mình nhiều hơn. Bởi vậy khi người lớn đi làm, trẻ không được gặp thường xuyên, trong lòng sẽ cảm thấy bất an.

Trên thực tế, nhiều phụ huynh vất vả làm việc với mong muốn cho con có cuộc sống và điều kiện giáo dục tốt nhất. Tuy nhiên không phải sự cố gắng nào cũng được trẻ thấu hiểu. Bởi những gì trẻ nhìn thấy là cha mẹ chỉ quan tâm tới công việc mà nhiều khi quên mất sự có mặt của chúng.

Trong mắt trẻ, cha mẹ là cả thế giới. Với mong muốn luôn được đồng hành cùng cha mẹ, đừng vì công việc mà bỏ qua thái độ của con. Chỉ cần một cái ôm, một lời nói nhẹ nhàng: "Mặc dù mẹ rất bận rộn, nhưng con sẽ là người mẹ luôn yêu thương nhất", khiến trẻ cảm thấy cả thế giới này đều thuộc về chúng.

Nên trả lời ra sao khi con thắc mắc về chuyện mẹ phải đi làm

Trẻ con như một trang giấy trắng, góc nhìn của chúng khác hoàn toàn so với người lớn chúng ta. Rõ ràng không đi làm thì không có tiền tiêu, không có tiền thì sẽ chẳng mua được gì cả, thức ăn, đồ dùng, cuộc sống đều cần tiền, thế nhưng nếu trả lời một cách phũ phàng như vậy thì có hiệu quả với con hay không.

Thay vì như thế, bố mẹ nên tìm cách nói khéo léo và tinh tế hơn với con của mình, để bé có thể hiểu ra vấn đề về lý do của việc bố mẹ đi làm còn các con phải đi học. Một số gợi ý cho câu trả lời của bố mẹ như sau:

- Mẹ đi làm để học kiến thức mới, để kết bạn và tìm niềm vui. Giống như con là học sinh, con học tập chăm chỉ và khám phá rất nhiều điều hay lẽ phải ở trường lớp. Ở đó, con sẽ có thêm bạn bè, những người mà con yêu mến.

- Bố mẹ thích công việc bởi có thể học hỏi kiến thức và mang đến niềm vui cho mọi người. Bố mẹ đi làm nên không thể ở bên con, nhưng bố mẹ vẫn luôn nhớ đến con.

- Bố chưa bao giờ nói bố đi làm là để kiếm tiền, bởi bố sợ con nghĩ tiền quan trọng hơn con. Công việc của cha mẹ rất bận, nhưng con sẽ luôn là người cha mẹ yêu thương nhất.

- Sau khi bố mẹ đi làm và con đi học, cuối ngày chúng ta sẽ thêm trân trọng khoảng thời gian ở bên nhau. Hơn nữa, thứ 7 và chủ nhật chúng ta sẽ dành thật nhiều thời gian ý nghĩa bên nhau. Và vì cuộc sống còn rất nhiều điều thú vị cần khám phá mà bố mẹ không thể cho con, thay vào đó cô giáo và bạn bè sẽ làm điều đó.

- Nếu không đi học con sẽ không biết có bạn Bông, bạn Cún đáng yêu phải không nào? Nếu không xa mẹ, con sẽ không biết con yêu mẹ thế nào. Và mẹ cũng vậy, nếu không đi làm mẹ sẽ không biết bản thân nhớ và yêu con ra sao. Mẹ phát hiện mẹ yêu con nhiều hơn sau mỗi giờ đi làm về.

Bé Bo năn nỉ ''Con không cho mẹ đi làm đâu'' và đây là cách xử lý của Hoà Minzy: Nên nói gì khi con gào khóc và thắc mắc vì sao bố mẹ cứ phải đi làm? - Ảnh 3.

Hãy tinh tế và khéo léo khi trả lời những câu hỏi từ con. Ảnh: Internet

Cách bố mẹ trả lời những tò mò của con cái sẽ quyết định rất nhiều tới sự hiểu biết và tính cách của các con, bởi vậy hãy suy nghĩ thật kĩ trước khi đưa ra câu trả lời.

Đặc biệt, khi bé hỏi: "Mẹ ơi, tại sao mẹ đi làm?", mẹ hãy cúi xuống và kiên nhẫn giải thích với trẻ. Câu trả lời của cha mẹ, thái độ làm việc của cha mẹ sẽ quyết định tương lai của trẻ đối với sự nghiệp và cuộc sống sau này. Cho dù cha mẹ có khổ cực, có mệt mỏi, cũng nên tạo một câu chuyện cổ tích thật đẹp để giúp trẻ nắm lấy tương lai bằng tình yêu và niềm hy vọng.

Mẹ có vui vẻ, hạnh phúc mới truyền được năng lượng tích cực cho con

Trước bất kì câu hỏi nào của con, bố mẹ nên cố gắng trả lời thật thấu đáo. Một ngày trẻ có thể đưa ra hàng vạn câu hỏi ''Tại sao thế này, tại sao thế kia'', dù nó có lặp lại rất nhiều lần nhưng đó là cách mà con tiếp cận thế giới này. Vậy nên đừng cảm thấy phiền phức mà hãy nhẹ nhàng giải thích cho bé. Nếu cứ tỏ ra khó chịu, mệt mỏi thì chính bạn đang tước đi cảm giác tò mò từ các con đấy. 

Hơn nữa, với mỗi câu hỏi của con, dù mẹ có biết câu trả lời hay không thì đều nên đáp lại bằng nụ cười và sự nhẹ nhàng. Những câu như ''hỏi gì hỏi lắm thế'', hay ''có thế mà cũng phải hỏi'' sẽ chỉ làm con cảm thấy tổn thương, dần dần không muốn hỏi mẹ nữa. 

Để yêu thương con đúng cách, mẹ cần làm cho chính bản thân mình được thoải mái, vui vẻ. Mẹ có hạnh phúc mới truyền được năng lượng tích cực và tình yêu thương tới con được. Dạy con là một hành trình dài không chỉ cần kiến thức, kinh nghiệm mà còn cần sự tinh tế, quan sát của bố mẹ nữa. 

 

https://afamily.vn/be-bo-nan-ni-con-khong-cho-me-di-lam-dau-va-day-la-cach-xu-ly-cua-hoa-minzy-nen-noi-gi-khi-con-gao-khoc-va-thac-mac-vi-sao-bo-me-cu-phai-di-lam-20220525093022844.chn
 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang