Bé gái mọc ria mép, người đầy lông vì tác dụng phụ của thuốc chống viêm, bác sĩ Nhi cảnh báo "nguy hiểm chả kém lạm dụng kháng sinh"

Đôi khi thấy con uống thuốc nhanh khỏi nên lần sau cha mẹ lại tự ý cho con dùng thuốc đó mà không lường hết tác dụng phụ nguy hiểm của nó.

Mới đây, bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo (Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc) chia sẻ hình ảnh một bệnh nhi bác sĩ từng khám là bé gái khoảng 2 tuổi với khuôn mặt tròn, có ria mép, người rậm lông do tác dụng phụ của việc lạm dụng thuốc chống viêm corticoid đã khiến nhiều phụ huynh phải giật mình.

Corticoid là một loại thuốc chống viêm rất quen thuộc với các bố mẹ nuôi con nhỏ. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo, việc lạm dụng thuốc chống viêm corticoid trong Nhi khoa nguy hiểm không kém gì lạm dụng thuốc kháng sinh.

 

 

Mới 2 tuổi, bé gái đã có khuôn mặt tròn, mọc ria mép và rậm lông trên cơ thể (Ảnh: BSCC).

Corticoid (thuốc chống viêm) là gì?

Corticoid (tên đầy đủ là glucocorticoid) là một loại thuốc kháng viêm được chỉ định trong nhiều bệnh lý khác nhau. Corticoid dùng trong điều trị có tác dụng tương tự như hormone được sản xuất bởi tuyến thượng thận (hai tuyến nhỏ nằm phía trên thận).

Trên thị trường, thuốc chứa corticoid được sản xuất dưới nhiều dạng dùng khác nhau:

- Dạng viên (corticoid dùng đường uống): mekocetin, betamethason, prednisolon....
- Dạng tiêm trực tiếp vào trong mạch máu, trong khớp, cơ.
- Dạng hít qua miệng.
- Dạng xịt mũi.
- Dạng dung dịch dùng với máy khí dung.
- Dạng kem, gel, thuốc mỡ.... dùng tại chỗ (bôi ngoài da, nhỏ mắt, mũi, tai....).

 

 

Thuốc corticoid rất phổ biến trong Nhi khoa, thậm chí nhiều bố mẹ còn hay tự ý mua cho con uống vì thấy nò làm lu mờ triệu chứng của bệnh nhanh.

Dùng corticoid trong điều trị viêm hô hấp cấp ở trẻ em

Corticoid được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Ở trẻ em, một số bệnh lý hô hấp cấp tính có mức độ nghiêm trọng như: hen phế quản, viêm thanh quản cấp, viêm mũi dị ứng nặng.... thì có chỉ định dùng corticoid nhưng dưới sự hướng dẫn chi tiết của bác sĩ chuyên khoa.

Còn trong những bệnh lý viêm hô hấp khác phổ biến ở trẻ con như: cảm thường, viêm mũi họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản thì không có chỉ định dùng corticoid thường quy, vì người ta không thấy rõ sự vượt trội giữa lợi ích và nguy cơ mang lại.

"Có vài nghiên cứu về sử dụng 1 liều duy nhất (nhắc lại là một liều duy nhất) dexamethason với mục đích giảm đau họng (không phải để rút ngắn thời gian khỏi bệnh) trong viêm họng cấp ở trẻ em thì người ta hầu như không thấy tác dụng phụ gì đáng kể. Thế nhưng có trẻ được uống mỗi đợt 5 -7 ngày. Khổ nỗi trẻ con có phải vài tháng mới ốm lần đâu, có những đợt cao điểm, tháng ốm đôi ba lần, mà lần nào cũng dùng đến 5 ngày corticoid thì là vấn đề rất đáng quan tâm", bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo cho biết.

Bé gái mọc ria mép, người đầy lông vì lạm dụng thuốc chống viêm - bác sĩ Nhi cảnh báo
 

Tại sao nhiều bác sĩ, người bán thuốc rất thích kê corticoid cho trẻ nhỏ?

Bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo giải thích nguyên nhân khiến nhiều bác sĩ Nhi, người bán thuốc hay kê cortioid cho trẻ nhỏ đơn giản "để làm lu mờ triệu chứng của bệnh nhanh, phụ huynh vui, bác sĩ/ người bán thuốc cũng vui vì lại được tiếng kê đơn giỏi. Chỉ có đứa trẻ là không vui".

"Corticoid có tính chống viêm rất mạnh, làm đáp ứng viêm của cơ thể sẽ giảm, cùng nhiều cơ chế lý hóa phức tạp khác. Con bạn đang sốt đùng đùng, cơ thể đang gồng mình sinh miễn dịch để chống lại bệnh tật, uống corticoid vào là đáp ứng miễn dịch sẽ giảm xuống, sốt giảm xuống, phụ huynh tưởng bệnh đang đỡ nhanh. Thực tế không phải vậy. Chúng ta chỉ đang như đánh trận giả mà thôi. Nó còn mang lại thói quen xấu là phụ huynh tưởng thuốc tốt nên cứ con bệnh là ra quầy thuốc mua uống liền. Rất nhiều bé bị tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc vì thói quen này, giống như em bé 2 tuổi kể trên".

"Thực tế khi khám bệnh nhi, tôi quan sát và hỏi tiền sử những bé bị ốm hay dùng thường xuyên thuốc corticoid trong mỗi đợt bệnh thì thấy chúng hay (ốm vặt) hơn, những trẻ không dùng khác", bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo nhấn mạnh.

Bé gái mọc ria mép, người đầy lông vì lạm dụng thuốc chống viêm - bác sĩ Nhi cảnh báo

Ngoài dạng viên, corticoid còn có dạng kem bôi da nên bố mẹ cần chú ý đọc thành phần của thuốc khi cho con sử dụng (Ảnh minh họa).

Tác dụng phụ của corticoid

Nếu trẻ sử dụng liều thấp ngắn ngày (dưới 7 ngày) và lâu lâu mới dùng một đợt thì hầu như sẽ không có tác dụng phụ gì đáng kể.

Nếu sử dụng thuốc kéo dài, trẻ có thể gặp phải một số tác dụng phụ nghiêm trọng sau:

- Loãng xương.
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Tăng huyết áp.
- Tăng đường huyết.
- Tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng.
- Đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, glocom.
- Chậm lành vết thương, da teo mỏng, dễ bị bầm tím.
- Chậm lớn ở trẻ em.
- Hội chứng Cushing (hiện tượng mặt tròn như mặt trăng, lắng đọng mỡ ở vùng cổ, lưng trong khi chân tay teo nhỏ).

Đặc biệt, nếu dùng corticoid trong thời gian dài sẽ có nguy cơ teo tuyến thượng thận do tuyến này quen với tình trạng có thuốc trong cơ thể sẽ ngừng hoạt động, không còn duy trì chức năng bài tiết hormone bình thường nữa. Triệu chứng điển hình của teo tuyến thượng thận do lạm dụng corticoid là rậm lông, tăng cân, mặt tròn, béo trung tâm, tích tụ mỡ ở vùng cổ, sau gáy, mặt tròn đỏ, da mỏng, rạn da, yếu cơ gốc chi, đi lại khó khăn.... Một số trường hợp còn bị rối loạn tâm thần, kích động, không kiểm soát hành vi, nhất là khi dùng corticoid ở trẻ nhỏ hay người lớn tuổi.

Do vậy, nếu trẻ cần dùng corticoid trong thời gian dài, bạn nên cho con tái khám và thực hiện các xét nghiệm định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện sớm các tác dụng phụ nếu có.

Tóm lại:

- Corticoid (thuốc chống viêm) có rất nhiều tác dụng điều trị trong nhiều bệnh lý khác nhau.

- Không có chỉ định dùng corticoid thường quy trong viêm hô hấp cấp thông thường ở trẻ em như: cảm thường, viêm mũi họng, viêm amidan, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản...

- Không cần giảm liều và rất ít tác dụng phụ nếu dùng 1 đợt ngắn ngày (3-5 ngày) với liều thấp.

- Nếu bạn không ý thức được về việc lạm dụng thuốc thì chính con bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả.

 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang