Biến thể Omicron nguy hiểm thế nào? Chuyên gia chỉ ra hàng loạt điểm khác biệt đáng ngại

Biến thể Omicron có nhiều đặc điểm khác biệt đáng lo ngại so với các biến thể cũ của SARS-CoV-2, các chuyên gia Mỹ mới đây cảnh báo.

Biến thể Omicron - hay còn gọi là B.1.1.529 – ngay sau khi xuất hiện đã khiến nhiều quốc gia áp đặt hạn chế đi lại mới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức phân loại Omicron là một "biến thể đáng lo ngại" vào thứ 6 tuần trước.

Biến thể Omicron lần đầu tiên được xác định bởi các nhà khoa học ở Nam Phi. Kể từ đó, có thêm ít nhất hàng chục trường hợp mắc biến thể mới đã được xác nhận, với một số trường hợp nghi ngờ khác được báo cáo.

Ngoài Nam Phi, biến thể Omicron đã được tìm thấy ở Botswana, Bỉ, Canada, Úc, Hà Lan, Đan Mạch, Vương quốc Anh, Đức, Israel, Ý, Cộng hòa Séc và Hồng Kông.

Biến thể Omicron nguy hiểm thế nào? Chuyên gia chỉ ra hàng loạt điểm khác biệt đáng ngại - Ảnh 1.

Nhiều quốc gia đã áp dụng hạn chế đi lại với Nam Phi và các nước lân cận do lo ngại về biến thể Omicron.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết trong một bản cập nhật hôm thứ 27/11 rằng Mỹ vẫn chưa phát hiện biến thể này.

Tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, cho biết: "Nhưng rất có thể chúng ta sẽ ghi nhận các trường hợp mắc biến thể này".

Tiến sĩ Collins nói với CNN hôm 28/11: "Chúng ta phải tăng gấp đôi nỗ lực để sử dụng các công cụ mà chúng ta có, đó là tiêm chủng và liều tăng cường - và để đảm bảo chúng ta cũng đang mang những thứ này đến với phần còn lại của thế giới".

Ông nói thêm: "Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta cần chú ý đến những chiến lược giảm thiểu số ca mắc, chẳng hạn như đeo khẩu trang khi bạn ở trong nhà với những người có thể không được tiêm phòng và giữ khoảng cách với nhau".

"Tôi biết, nước Mỹ - các bạn thực sự mệt mỏi khi nghe những điều đó. Nhưng virus không mệt mỏi với chúng ta. Và nó đang tự biến đổi", tiến sĩ Collins cảnh báo.

Biến thể Omicron khác biệt thế nào?

Khi virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan, các đột biến mới - và các biến thể mới - được dự kiến là sẽ xuất hiện.

Tiến sĩ Ashish Jha, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown (Mỹ), cho biết: "Chúng tôi đã thấy rất nhiều biến thể xuất hiện trong vòng 5, 6 tháng qua và hầu hết chúng không phát triển thành thứ gì đó đáng chú ý".

Các nhà khoa học Nam Phi cho biết biến thể Omicron có số lượng đột biến cao bất thường, với hơn 30 đột biến trong protein gai của virus.

Protein gai là cấu trúc được virus sử dụng để xâm nhập vào tế bào và lây nhiễm.

Chưa hết, trong số các đột biến trên, có ít nhất 10 đột biến nằm trên vùng liên kết thụ thể, khu vực "liên kết với các tế bào trong họng, mũi và phổi" của con người, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, nói với NBC hôm 28/11.

Biến thể Omicron nguy hiểm thế nào? Chuyên gia chỉ ra hàng loạt điểm khác biệt đáng ngại - Ảnh 2.

Biến thể Omicron có nhiều đặc điểm khác biệt đáng lo ngại so với các biến thể cũ của SARS-CoV-2, các chuyên gia Mỹ mới đây cảnh báo. (Ảnh minh họa)

Tiến sĩ Fauci cho biết: "Nói cách khác, hồ sơ của các đột biến cho thấy biến thể nó sẽ có lợi thế lây truyền".

Tiến sĩ Jha, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown (Mỹ), nói thêm: Khi các chuyên gia xem xét các biến thể mới, thường phải mất vài tháng để những biến thể đó trở nên chiếm ưu thế ở một khu vực.

Nhưng biến thể Omicron "đã trở nên thống trị rất nhanh chóng ở Nam Phi trong những khu vực mà nó được tìm thấy - chỉ trong vài ngày đến vài tuần, không phải vài tháng", tiến sĩ Jha nói.

"Hiện tại, số ca mắc ở Nam Phi khá thấp, vì vậy, điều này xảy ra có thể là vì những lý do khác nữa, không chỉ vì biến thể dễ lây lan hơn. Nhưng tốc độ chuyện này diễn ra thực sự không giống bất cứ điều gì chúng ta thấy trước đây".

Tiến sĩ Collins cho biết vẫn chưa rõ liệu biến thể Omicron có dễ lây lan hơn biến thể Delta hay không.

Ông nói: "Nó chắc chắn có những dấu hiệu của sự lây lan nhanh chóng. Nhưng chúng tôi không biết liệu nó có thể cạnh tranh với Delta hay không".

Còn quá sớm để nói liệu biến thể Omicron có gây ra bệnh nặng hơn hay không, Collins nói thêm.

Tiến sĩ Celine Gounder, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và nhà dịch tễ học người Mỹ, nói với CNN rằng "vẫn còn nhiều điều chúng tôi chưa biết về Omicron".

Bà nói: "Chúng tôi vẫn đang tìm hiểu và như chúng tôi đã nói từ đầu đại dịch, đại dịch không phải là để làm cho mọi người hoảng sợ. Đại dịch là lúc chúng ta áp dụng các chính sách, giao thức và quy tắc. Và trong trường hợp này, điều đó có nghĩa là xác định đặc điểm của virus".

'Virus vẫn đang nắm quyền kiểm soát'

Dù có hay không có biến thể Omicron, Mỹ vẫn đang phải chiến đấu với biến thể Delta.

Số ca nhập viện vì COVID-19 ở 16 bang của Mỹ đã tăng hơn 50% trong tuần qua so với tuần trước, theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ.

Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ), nhận định: "Tôi nghĩ chúng ta chỉ cần chuẩn bị tinh thần rằng virus vẫn đang nắm quyền kiểm soát. Tôi không quan tâm đến việc mọi người đã mệt mỏi vì phải chống chọi với COVID-19".

"Chúng ta sẽ phải liên tục giải quyết vấn đề này một cách rất, rất nghiêm túc... Hãy thắt chặt dây an toàn", tiến sĩ Schaffner nói thêm.

(Nguồn: CNN)

 

Theo soha.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang