Vì sao ngừng tuần hoàn?
BS Nguyễn Tuấn Sơn, Khoa Cấp cứu – Bệnh viện TWQĐ 108 – Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết khoa Cấp cứu của bệnh viện mới đây cũng tiếp nhận bệnh nhân nam, 25 tuổi, tiền sử bản thân khỏe mạnh, có bố bị đột tử.
Trước khi vào viện 5 phút bệnh nhân được gia đình phát hiện hôn mê, đưa vào khoa Cấp cứu – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong trạng thái ngừng tim phổi.
Bệnh nhân nhanh chóng được tiến hành hồi sinh tim phổi nâng cao, ép tim ngoài lồng ngực, sốc điện phá rung, dùng thuốc vận mạch, điều chỉnh cân bằng toan kiềm máu. Tim bệnh nhân đập lại sau 20 phút cấp cứu.
Trong quá trình cấp cứu, trên điện tim của bệnh nhân xuất hiện nhiều ngoại tâm thu thất. Nhận định có thể đây là trường hợp ngừng tim do rối loạn nhịp có yếu tố gia đình, khoa Cấp cứu đã phối hợp chặt chẽ với Viện Tim mạch tiến hành sốc điện và đặt máy phá rung tự động cho bệnh nhân.
Sau quá trình cấp cứu và điều trị, bệnh nhân đã hồi phục, ra viện và trở về cuộc sống sinh hoạt bình thường.
Một ca ngừng tuần hoàn được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai
PGS Nguyễn Hoài Nam – Giảng viên trường đại học Y dược TP.HCM cho biết ngừng tuần hoàn có thể xảy ra ở bất cứ ai và có thể xảy ra đột ngột trên một quả tim hoàn toàn khoẻ mạnh như trong các tai nạn do điện giật, đuối nước, sốc phản vệ, đa chấn thương... hoặc nguyên nhân nữa đó là do một bệnh lý mạn tính giai đoạn cuối như ung thư, xơ gan, suy tim, suy thận...
Ngừng tuần hoàn là tình trạng tim ngừng hoạt động hay hoạt động không có hiệu quả về huyết động như rung thất, nhịp nhanh thất, phân ly điện cơ, vô tâm thu… Đây được xem là cấp cứu tối cấp.
Đối với các ca ngừng tuần hoàn, bệnh nhân cần can thiệp sớm để khỏi mất não, chỉ có 3 phút để hành động. PGS Nam cho rằng những người xung quanh cần báo ngay kíp cấp cứu đến hỗ trợ. Đa số các ca ngừng tuần hoàn đều xảy ra ở ngoại viện.
Nếu ở người trẻ ngoài các tai nạn, chấn thương thì nguyên nhân do bệnh lý tim mạch trước đó nhưng người bệnh không hay biết chỉ đến khi biến cố tim mạch xảy ra như đột quỵ, nhồi máu cơ tim cấp gây ngừng tuần hoàn người bệnh và gia đình mới biết.
Nhiều biến chứng nặng nề
BS NguyễnTuấn Sơn chia sẻ trong cấp cứu ngừng tuần hoàn, đa số các trường hợp là ngừng tim ngoại viện, việc cấp cứu điều trị gặp nhiều khó khăn do thời gian di chuyển từ nơi ngừng tim đến bệnh viện mất nhiều thời gian.
Nhiều trường hợp để lại di chứng nặng nề, đặc biệt là di chứng trên hệ thần kinh trung ương, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội. Một trong các nguyên nhân hay gặp dẫn đến ngừng tim đột ngột ở người trẻ tuổi là rối loạn nhịp như hội chứng Brugada và các loại loạn nhịp khác. Các rối loạn này thường liên quan đến yếu tố di truyền hoặc gia đình.
Chính vì thế, bác sĩ Sơn khuyến cáo nếu gia đình có người trẻ tuổi ngừng tim đột ngột thì các thành viên khác nên đi khám và tư vấn chuyên gia tim mạch để có các biện pháp dự phòng và điều trị hợp lý.
Cách sơ cứu cho người ngừng tuần hoàn:
Trong điều trị ngừng tuần hoàn thì cấp cứu ngừng tuần hoàn vô cùng quan trọng. Nếu thấy người bị tai nạn, bị đuối nước, điện giật hay vấn đề ngất xỉu, đột quỵ cần biết các dấu hiệu để sơ cứu ngừng tuần hoàn.
Các bước cấp cứu ngừng tuần hoàn ngoại viện
Khi gọi cấp cứu xong, người tiếp cận nạn nhân cần tiến hành ép tim theo đúng kỹ thuật để giúp nạn nhân hồi phục nhanh hơn, tránh nguy cơ tử vong. Sơ cứu ngừng tuần hoàn theo mô hình ABC bao gồm A (Airway control): khai thông đường thở, B (Breathing support): hô hấp nhân tạo, C (Circulation support): hỗ trợ tuần hoàn.
A – Airway: Kiểm soát đường thở
Đầu tiên đánh giá đường thở quan sát, thổi, dùng tay. Làm thông đường thở nếu tắc như nâng cằm, kéo lưỡi; móc hút bỏ dị vật (kể cả răng giả). Lau khô đờm dãi và các chất tiết họng miệng, làm nghiệm pháp Hemlich.
Đặt bệnh nhân nằm trên nền phẳng, cứng, ưỡn cổ (đẩy trán, kéo cằm). Khi nghi ngờ có chấn thương cột sống cổ thì chỉ nâng hàm dưới.
B – Breathing: Thông khí cơ học - nhân tạo (hô hấp nhân tạo)
Miệng – miệng hay miệng – mũi: trực tiếp hay gián tiếp (hai lần liên tiếp, mỗi lần thổi vào trong 2 giây).
Nếu thấy lồng ngực không nhô lên khi thổi vào, thổi nặng, phải xem lại tư thế đầu của bệnh nhân, có tụt lưỡi không. Nếu không cải thiện, làm nghiệm pháp Heimlich để loại bỏ dị vật đường thở.
C – Circulation: Tuần hoàn nhân tạo
Dùng tay bắt mạch cảnh trong 10 giây, nếu không thấy có mạch đập, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Ban đầu dùng nắm tay đấm lên vùng tim 5 lần, sau đó cứ 30 lần ép tim liên tiếp lại thổi ngạt 2 lần (cho cả tình huống có 2 người cấp cứu trở lên).
Vị trí ép 1/2 dưới xương ức, mỗi lần ép xuống khoảng 4 - 5 cm, hoặc bắt thấy mạch cảnh đập theo nhịp ép, tần số 80-100 lần/phút. Lưu ý người cứu: quỳ bên phải bệnh nhân, 2 tay dang thẳng, đặt cùi bàn tay trái ở dưới rồi đặt cùi bàn tay phải trên bàn tay trái.
Sau khoảng 1 phút cấp cứu, kiểm tra mạch cảnh trong 5 giây, nếu thấy có đập, dừng ép tim, đánh giá hô hấp, nếu bệnh nhân tự thở trở lại dừng thổi ngạt, theo dõi sát trên đường chuyển đến bệnh viện. Các trường hợp khác tiếp tục cấp cứu, đánh giá lại 3 - 5 phút/lần.
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/benh-nhan-ngung-tuan-hoan-thoat-chet-trong-gang-tac-o-benh-vien-108-quy-tac-abc-va-3-phut-vang-cap-cuu-162201410092831747.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.