"Nhà" là cách mà đội ngũ nhân viên y tế của Bệnh viện Thủ Đức dùng để gọi Chung cư Bình Minh, nơi được trưng dụng làm Bệnh viện dã chiến điều trị Covid–19 Thủ Đức số 01 (phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức).
Với quy mô 1.500 giường bệnh, những ngày đầu thành lập, mỗi ngày Bệnh viện thu dung từ 250 đến 300 F0. Đội ngũ nhân viên mỏng, đa phần được điều động từ những cơ sở khác nhau, việc điều trị và chăm sóc bệnh viện Covid-19 rất mới mẻ; chưa kể vấn đề nơi ăn, chốn ở cũng hết sức "tạm bợ". Mọi thứ nơi đây đối với họ đều "lạ".
Rồi tất cả những cái xa lạ đó cũng nhanh chóng trở thành thân quen. Sau hơn một tháng "3 cùng": cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc, giờ đây chung cư Bình Minh đã trở thành "NHÀ" của nhiều người, của đội ngũ y tế, của các anh dân quân và cả những bệnh nhân Covid-19.
Là một nơi thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, nơi đây có những khoảnh khắc vỡ òa hạnh phúc nhưng cũng có những phút giây hụt hẫng, đau lòng. Ngày qua ngày, những tâm trạng đó cứ đan xen nhau giúp cho những con người nơi đây kiên cường hơn, cùng nhau đoàn kết, chung sức thầm lặng chiến đấu bằng tất cả tấm lòng nhân ái và trách nhiệm.
Có lẽ rất tự nhiên mà họ đã trở thành những người thân một nhà. Họ hiểu rằng Covid-19 không chừa một ai, kể cả nhân viên y tế. Đã có những bác sĩ, điều dưỡng trở thành F0; nhưng sau khi chiến thắng Covid-19, họ lại tiếp tục ở lại ngôi nhà này để phục vụ người bệnh, để cùng chiến đấu.
Các y bác sĩ làm việc tại BV Dã chiến TP Thủ Đức số 1.
BS Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung bướu, BV Thành phố Thủ Đức, phụ trách điều trị bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến TP Thủ Đức số 1, cho biết khoa điều trị Covid-19 cho bệnh nhân ung thư mới đi vào hoạt động chính thức được hơn 1 tháng nhưng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng.
BS Vũ tâm sự những ngày đầu vào khoa cực kỳ áp lực vì bệnh nhân nhiễm Covid-19 trên nền ung thư, mỗi ngày có tới 1 nửa số bệnh nhân cần can thiệp hỗ trợ hô hấp.
Ở BV, sống chết là lẽ thường nhưng những cái chết vì Covid-19 thường gây ám ảnh vì bệnh nhân ra đi một mình, không có người thân bên cạnh.
Để chuẩn bị tâm lý cho người nhà không quá đau buồn trước sự mất mát người thân, BS Vũ cùng các đồng nghiệp thường xuyên cập nhật tin tức, động viên người nhà về những chuyển biến của bệnh nhân.
Theo phong tục truyền thống ở Việt Nam, người mất thường được đưa về nhà, hiếm hoi lắm mới có bệnh nhân mất ở bệnh viện. Thế nhưng, khi điều trị Covid-19, phần lớn bệnh nhân diễn tiến nặng và ra đi khi không có người nhà. Bác sĩ và các nhân viên y tế là người tiễn đưa bệnh nhân nên cảm xúc rất khó tả. Nhiều người bị ảnh hưởng tâm lý tới 1, 2 ngày sau.
Đối diện với bao mệt mỏi nhưng bản thân anh và các đồng nghiệp không ngại vất vả vì đã chọn ngành y. Đi chống dịch, có những đồng nghiệp không dám về nhà vì sợ lây bệnh cho con nhỏ, vợ đang mang thai. Nhiều y bác sĩ từ miền Bắc, miền Trung chi viện đã mấy tháng nay nhưng tất cả đều không nề hà bởi vì mọi người đều xác định sống chung với lâu dài với đại dịch.
Link gốc: http://toquoc.vn/ben-trong-benh-vien-da-chien-o-tp-hcm-tu-noi-xa-la-da-tro-thanh-nha-cua-nhieu-nhan-vien-y-te-8202119918196711.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.