Bộ GD&ĐT đề xuất dùng ngân sách mua SGK cho học sinh mượn: Trong vòng luẩn quẩn?

Mới đây lãnh đạo Bộ GD&ĐT đề xuất dùng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học, cho học sinh mượn sử dụng nhiều lần. Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Sóng Hiền - Liên đoàn giáo dục độc lập Úc cho rằng, chúng ta vẫn đang trong vòng luẩn quẩn về tư duy giáo dục. Những cải cách về giáo dục vẫn lập lại một điệp khúc muôn thuở là thay sách giáo khoa (SGK).

Chỉ là giải pháp tình thế?

Tại cuộc họp với các bên liên quan đến SGK mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đề xuất phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý Bộ GD&ĐT phải làm rõ các vấn đề quan trọng liên quan đến các bộ SGK mới trên tinh thần công khai, cởi mở, giữ vững định hướng của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đồng thời tiếp thu xu thế của thế giới, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Về đề xuất của Bộ GD&ĐT, nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Sóng Hiền - Liên đoàn giáo dục độc lập Úc nhận định, có thể xem đây là giải pháp tình thế của Bộ nhằm xoa dịu sự phản ánh gay gắt của dư luận trước giá cả của SGK sau khi ban hành chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Ông Hiền cho rằng, vậy câu hỏi đặt ra là việc dùng thuế của dân để mua sách giáo khoa có khả thi không? Có giải quyết được tận gốc sự bức xúc của dư luận về sự bất bình đẳng trong hưởng thụ giáo dục không? Câu trả lời là không.

Theo ông Hiền, trước hết có thể thấy ngân sách của đất nước dành cho giáo dục chiếm tới 20% tổng chi ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, nguồn thu từ ngành này chiếm một tỷ lệ hết sức khiêm tốn. Trong năm 2021, theo báo cáo của Bộ giáo dục tổng số tiền chi cho ngành này là 299.325 ngàn tỷ trong đó chi trả lương cho lực lượng ngành này chiếm tỷ trọng lớn nhưng thu về 38.550 ngàn tỷ.

"Điều đó cho thấy Đảng và nhà nước đang hết sức quan tâm và đầu tư rất lớn cho ngành giáo dục nếu không nói đang bù lỗ rất lớn cho ngành"- ông Hiền nêu.

Cũng theo ông Hiền, nếu Bộ đề nghị chủ trương mua SGK thì kinh phí từ đâu trong khi đó áp lực tìm nguồn tăng lương cho đội ngũ giáo viên của ngành chưa có phương án giải quyết?

"Việc thương mại hoá SGK phổ thông liệu có đang đi ngược lại sứ mệnh của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa không? Một nền giáo dục đại chúng, công bằng và bình đẳng trong tiếp cận và mọi nguồn lực giáo dục và không học sinh nào bị bỏ lại phía sau" - Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Sóng Hiền.

Vậy số lượng mua bao nhiêu để phục vụ đủ nhu cầu rất lớn hiện nay của học sinh ở mỗi cấp học? Trong khi đó với chương trình hiện hành có tới 3 bộ SGK và việc lựa chọn mỗi bộ sách này của mỗi cấp học hay năm học có ổn định? Hay mỗi nhiệm kỳ giám đốc Sở giáo dục các địa phương lại thay một bộ?

"Bên cạnh đó nó kéo theo việc đầu tư thêm cơ sở vật chất thư viện, đội ngũ nhân viên thư viện, vấn đề bảo quản sách,... nguồn kinh phí từ đâu?" - ông Hiền đặt câu hỏi.

Bộ GD&ĐT đề xuất dùng ngân sách mua SGK cho học sinh mượn: Trong vòng luẩn quẩn? - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Sóng Hiền- Liên đoàn giáo dục độc lập Úc.

Không nên thương mại SGK phổ thông?

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Sóng Hiền cho rằng, nếu sách giáo khoa chúng ta xem là tài liệu phục vụ cho việc dạy học vậy tại sao nó không phải là nguồn miễn phí cho người học?

"Việc thương mại hoá SGK phổ thông liệu có đang đi ngược lại sứ mệnh của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa không? Một nền giáo dục đại chúng, công bằng và bình đẳng trong tiếp cận và mọi nguồn lực giáo dục và không học sinh nào bị bỏ lại phía sau" - ông Hiền nêu quan điểm.

Ông Hiền cũng chia sẻ, tư duy và cách tiếp cận về thiết kế chương trình giáo dục của Úc và các nước có nền giáo dục phát triển rất khác biệt so với ở Việt Nam thậm chí là đối lập. Ở những quốc gia này chương trình giáo dục không bao giờ đồng nhất với chương trình SGK.

Ông Hiền đưa ra Úc là một ví dụ. Ở Úc, Bộ Giáo dục tiểu bang thiết kế và ban hành quy định tổng quát về chương trình học và các tiêu chuẩn đầu ra của người học cần đạt. Dựa vào khung của Bộ, các trường sẽ lên chương trình dạy và học cụ thể.

