Dị tật bẩm sinh ở trẻ là tình trạng thiếu, thừa hoặc các chi không phát triển đầy đủ khi sinh ra. Tỉ lệ các em bé mắc phải dị tật là không cao, song mỗi trường hợp như vậy đều khiến các bác sĩ và gia đình của bé vô cùng thương xót.
Mới đây trên trang cá nhân, TS.BS. Đào Văn Giang, Phó Trưởng khoa tạo hình hàm mặt thẩm mỹ, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã đăng tải một đoạn clip ngắn chia sẻ về việc một cháu bé bị dị dạng ngón tay cái. Vì cả bác sĩ và bố mẹ cháu đều rất thương con nên việc quyết định bỏ ngón tay đó đi hay để lại không phải là điều dễ dàng.
Em bé bị dị dạng ngón tay cái
Dưới phần bình luận, cư dân mạng cũng đưa ra nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc này. Tuy nhiên đa số cho rằng gia đình cần cân nhắc kĩ, đặc biệt phải tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên môn trước khi đưa ra quyết định.
Trao đổi thêm về vấn đề này, bác sĩ Giang cho biết trường hợp trong đoạn video trên là một cháu bé bị dị dạng ngón cái: "Ngón tay này không có xương, không có chức năng nên sẽ bỏ đi. Khi mất đi ngón tay cái thì việc cầm, nắm sẽ rất khó thực hiện được. Bởi vậy, chúng tôi sẽ tiến hành lấy ngón trỏ xoay sang thay thế tạo ngón cái, đó gọi là phẫu thuật cái hóa".
Bác sĩ Giang thông tin thêm, tỉ lệ trẻ mắc phải tình trạng này không nhiều. Tuy nhiên, việc có can thiệp phẫu thuật hay không còn tuỳ vào tình trạng cụ thể của bệnh nhi. Riêng trong trường hợp trên thì ngón tay đó không có chức năng nên sẽ bỏ đi. Song, hiện tại gia đình bé vẫn đang cân nhắc, chưa quyết định việc có phẫu thuật hay không.
Thiểu sản ngón tay cái thường hiếm gặp, với tần suất là 1/100.000 ca sinh. Đây là hiện tượng ngón cái thường không có chức năng hoặc không có ngón cái, dẫn tới bàn tay không thể cầm nắm, nhón, nhặt vì ngón tay cái chiếm tới 50% chức năng bàn tay.
Dị tật này thường gặp trong một số hội chứng toàn thân như: Hội chứng Holt – Oram (tim mạch), hội chứng Fanconi (tiết niệu sinh dục), hội chứng Apert (bất thường về cơ xương khớp)… Do vậy, khi thấy dị tật thiểu sản ngón tay cái, cần lưu ý tìm các tổn thương khác thuộc những hội chứng dị tật bẩm sinh như nêu trên.
Các cấu trúc dây chằng, cơ, xương, khớp, tổ chức phần mềm của ô mô cái và kẽ ngón tay thứ nhất (kẽ ngón I – II) là những chỉ tiêu được dùng để phân loại thiểu sản ngón tay cái. Tình trạng nặng dần về mức độ thiểu sản đều liên quan tới kỹ thuật điều trị cụ thể.
Với thiểu sản ngón tay cái độ VI và độ V, phương pháp điều trị tốt nhất là cái hóa ngón trỏ, tức là chuyển ngón trỏ sang vị trí ngón cái để phục hồi động tác cầm nắm, nhón, nhặt. Có nhiều kỹ thuật cái hóa, nhưng kỹ thuật của Buck – Gramcko D giới thiệu vào năm 1981, sau đó Riordan D cải tiến một số bước và giới thiệu vào năm 1984 hiện được thực hiện phổ biến.
Thời điểm phẫu thuật tùy vào thể lâm sàng, mức độ khó của phẫu thuật và được khuyến cáo trước 2 tuổi để trẻ có thể sớm tập vận động, đảm bảo chức năng vận động của ngón cái.
Những dị tật bẩm sinh thường gặp ở chi thể bao gồm: Dính ngón, thừa ngón, ngón cái tách đôi, thiểu sản ngón tay cái, hội chứng vòng thắt bẩm sinh, khớp giả bẩm sinh xương chày, thiếu hụt bờ trụ, thiếu hụt bờ quay. Tùy vào tình trạng của bệnh nhi, bác sĩ sẽ đưa ra các giải pháp và phương pháp phẫu thuật phù hợp.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.