Vào những năm 60 của thế kỷ trước, ở Sicilia (một vùng hành chính tự trị của Ý) lan truyền một câu nói: “Thế giới quá nguy hiểm, mỗi đứa trẻ cần có 2 người cha mới ổn”. Vào thời điểm đó, hòn đảo nghèo khó ở miền Nam nước Ý này đang phải chịu đựng những tệ nạn và tội ác do Mafia gây ra.
Năm 1965, cô gái 17 tuổi người Sicilia tên Viola bị các thành viên băng nhóm Mafia cưỡng hiếp. Theo truyền thống và pháp luật của Ý lúc bấy giờ, người ta luôn tin rằng, kết hôn với kẻ đã hiếp dâm mình là lựa chọn tốt nhất. Không chỉ tại Ý, quan niệm này cũng còn tồn tại ở nước Trung Đông, Bắc Phi và Châu Á, nó được gọi là “Luật hiếp dâm”. Nhưng cuối cùng, Viola đã từ chối hợp đồng hôn nhân và viết nên lịch sử mới cho Sicilia và toàn bộ xã hội nước Ý bằng chính sức lực của bản thân mình.
Franca Viola sinh ra trong một gia đình nông dân ở thành phố Alcamo, Sicilia. Sáng sớm ngày 26/12, nhân lúc cha của Viola vắng mặt, một nhóm người đã xông vào nhà bắt cô đi. Mẹ cô bị đánh khi cố ngăn cản họ, đứa em trai 8 tuổi của cô cũng bị bắt theo vì không chịu rời xa chị gái.
Vài giờ sau, em trai cô được thả ra. Còn Viola bị đưa tới một trang trại nào đó ở vùng ngoại ô hẻo lánh và bị tấn công tình dục suốt một tuần sau đó. Tội ác này do Filippo Melodia, một thành viên Mafia 25 tuổi tiến hành.
Hai năm trước, giữa Viola và Filippo đã từng có một mối quan hệ ngắn ngủi. Trước khi đính hôn, cô không hề biết hắn ta là một thành viên Mafia. Sau khi Filippo bị bắt vì tội trộm cắp, cả Viola và bố mẹ đều không muốn liên quan gì đến gã thanh niên này. Cha cô đã hủy bỏ hôn ước của con gái và gã kia. Sau khi chia tay, Filippo đã sang Đức còn Viola đính hôn với người đàn ông khác vào tháng 1/1965. Một thời gian sau, Filippo trở về Ý và vì vẫn còn vương vấn bạn gái cũ, hắn quyết định sử dụng cách bày tỏ sự lưu manh và hiệu quả nhất lúc bấy giờ: Cưỡng hiếp để bức hôn.
Sau nhiều ngày vất vả, cha Viola và cảnh sát đã giải cứu cô thành công. Họ bắt giữ những kẻ vô lại 5 ngày trước sinh nhật lần thứ 19 của cô. Khi về đến nhà, Viola và cha đã có một cuộc nói chuyện thẳng thắn với nhau. Cha hỏi cô: "Con có thật sự muốn kết hôn cùng kẻ đã cưỡng bức con không?". Cô ngay lập tức lắc đầu và trả lời: "Con không muốn". Cha cô đáp lại: "Được, vậy thì cha sẽ cố hết sức giúp con".
Sau khi những người xung quanh biết chuyện, gia đình Viola luôn sống dưới con mắt khinh miệt của những người hàng xóm. Vườn nho và nhà kho của gia đình cô bị họ cố tình đốt cháy, cha cô thậm chí còn nhận được những lời đe dọa giết hại. Tất cả đều là vì cô đã từ chối kết hôn với kẻ đã cưỡng bức mình.
Theo điều 544 của luật pháp Ý vào thời điểm đó, nếu kẻ hiếp dâm kết hôn với nạn nhân, tội ác đó sẽ được xóa bỏ. Đây được gọi là “cuộc hôn nhân sửa sai”.
Trong nhiều thế hệ, nạn nhân bị tấn công tình dục được cho là hư hỏng và không ai cần họ nữa. Tìm kiếm công lý không có nghĩa là tìm thấy công bằng cho bản thân mà chỉ là khiến dư luận biết nạn nhân đã “ô uế” và làm ảnh hưởng đến người thân. Người ta tin rằng, kết hôn với kẻ hiếp dâm là sự lựa chọn tốt nhất, không chỉ giúp người phụ nữ thoát khỏi sự phân biệt đối xử, mà còn khôi phục danh dự cho gia đình. Tuy nhiên, cha Viola đã đến văn phòng cảnh sát trưởng tuyên bố, con gái ông bị bắt cóc và bị tấn công tình dục bởi các thành viên Mafia; ông tuyệt đối không chấp nhận “cuộc hôn nhân sửa sai”.
Trong một thời gian dài sau đó, “vụ án Viola” đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông chính thống của Ý cũng như các tờ báo của Mỹ với nội dung: Lần đầu tiên ở Sicilia, Ý đã xuất hiện người nổi loạn ngang nhiên chống lại một “cuộc hôn nhân sửa sai”.
Tuy nhiên, tất cả các bài báo đều tập trung vào sự “dịu dàng”, “thướt tha” cùng “vẻ đẹp” của cô gái này. Một bài báo với tiêu đề “Franca Viola ở Sicilia sẽ không còn có ai theo đuổi nữa rồi” trên tờ New York Times đã viết: “Một cô gái trẻ với đôi mắt buồn, càng nhìn càng thấy yếu đuối”. Tháng 2/1966, tạp chí Epoca đã tổ chức một cuộc tranh luận công khai về sự việc của Viola thu hút nhiều sự quan tâm của nữ giới.
Ngày 9/12/1966, phiên tòa xử án Filippo và đồng phạm diễn ra tại thành phố cảng Trapani, Sicilia và kéo dài trong 9 ngày. Vì văn hóa riêng của địa phương khi phụ nữ xuất hiện ở nơi công cộng, đặc biệt là trước truyền thông, Viola phải bước vào tòa án với một chiếc khăn đỏ quấn kín mặt.
Tại phiên tòa, Filippo cố gắng giải thích cuộc bắt cóc là “bỏ trốn theo người yêu”. Hắn luôn khai rằng, chính Viola là người khuyến khích hắn đưa cô rời đi và quan hệ nam nữ giữa hai người là hoàn toàn tự nguyện.
Trên thực tế, ở Sicilia từng xảy ra việc bỏ trốn cùng nhau vào năm 1960. Các cặp đôi không được sự chấp thuận của gia đình sẽ chọn cách “fuitina”, nghĩa là bỏ trốn, để buộc gia đình hai bên người thân đồng ý cuộc hôn nhân của họ. Để bảo vệ danh dự cho người con gái, toàn bộ quá trình “fuitina” này được sắp xếp như một vụ bắt cóc. Do đó, thật sự rất khó để xem xét một sự việc tương tự là một tội ác hay một sự tự nguyện giữa những người yêu nhau.
Tuy nhiên, vụ án của Viola có nhiều điểm bất thường, không giống các vụ “bỏ trốn” được sắp xếp khác. Hầu hết các vụ “fuitina” sẽ được tiến hành ở nơi công cộng. Còn riêng với Viola, cô bị bắt cóc trước mặt mẹ, đối tượng đã chĩa súng vào những người hàng xóm… Mọi thứ đều cho thấy đây không phải là một vụ bắt cóc vì mục đích yêu đương và hôn nhân.
Đối mặt với luật sư của Filippo, Viola luôn cúi đầu, lặng lẽ nói với tòa những gì Filippo đã quấy rối, đe dọa và ra tay bắt cóc cô. Cô nhìn vào mắt Filippo và nói thẳng: “Tôi không yêu anh, tôi sẽ không gả cho anh”. Cuối cùng, Filippo bị kết án 10 năm tù và 7 đồng phạm bị kết án 4 năm tù.
Một năm sau, một đài truyền hình Ý đã thực hiện một cuộc khảo sát, nhiều người đàn ông bày tỏ sự tôn trọng với lòng can đảm của Viola, nhưng họ sẽ không bao giờ chọn cưới cô. Trong mắt họ, Viola dù thắng vụ kiện nhưng đã không còn trinh trắng: “Định mệnh đã quyết định cô ấy phải sống cô độc đến lúc chết”.
Nhưng những nỗ lực của Viola không phải là vô nghĩa. Tờ The Times viết rằng: “Sự khinh thường của cô gái ấy với truyền thống đã khiến ít nhất 4 cô gái Sicilia noi gương theo”. Trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1970, các tổ chức phụ nữ ở Ý đều xuống đường biểu tình và dự luật hợp pháp hóa việc ly hôn được thông qua.
Một buổi sáng sớm mùa đông năm 1968, Viola và hôn phu Antonino Zagari đã tổ chức hôn lễ, tuy không làm hoành tráng nhưng vẫn không thể thoát khỏi sự chú ý của giới truyền thông.
Ngày 5/12/1968, tờ báo Orlando Sentinel đăng tải bài viết: “Cô gái từng thách thức luật pháp của Sicilia kết hôn với người đàn ông do bản thân lựa chọn”. Trong khi đó, diễn đàn Des Moines đã đưa tin: “Nữ anh hùng người Sicilia đã phá vỡ truyền thống và kết hôn vào buổi bình minh”. Ngoài ra, Tổng thống Ý cũng đã tặng cho cặp đôi món quà cưới trị giá 40 USD (tương đương 250 USD ngày nay, hơn 5,7 triệu VND).
Sau khi kết hôn, Viola và chồng đã có 2 con trai và họ vẫn sống ở thành phố Alcamo. Người chồng đã xin giấy phép sử dụng súng để bảo vệ bản thân và vợ. Còn kẻ hiếp dâm Filippo ra tù vào đầu năm 1976, sau đó hắn bị chính quyền Sicilia trục xuất. Hai năm sau, hắn bị bắn chết ở Modena.
Nhiều thập kỷ sau, nhà làm phim người Ý Savina đã vô tình đọc được vụ án của Viola trên báo. Được sự chấp thuận của chính Viola, Savina đã dựa trên câu chuyện có thật, sản xuất một bộ phim ngắn dài 15 phút và được trình chiếu lại Liên hoan phim Tribeca.
Nguồn: Zhihu
Link báo gốc: http://helino.ttvn.vn/helino/bi-ep-cuoi-ke-da-cuong-buc-minh-co-gai-tre-bat-chap-tai-tieng-vung-len-pha-bo-dieu-luat-cuoc-hon-nhan-sua-sai-22201921221419366.htm
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.