Theo đó, thầy cô được quyền chủ động lựa chọn tài liệu dạy và các học cụ để phục vụ cho bài giảng của mình hướng đến giúp học sinh đạt được các mục tiêu, tiêu chí chuẩn đầu ra theo quy định chung.

Vì vậy, giáo dục phổ thông của Úc không có sách giáo khoa, chỉ có sách như tài liệu tham khảo hỗ trợ cho việc dạy và học. Học sinh có thể mượn những sách này ngay trong thư viện trường mình.

"Vậy tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Vì ngay từ khi thiết kế chương trình giáo dục họ đã định sẵn một triết lý giáo dục để hướng tới. Vì vậy, nếu chương trình được thiết kế đóng khung trong SGK sẽ kìm hãm sức sáng tạo của cả người dạy và người học. Và lối giáo dục theo đọc chép và ghi nhớ vẫn là tất yếu. Kiến thức của SGK vẫn là chân lý, lời cô dạy vẫn là chuẩn mực của tri thức" - ông Hiền nêu quan điểm.

Vậy nếu không có SGK ở Úc thầy cô dạy như thế nào? Ông Hiền cho biết, giáo viên ở Úc hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn và quyết định về tài liệu phục vụ cho bài giảng của mình dựa trên chuẩn đầu ra chung của Bộ và mục tiêu hướng tới của chương trình nhà trường.

"Nếu chương trình được thiết kế đóng khung trong SGK sẽ kìm hãm sức sáng tạo của cả người dạy và người học.

SGK chỉ nên được xem như tài liệu tham khảo, hỗ trợ cho quá trình giáo dục. Bộ GD&ĐT có thể dùng ngân sách mua bản quyền của các nhà xuất bản một lần và phát hành miễn phí', - Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Sóng Hiền.

Hàng năm các trường lên chương trình học đều có sự tham gia góp ý của đại diện thầy cô, học sinh, phụ huynh và cộng đồng cư dân địa phương. Chương trình học phản ánh tầm nhìn, định hướng và mục đích của mỗi trường.

Nó hướng tới các chuẩn mực quốc tế nhằm xây dựng danh tiếng và thương hiệu chất lượng giáo dục toàn cầu. Những trường phổ thông này không chỉ phục vụ nhu cầu giáo dục phổ cập của địa phương mà còn là điểm đến du học cho nhiều học sinh quốc tế.

Giải pháp nào cho vấn đề này?, ông Hiền cho rằng, trước hết cần phải xoá bỏ ngay tư duy lỗi thời đồng nhất chương trình giáo dục với chương trình SGK. Nếu tiếp tục cách tiếp cận này chúng ta vẫn chưa thể đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục hiện nay.

"SGK chỉ nên được xem như tài liệu tham khảo, hỗ trợ cho quá trình giáo dục. Bộ giáo dục có thể dùng ngân sách mua bản quyền của các nhà xuất bản một lần và phát hành miễn phí ở dạng sách điện tử, hoặc có thể sách giấy cho các thư viện trường học để mọi tầng lớp học sinh hoặc giáo viên đều có thể tiếp cận" - ông Hiền nói.

Ông Hiền cũng cho rằng, đối với Việt Nam hiện nay đang có những yếu tố thương mại xâm lấn vào hệ thống giáo dục phổ thông. Việc tăng giá SGK gấp ba bốn lần chỉ vì bìa đẹp, khổ to là một minh chứng rõ ràng.

 

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Sóng Hiền tốt nghiệp bằng MPhil nghiên cứu giáo dục trường ĐH Newcastle; Bằng Graduate Diploma về quản lý sau đại học Viện giáo dục chuyên nghiệp Australia; Bằng Diploma công nghệ thông tin Sydney College.

Thạc sĩ quản lý giáo dục, ĐH Vinh Cử nhân tiếng Anh ĐH Quy Nhơn.

Thành viên hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế (NAFSA) Thành viên liên đoàn giáo dục độc lập Úc (IEU) Thành viên hiệp hội giáo dục đào tạo nghề Úc Ban kiểm duyệt tạp chí nghiên cứu quốc tế International Journal of Training Research.

Công trình công bố quốc tế : History of Vietnamese Vocational Training and Education since 1954 The development of Vietnamese Vocational Training and Education Models since 1954. NXB Francis & Taylor, London.

Sách xuất bản : Lãnh đạo và quản lý nhà trường trong thế kỷ 21.

Dịch giả : Túp Lều Bác Tôm NXB văn học. Nghị sĩ sinh viên quốc tế đại diện sinh viên quốc tế 30 quốc gia các nước khu vực Tây Thái Bình Dương.

Link gốc: https://tienphong.vn/bo-gd-dt-de-xuat-dung-ngan-sach-mua-sgk-cho-hoc-sinh-muon-trong-vong-luan-quan-post1449415.tpo

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang