Không có gì ngạc nhiên khi một đứa trẻ thích giọng nói của mẹ hơn giọng nói của những người lạ. Ngay từ trong bụng mẹ, thai nhi đã phát triển đường dẫn truyền thính giác giúp cảm nhận được âm thanh và rung động của mẹ. Sau khi sinh, bé đã có thể nhận ra giọng nói mẹ mình và cố gắng để nghe được giọng nói của mẹ rõ hơn so với giọng nói của người khác.
Một nghiên cứu năm 2014 ở trẻ sinh non cho thấy, khi bé vừa ngậm ti giả vừa nghe giọng nói của mẹ qua băng ghi âm có thể cải thiện sự phát triển các kỹ năng bú mút và rút ngắn thời gian nằm viện. Giọng nói của mẹ có thể xoa dịu trẻ trong tình huống căng thẳng, giảm nồng độ cortisol - hormone căng thẳng và tăng nồng độ oxytocin - hormone liên kết xã hội.
Các nhà khoa học còn khám phá ra sức mạnh từ giọng nói của mẹ đối với não bộ trẻ sơ sinh: giọng nói của mẹ kích hoạt vỏ não trước trán và vùng thái dương ở phía sau bên trái mạnh hơn một giọng nói xa lạ, thúc đẩy trẻ sơ sinh thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về xử lý giọng nói.
Giọng nói người mẹ có sức mạnh đặc biệt đối với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Vậy khi trẻ lớn lên thì sao?
Daniel Abrams, nhà sinh học thần kinh tại Đại học Y khoa Stanford (Mỹ) và nhóm nghiên cứu của ông đã lên kế hoạch tìm lời giải đáp cho câu hỏi này bằng cách sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI). Đây là kỹ thuật thần kinh đo lường hoạt động của não bằng cách phát hiện sự thay đổi về trao đổi chất trong dòng máu.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 24 trẻ trong độ tuổi 7-12, IQ bình thường, không có rối loạn phát triển và được mẹ đẻ nuôi dưỡng. Khi ở bên trong máy chụp cộng hưởng từ MRI, trẻ đã nghe bản ghi âm những từ vô nghĩa mà mẹ chúng hoặc những người phụ nữ khác nói. Sở dĩ nhóm nghiên cứu chọn những từ vô nghĩa là để không kích hoạt các mạch não liên quan đến ngữ nghĩa. Dù vậy, tất cả 24 trẻ đều xác định được giọng nói của mẹ với độ chính xác hơn 97% trong khoảng thời gian chưa đầy 1 giây.
Nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết, việc lắng nghe giọng nói của mẹ sẽ tạo ra nhiều hoạt động hơn ở vùng não có tên “vùng chọn lọc giọng nói” (liên quan đến việc nhận ra giọng nói và xử lý lời nói), so với khi trẻ nghe giọng nói của những người phụ nữ lạ.
Nhưng những điều mà nhóm khoa học phát hiện ra sau đó thậm chí còn đáng chú ý hơn. Giọng nói của một người mẹ đã kích hoạt một loạt các cấu trúc não bao gồm hạch hạnh nhân giữ chức năng điều hòa cảm xúc; vùng nhân não và vùng vỏ não giữa trán và khu vực khuôn mặt hình thoi, FFA - vùng nhỏ bên não phía sau tai, chuyên xử lý thông tin hình ảnh khuôn mặt. Mô hình hoạt động não này có thể được ví như dấu thần kinh, trong đó giọng nói của mẹ kích hoạt hoạt động cụ thể trong não bộ đứa con.
Ngoài ra, nhóm các nhà nghiên cứu nhận thấy, mối liên hệ thần kinh giữa các vùng não “chọn lọc giọng nói” và những vùng liên quan đến tâm trạng, phần thưởng và xử lý khuôn mặt càng nhiều, khả năng giao tiếp xã hội của trẻ càng cao.
Nói cách khác, dấu thần kinh giọng nói người mẹ trong não bộ một đứa trẻ có thể giúp dự đoán khả năng trẻ giao tiếp như thế nào trong phạm vi xã hội.
Tóm lại, hầu hết chúng ta đều mang tiếng nói của mẹ trong các mô hình thần kinh của não bộ: những câu chuyện trước khi đi ngủ, những cuộc trò chuyện vui vẻ bên bàn ăn tối và nhiều cuộc trò chuyện mà chúng ta đã nghe trước từ khi chào đời giúp nhận diện chúng ta với tư cách một cá thể độc đáo tương tự như vai trò của dấu vân tay. Giọng nói ấy cho phép sự phát triển cảm xúc và các giao tiếp xã hội từ thời thơ ấu và có lẽ, xuyên suốt cuộc đời một đứa trẻ.
Link bài gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/biet-duoc-giong-noi-cua-minh-tac-dong-den-nao-bo-cua-tre-nhu-the-nay-cac-me-han-se-cham-noi-chuyen-voi-con-nhieu-hon-22201930118235494.htm
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.