Bí quyết để nói "có" hoặc "không" với trẻ

(lamchame.vn) - Trước những yêu cầu của trẻ, cha mẹ thường có hai lựa chọn: Đồng ý hoặc không.

Bí quyết để nói "có" hoặc "không" với trẻ - Ảnh 1.

Cha mẹ cần kiên quyết nhưng khéo léo với những đòi hỏi thái quá của trẻ. Ảnh minh họa.

Vấn đề là làm sao để đáp ứng mà không làm hư, hoặc từ chối mà không khiến trẻ ấm ức.

Không để trẻ ỷ lại

Nhiều bố mẹ đã từng trải qua tình huống khó xử khi con đòi hỏi như thức ăn, đồ chơi, quần áo… thậm chí là được tăng thời gian chơi điện tử. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau mà có những nhu cầu đó của trẻ.

Đầu tiên có thể do cha mẹ quá chiều chuộng, thường xuyên đáp ứng hết tất cả mọi yêu cầu của con. Điều này vô tình khiến trẻ hình thành tính cách đòi hỏi và phải có bằng được thứ mình muốn.

Theo chuyên gia, dù có khả năng đáp ứng yêu cầu của con nhưng không nên vội vã thỏa mãn ngay, thay vào đó, nên để trẻ có cơ hội phải thực hiện được một hành động tốt mới có được thứ bé muốn.

Cô Nguyễn Thị Phương, giáo viên Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen (Hà Nội) nêu ví dụ, đối với trẻ nhỏ, nếu đề nghị: “Con muốn xem hoạt hình” thì cha mẹ nên đáp: “Được nhưng con phải hoàn thành xong bài tập về nhà đã”. Nếu trẻ nói: “con đói” thì người lớn nên đáp: “Mẹ biết nhưng con giúp mẹ dọn bàn ăn nhé. Sau đó, mẹ con mình cùng rửa bát nhé”. Nếu bé hỏi: “Con và bạn chơi đồ chơi” thì nên trả lời: “Được nhưng hai con nhớ phải dọn phòng sạch sẽ sau khi chơi xong”.

Theo cô Phương, điều này không chỉ giúp trẻ có trách nhiệm hơn, làm nhiều việc tốt mà còn để con hiểu không phải bất cứ mong muốn nào cũng được đáp ứng ngay một cách vô điều kiện. Thậm chí, cách này cũng giảm bớt đòi hỏi thái quá của trẻ.

“Khi thứ mình cần đạt được quá dễ dàng, trẻ sẽ ỷ lại vào cha mẹ. Lớn lên, con không biết trân trọng những gì đang có, dẫn đến thái độ vô tâm, vô cảm, chỉ nghĩ đến bản thân. Chưa kể, nguy hại hơn là với một số trẻ, để có tiền chi tiêu, có thể nói dối, thậm chí đua đòi, phạm pháp. Do đó, ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ cần ứng xử khéo léo để uốn nắn con”, cô Phương nhấn mạnh.

Cũng theo cô Phương, không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng việc để con làm việc gì đó sẽ được đáp ứng yêu cầu. Vì trẻ sẽ càng ngày càng “tinh vi” hơn. Con có thể suy nghĩ mà chấp nhận việc đó để thoả mãn những mong muốn cao hơn. Do đó, đôi khi cha mẹ cũng cần nói “không” một cách linh hoạt.

Khi đòi hỏi từ bé vượt ngoài tầm kiểm soát, cha mẹ nên từ chối. Để có hiệu lực, nên kiên định nói “không”. Đồng thời, giải thích cho bé lý do tại sao bạn nói “không” để trẻ không ấm ức.

Chỉ giải thích lý do nói “không” một vài lần nhất định. Nếu đó là cái cha mẹ có thể đáp ứng nhưng không phải bây giờ thì bạn nên hướng dẫn con cách có được thứ bé muốn.

