Biến chủng Delta khiến Covid-19 lây nhiễm mạnh ở TP HCM nguy hiểm thế nào?

Theo chuyên gia, đặc điểm của chủng Delta là lây nhanh, phát tán rộng trong không khí, nồng độ virus trong dịch cổ họng tăng rất nhanh và phát tán rất mạnh ra môi trường xung quanh.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết từ ngày 18/5 đến 13/6, TP HCM phát hiện 821 ca mắc Covid-19 tại 22 quận - huyện. 

Các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng virus Delta, gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc (đặc biệt là các tòa nhà văn phòng). Sự lây nhiễm từ gia đình vào nơi làm việc và từ nơi làm việc về nhà đã làm cho dịch lan rất nhanh và rộng tại thành phố.

Về cơ bản, các chuỗi lây nhiễm, một số ổ dịch đã được kiểm soát. Tuy nhiên, TP đã xuất hiện một số ổ dịch mới.

Cụ thể, với chuỗi lây nhiễm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, từ ngày 11/6 đến 13/6, bệnh viện đã xét nghiệm toàn bộ 924 nhân viên và phát hiện 55 trường hợp dương tính là nhân viên thuộc 13 khoa phòng, bộ phận.

"Nhận định ban đầu đây là ổ dịch lây nhiễm trong nhân viên bệnh viện, chủ yếu thuộc phòng công nghệ thông tin, phòng chỉ đạo tuyến, phòng hành chính quản trị và các phòng chức năng khác như kế hoạch tổng hợp, tổ chức cán bộ, dược, trong đó có 1 nhân viên sống trong ổ dịch khu dân cư Ehome 3" - bác sĩ Bỉnh thông tin.

Qua sàng lọc tại các bệnh viện và qua điều tra truy vết, TP đã phát hiện các chuỗi lây nhiễm ra cộng đồng, gồm: chuỗi lây nhiễm tại khu dân cư E Home 3, giáp ranh quận Bình Tân và quận 8, phát hiện 48 ca xác định từ 1 trường hợp đến khám sàng lọc tại Bệnh viện Quốc tế City ngày 5-6 và 1 trường hợp đến khám sàng lọc tại Bệnh viện Triều An ngày 7/6.

Biến chủng Delta khiến Covid-19 lây nhiễm mạnh ở TP HCM nguy hiểm thế nào? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Công tác điều tra truy vết đã phát hiện thêm 47 ca bệnh khác tại khu vực này và các cụm dân cư thuộc phường 16, quận 8; phường An Lạc, quận Bình Tân và xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh. 

Trong đó, có 1 công nhân làm việc tại Công ty PouYuen và 2 công nhân làm việc tại Công ty Tỷ Hùng, đều thuộc quận Bình Tân. TP đã xét nghiệm kiểm tra toàn bộ 4.910 nhân viên Công ty PouYuen và 571 nhân viên Công ty Tỷ Hùng, chưa phát hiện thêm người mắc.

Đầu tháng 6/2021, Tổ chức Y tế thế giới đặt tên 4 biến thể SARS-CoV-2 gây lo ngại nhất và các biến thể cấp độ 2 đang được theo dõi. 4 biến thể gây lo ngại nhất hiện nay là các biến thể xuất hiện lần đầu ở Anh - Alpha, , Nam Phi - Beta, Brazil - Gamma và Ấn Độ - Delta.

Trong làn sóng thứ tư này, PGS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho biết qua giải trình tự gen virus trên các bệnh nhân ở Việt Nam cho thấy có hai biến chủng đang phổ biến là chủng phát hiện ở Anh - Alpha và chủng phát hiện lần đầu ở Ấn Độ - Delta.

 Trong đó chủng Delta đang phổ biến nhất. Đặc điểm của chủng Delta này là lây nhanh, phát tán rộng trong không khí, nồng độ virus trong dịch cổ họng tăng rất nhanh và phát tán rất mạnh ra môi trường xung quanh.

Virus SARS-CoV-2 đường lây truyền chính là giọt bắn. Tuy nhiên đối với biến thể Delta, rất có thể giọt bắn này có thể tồn tại ở dạng lơ lửng trong phòng kín, rơi xuống chậm. Vì vậy, khi người lành hít phải giọt bắn mang virus sẽ bị mắc bệnh.

Thực tế hiện nay, qua một vài ngày tiếp xúc gần, các ca F1, F2 nhanh chóng trở thành ca F0. Đặc biệt, virus lây mạnh trong môi trường kín như quán bar, bệnh viện, xóm trọ, nhà máy trong khu công nghiệp (điều hòa, tập trung đông người, ngồi sát nhau…).

Dù là biến chủng Delta mới nhưng đường lây truyền của virus không thay đổi. Ngoài nguyên tắc 5K, PGS Phu khuyến cáo mọi người nên mở cửa, làm thông thoáng khí phòng ốc. Bởi vì trong môi trường kín, điều hòa, virus lơ lửng trong không khí chứ không rơi xuống, sẽ lây lan mạnh hơn.

 

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang