Bác sĩ Lâm Vịnh Thanh, trung tâm kiểm soát dịch bệnh Đài Loan (Taiwan Centers for Disease Control) chia sẻ về trường hợp bé trai 7 tuổi, sau 2 ngày cảm sốt đã xuất hiện tình trạng co giật, mặt tê liệt, nói lắp bắp, được chẩn đoán nhiễm virus enterovirus 71 (EV71) và bệnh viêm màng não.
Trường hợp khác là bé trai 3 tuổi xuất hiện triệu chứng sốt, nghẹt mũi, loét miệng, tim đập nhanh, hô hấp khó khăn, đau bụng, và bé trai 1 tuổi xuất hiện triệu chứng sốt, nổi mẩn chân tay, loét miệng, co giật đều được chẩn đoán nhiễm virus enterovirus 71 (EV71) và viêm tủy. Sau khi được điều trị, tình trạng của các bé đã hồi phục và xuất viện.
Bác sĩ Lâm Vịnh Thanh cảnh báo: "Nhiễm virus enterovirus 71 (EV71) thường xảy ra ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi, tuy nhiên trẻ trên 5 tuổi vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Nếu trẻ xuất hiện 8 triệu chứng bao gồm ngủ li bì, không tỉnh táo, thiếu hoạt động, chân tay tê yếu, co giật, chảy nước dãi, hô hấp khó khăn, tim đập nhanh thì bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện khám".
Bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh tay chân miệng (HFMD) là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đặc trưng của bệnh này là sốt cao, loét trong khoang miệng, nổi ban có bọng nước ở bàn tay, chân và cả ở mông. Bệnh phổ biến ở rất nhiều quốc gia châu Á và đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại cho sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam.
Bệnh tay chân miệng nghiêm trọng đến mức nào?
Bệnh tay chân miệng gây ra bởi virus EV71 có thể tiến triển thành bệnh viêm màng não và viêm não, trong một số trường hợp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm các biến chứng về thần kinh, tim mạch và hô hấp. Đã có những trường hợp tử vong do virus EV71 gây bệnh viêm não trong các đợt bùng phát.
Bác sĩ Lâm Vịnh Thanh, trung tâm kiểm soát dịch bệnh Đài Loan (Taiwan Centers for Disease Control) giải thích về sự bùng phát virus EV71.
Đối tượng nào có nguy cơ nhiễm bệnh tay chân miệng?
Tất cả những ai chưa từng mắc bệnh đều có nguy cơ lây nhiễm, nhưng không phải ai bị nhiễm vi rút cũng có biểu hiện của bệnh.
Bệnh tay chân miệng chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ thì các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn.
Trẻ em có nguy cơ lây nhiễm virus và mắc bệnh cao hơn vì các em có khả năng đề kháng và miễn dịch yếu hơn người lớn. Hầu hết người lớn được miễn dịch nhưng những trường hợp thanh thiếu niên và người trưởng thành bị nhiễm virus cũng không phải là hiếm.
Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước đặc biệt sau khi tiếp xúc với các vết bọng nước hoặc vết loét, trước khi nấu ăn hoặc trước khi ăn, trước khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh và thay tã.
- Rửa sạch các bề mặt và vật dụng bị nhiễm khuẩn (bao gồm đồ chơi) trước tiên với nước và xà phòng, sau đó tẩy trùng bằng chất tẩy có chứa chlorine pha loãng.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp (ôm hôn, sử dụng chung đồ dùng...) với trẻ bị nhiễm bệnh cũng giúp làm giảm nguy cơ lây nhiễm.
- Không để trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang nhiễm bệnh đến nhà trẻ, mẫu giáo, trường học hoặc tụ tập đông người cho đến khi khỏe hẳn.
- Theo dõi sát sao tình trạng của trẻ nhiễm bệnh và can thiệp y tế kịp thời nếu sốt cao liên tục, mất tỉnh táo và hoặc tình trạng chung diễn biến theo chiều hướng xấu.
- Che mũi và miệng khi hắt hơi hoặc ho.
- Vứt khăn giấy và tã đã qua sử dụng vào thùng rác được đậy.
- Giữ vệ sinh tại nhà, trung tâm chăm sóc trẻ, nhà trẻ mẫu giáo hoặc tại trường học.
Tìm hiểu thêm về Bệnh Tay Chân Miệng để biết cách bảo vệ con tốt hơn, các bậc cha mẹ có thể xem Tại đây.
Theo Ettoday
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.