Mẫu câu “Không được vì... nhưng nếu con... mẹ sẽ cân nhắc lại” được áp dụng với những đòi hỏi khác của bé. Bé sẽ hiểu được rằng, một số lời nói “không” từ cha mẹ có thể chuyển thành “có thể”, sau đó là “có” khi bé nỗ lực làm một việc cụ thể.

Bí quyết để nói "có" hoặc "không" với trẻ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa ITN.

Tránh mắc sai lầm

ThS Lê Thị Trang (chuyên gia tư vấn tâm lý, Trung tâm NHC Hà Nội) cho rằng, nhiều cha mẹ dễ mắc sai lầm mỗi khi con đòi hỏi. Đó là làm dịu cơn nóng giận của bé bằng một món quà. Bởi, nếu làm vậy, vô hình chung, cha mẹ đã reo rắc vào đầu bé một suy nghĩ: “Cứ khóc là được mẹ cho quà” và khi muốn đòi ăn kẹo chẳng hạn, bé sẽ sinh bài “ăn vạ”.

Để ứng phó, cha mẹ nên kiên định ngay từ đầu, không nên chỉ vì hy vọng bé ngừng mè nheo tạm thời mà nhanh chóng đáp ứng bé một cách vô điều kiện. Điều này chỉ làm thay đổi suy nghĩ và hành vi của bé theo hướng tiêu cực hơn mà thôi.

Cũng không nên trừng phạt khi bé mè nheo. Một cơn ăn vạ của bé có thể tự xuất hiện và tự biến mất mà không cần cha mẹ phải can thiệp quá sâu. Cứ lờ đi để bé nhận thấy, có gây ồn ào đến mấy cũng thật vô ích.

Để đối phó với cơn mè nheo bên ngoài, bạn thử áp dụng chiến thuật bằng cách khi bé bắt đầu “xấu tính”, hãy chậm lại và hỏi han bé trong giây lát, ngay khi không có kết quả, bạn quay lưng và bước đi nhanh hơn. Bé không thể tiếp tục nếu bị mẹ từ chối làm khán giả. Nên nhớ, nếu một lần bạn mềm lòng với bé thì những lần sau, bé sẽ ít nghe lời mẹ hơn.

7 bí quyết ngừng nói 'Không' với trẻ - Làm cha mẹ

Cũng theo cô Trang, trong cơn quấy khóc, chẳng có bé nào đủ khả năng để lắng nghe lời bạn nói. Do đó, bạn càng cố dạy dỗ thì bé càng khóc to hơn. Tốt nhất, bạn nên đợi bé qua thời điểm đó mới bắt đầu giáo dục. Thử phân tích cho con lý do khiến bạn không thể đáp ứng điều bé muốn, cảm giác khó chịu của bạn khi bé mè nheo. Để cho bé thấy rằng, bé hành động như thế là không ngoan và thực sự nổi giận vì điều đó.

Bên cạnh đó, cần làm ngơ để trẻ tự vượt qua cơn cáu kỉnh là biện pháp hợp lý nhưng khi bé có những hành động mất kiểm soát đi kèm như: Tự làm đau mình, đánh người khác hoặc đập phá đồ đạc, cha mẹ nên nhanh chóng cách ly bé với những yếu tố trên. Có thể để bé ở một nơi an toàn khác, chờ cơn bực bội lắng xuống mới nên “xử tội” trẻ.

Ngoài ra, cha mẹ cũng không nên nhốt bé vào trong phòng. Bởi, đây không phải là cách xử lý hữu hiệu đối với trẻ thường xuyên đòi hỏi. Trước mắt, cách này có thể buộc bé nhận lỗi và nín khóc nhưng về lâu dài, nó sẽ gây nên nỗi ám ảnh, thậm chí là sự kích động ở bé.

“Một số cha mẹ cũng thường nói mỗi khi con đòi hỏi mua thứ nọ thứ kia như “Bố mẹ không có tiền, nhà mình nghèo lắm”… Trẻ sẽ không hiểu được điều đó mà nghĩ rằng bố mẹ đang nói dối, vì thế không nên áp dụng để từ chối con”, chuyên gia Lê Thị Trang khuyên.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang