Bố mẹ nên nhớ: Đến 80% các trường hợp trẻ bị viêm tiểu phế quản là do virus và không cần dùng kháng sinh

Thời tiết chuyển lạnh là yếu tố thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển và gây bệnh. Thời gian này, trẻ em rất dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp, trong đó viêm tiểu phế quản là bệnh thường gặp, có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bệnh viêm phế quản thường gặp ở bé dưới 2 tuổi. Tác nhân chính gây bệnh là do virus, đến 80% các trường hợp là do loài virus RSV. Khi bị viêm tiểu phế quản, trẻ có thể bị một số vi khuẩn cơ hội xâm nhập gây bội nhiễm phế quản.

Viêm tiểu phế quản có nguy hiểm không?

Đây là bệnh gây khó khăn cho việc hô hấp của bé, làm bé khi hô hấp phải co rút cơ dưới liên sườn. Do đó, bé dễ mệt, khó chịu và cáu gắt, hơn nữa làm dịch nhầy tiết nhiều cũng gây cản trở hô hấp. Nếu ở thể nặng, có thể gây tràn khí màng phổi, xẹp phổi, bội nhiễm phế quản, khó thở và có thể dẫn đến tử vong.

Các bé có nguy cơ cao có thể biến chuyển thành thể nặng (cần nhập viện để theo dõi): bé sinh non, bé dưới 2 tháng tuổi, bé có tiền sử bệnh tim phổi, có biểu hiện suy kiệt - bỏ bú, bé thở nhanh từ mức trung bình trở lên.

Tuy nhiên, đa phần các trường hợp viêm tiểu phế quản thể nhẹ và trung bình (ngoài các yếu tố trên) có thể được chuyên gia sức khỏe kê đơn hoặc không kê đơn để điều trị tại nhà. Thuốc điều trị chủ yếu làm nhẹ triệu chứng và hỗ trợ hô hấp, bệnh sẽ khỏi khi hết dần triệu chứng.

Bố mẹ nên nhớ: Đến 80% các trường hợp trẻ bị viêm tiểu phế quản là do virus và không cần dùng kháng sinh - Ảnh 1.

Trẻ dưới 2 tuổi là đối tượng hay bị viêm tiểu phế quản (Ảnh minh họa).

Cha mẹ cần làm gì để ngăn ngừa viêm tiểu phế quản cho con?

Bệnh rất khó để ngăn ngừa và điều trị triệt để do tác nhân là virus. Tuy nhiên, bệnh có thể hạn chế tối thiểu nguy cơ mắc bệnh dưới 2 tuổi nếu cha mẹ làm tốt những điều sau:

1. Cho bé bú mẹ ngay từ lúc mới sinh để bé có sữa non quí giá, sau đó duy trì ít nhất đến 6 tháng tuổi và cố gắng càng lâu càng tốt.

2. Bé từ 6 tháng tuổi nên ăn uống đủ các thành phần dinh dưỡng: đạm, tinh bột, chất béo và rau củ quả để giúp cơ thể bé luôn đủ năng lượng và tăng cường các tác nhân phòng vệ của cơ thể.

Ví dụ: để tạo ra các kháng thể thì cơ thể cần các amino axit từ thịt/cá/trứng sữa. Để tăng hoạt động các enzyme trong các chuyển hóa phòng vệ thì cơ thể cần nguyên tố kẽm trong nấm, hải sản, tôm. Do đó, ăn uống cân bằng là liều thuốc hữu hiệu và an toàn trong điều trị và ngăn ngừa viêm tiểu phế quản, đây là lời khuyên được các chuyên gia dinh dưỡng Anh đưa ra.

3. Cho bé tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh: Đừng ngại cho bé khám phá thế giới xung quanh. Do hệ miễn dịch của bé cũng cần phải học cách đáp ứng, cha mẹ chỉ cần chú ý 2 điều sau:

- Điều 1: Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ cho bé sau các hoạt động. Vì khi bạn giữ vệ sinh bé sạch sẽ sẽ giúp hạn chế các tác nhân gây bệnh cho bé, hệ miễn dịch của bé sẽ có ưu thế hơn trong việc luyện tập tiêu diệt kháng nguyên gây bệnh như virus hoặc vi khuẩn.

- Điều 2: Không bao giờ cho bé chơi quá mệt, quá lâu vì cơ thể bé sẽ mệt mỏi, hệ miễn dịch sẽ trở nên yếu đi. Nên ngưng khi bé có dấu hiệu mệt, nhưng đừng ngưng quá sớm làm bé mất hứng thú.

Bố mẹ nên nhớ: Đến 80% các trường hợp trẻ bị viêm tiểu phế quản là do virus và không cần dùng kháng sinh - Ảnh 2.

80% trẻ bị viêm tiểu phế quản là do virus RSV (Ảnh minh họa).

4. Hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá: Gia đình có thành viên hút thuốc lá thì nên ra ngoài nhà hút thuốc. Những người nghiện thuốc lá nặng thì nên ít tiếp xúc bé như hôn gần các đường hô hấp của bé. Đặc biệt, các bé đã bị cảm cúm trước đó thì nên tránh tiếp xúc với các thành viên bị cảm cúm, hoặc nghiện thuốc lá.

5. Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng khi bạn vừa trở về từ công sở, nơi đông người (như siêu thị, bệnh viện), hoặc vừa hắt hơi sổ mũi. Bệnh cũng có thể lây lan cho các bé khi bé vừa đi khám bác sĩ về hoặc tiêm phòng về vì virus RVS tồn đọng khá lâu trong không khí ở môi trường nguy cơ cao như bệnh viện, phòng khám. Do đó, mẹ nên tắm rửa bé sạch sẽ ngay khi đi khám bệnh về, đặc biệt trước khi cho bé bú hoặc ăn.

6. Những gia đình sống ở miền Bắc nên chú ý dọn phòng bé thông thoáng, sạch sẽ, ở các mùa lập đông hoặc chuyển sang xuân. Miền Nam thì chú ý chăm sóc bé kĩ hơn ở cuối mùa mưa.

7. Tiêm phòng đúng lịch tiêm phòng quốc gia.

Những câu hỏi thường gặp của bố mẹ về viêm tiểu phế quản ở trẻ

Câu hỏi 1: Có nên dùng kháng sinh trong điều trị viêm tiểu phế quản?

Viêm tiểu phế quản đa phần là do virus RSV gây nên, do đó việc điều trị kháng sinh là không hiệu quả. Tuy nhiên, kháng sinh có thể được kê trong trường hợp nếu có sự viêm phế quản bội nhiễm do một số vi khuẩn cơ hội tấn công khi phế quản bị suy yếu do virus trước đó. Sự đồng tấn công giữa virus và vi khuẩn làm tình trạng bệnh có thể trở nặng.

Đa phần, các trường hợp viêm tiểu phế quản không cần dùng kháng sinh. Việc sử dụng kháng sinh cho bé dưới 2 tuổi trong điều trị viêm tiểu phế quản được quản lý nghiêm ngặt và nên được chẩn đoán tình trạng bội nhiễm có xảy ra không, có cần thiết sử dụng không. Cha mẹ nên theo hướng dẫn của chuyên gia sức khỏe vì chỉ có họ mới biết chính xác tình trạng bé ở mức độ nào.

Bố mẹ nên nhớ: Đến 80% các trường hợp trẻ bị viêm tiểu phế quản là do virus và không cần dùng kháng sinh - Ảnh 4.
 

Câu hỏi 2: Sao bé khỏi bệnh mà vẫn ho kéo dài hoặc thở khò khè?

Nếu bé đã được kết luận là đã kiểm soát được virus, có nghĩa là bé đã hồi phục, các triệu chứng sẽ kéo dài một khoảng thời gian có thể lên 4-5 tuần, nếu cha mẹ làm tốt các hướng dẫn ngăn ngừa ở trên để hạn chế bé bị tái nhiễm lại thì bé sẽ hết hẳn sau đó.

Câu hỏi 3: Bé hay bị viêm tiểu phế quản, cảm cúm, uống thuốc tăng cường miễn dịch có giúp bé ngăn ngừa bệnh tái phát không?

Câu trả lời là không hiệu quả. Để tăng cường hệ miễn dịch, bé cần phải có đủ các yếu tố dinh dưỡng tham gia làm nguyên liệu cho các tế bào miễn dịch. Giống như bạn xây 1 ngôi nhà, bạn cần có gạch, xi măng, cát, đá sỏi. Có rất nhiều cha mẹ bổ sung cho con 1 số thuốc tăng cường hệ miễn dịch cho bé, nếu đọc kĩ thành phần: chỉ có hàm lượng vitamin C cao hoặc có bổ sung 1 số chất chống oxy hóa từ thảo dược (như elderberry). Do đó, bổ sung đơn lẻ với tính chất từng thành phần như vậy, không có tác dụng tăng cường miễn dịch, thậm chí nếu liều vitamin C quá cao có thể gây tiêu chảy ở bé.

Hơn nữa, bệnh viêm tiểu phế quản và cảm cúm thường tác nhân là virus, do đó, dù hàm lượng vitamin C cao hoặc một số thuốc nhấn mạnh có chất chống oxi hóa, hoặc kháng sinh tự nhiên giúp tăng cường sức khỏe là hoàn toàn không đúng và không có công dụng lên ngăn ngừa virus. Việc ngăn ngừa tốt nhất virus hoặc vi khuẩn là làm tốt các biện pháp ngăn ngừa đã đề cập trên.

Các thuốc dùng trong điều trị viêm tiểu phế quản là gì?

Chủ yếu là thuốc giảm các triệu chứng khó chịu của bé như thở khò khè, ho, hoặc thuốc tăng oxy trong hỗ trợ sự hô hấp của bé. Ví dụ:

- Thuốc Beta-adrenergic thường giúp hỗ trợ các bé có triệu chứng thở khò khè. Thuốc có thể đưa vào nhiều đường: đường uống hoặc khí dung

- Thuốc Épinéphrine hoặc beta-agonist có thể dùng dưới dạng khí dung. Trong đó Épinéphrine có phần hiệu quả hơn. Tuy nhiên, điều trị dưới dạng khí dung là tùy thuộc vào mức đáp ứng của bé. Nếu triệu chứng bé giảm như giảm khò khè, giảm gắng sức hô hấp thì có thể tiếp tục điều trị ít nhất 48 giờ đầu của bệnh, nhưng nếu đáp ứng không tốt, không có giảm triệu chứng thì nên ngưng dùng.

Vài nét về tác giả:

Bác sĩ Anh Nguyễn hiện đang công tác tại ĐH Worcester-Anh, là thành viên của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Lâm Sàng Anh (The British Association for Applied Nutrition and Nutritional Therapy). Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân, cũng là đồng tác giả của cuốn sách "Làm mẹ không áp lực".

 

Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/bo-me-nen-nho-den-80-cac-truong-hop-tre-bi-viem-tieu-phe-quan-la-do-virus-va-khong-can-dung-khang-sinh-162200210143224273.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang