Trong quá trình trẻ trưởng thành, bố mẹ là người trẻ tiếp xúc nhiều nhất, cũng là người thân thuộc khiến trẻ mô phỏng mọi hành động, cử chỉ để giao lưu với thế giới bên ngoài. Khi bố mẹ nóng vội trong việc giáo dục trẻ, cũng là lúc họ quên phải điều chỉnh bản thân để trở thành tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Trước mặt trẻ, có một số hành động bố mẹ không nên làm, đó là những hành động nào?
1. Tranh cãi phương pháp giáo dục trước mặt trẻ
Cuộc sống bận rộn, nhiều bậc cha mẹ không thể dành thời gian bên con, nên họ nhờ cậy ông bà chăm sóc trẻ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến xung đột trong cách nuôi dạy trẻ của những người lớn tuổi và bố mẹ trẻ.
Chẳng hạn, vài giây trước người mẹ ngăn cấm con: "Hôm nay, mẹ không cho phép con chơi game trên điện thoại". Sau khi người mẹ dứt lời, bà nội liền dỗ dành và đưa điện thoại cho đứa trẻ chơi tiếp.
Khi những người nuôi dạy trẻ bất đồng quan điểm, họ sẽ quay sang phán xét và chỉ trích lẫn nhau. Đây là điều cấm kỵ trong cách giáo dục trẻ. Trẻ nhỏ chưa có khả năng nhận thức tốt sự việc, nên không thể phân biệt đúng sai rạch ròi. Khi trẻ chứng kiến người lớn bất đồng trong cách dạy dỗ trẻ, trẻ sẽ cảm thấy lúng túng, khó hiểu.
Có những đứa trẻ biểu hiện khác nhau trước mặt bố mẹ và ông bà, do đó những lời dạy dỗ của họ đối với trẻ đôi khi sẽ mất hiệu nghiệm. Những người có trách nhiệm nuôi dạy trẻ cần có sự thống nhất với nhau về phương pháp giáo dục trẻ.
2. Phá hoại đồ chơi trước mặt trẻ
Khi bố mẹ phá hoại đồ chơi hoặc cầm đồ chơi đi mất sẽ khiến trẻ cảm thấy tổn thương. Có lẽ bạn nghĩ rằng: "Chỉ là một món đồ chơi nhỏ, có gì quan trọng nhỉ?". Nhưng đối với trẻ, ngoài bố mẹ thì đồ chơi là nơi trẻ gửi gắm cảm xúc và tinh thần.
Lỗ Tấn từng viết về một câu chuyện có tên là Con Diều:
Từ nhỏ, tôi không thích thả diều, tôi nghĩ rằng chỉ những đứa trẻ không có triển vọng mới đắm mình trong trò thả diều. Một hôm, tôi phát hiện em trai lén thả diều, thế là tôi lập tức phá nát con diều của em tôi.
Nhiều năm sau, khi nghĩ về câu chuyện này, Lỗ Tấn cho biết: "Cuối cùng, sự trừng phạt đã đến với tôi. Vào độ tuổi trung niên, khi tôi tình cờ đọc một quyển sách thiếu nhi, tôi biết được rằng, chơi với đồ chơi là hành vi chính đáng của trẻ nhỏ, đồ chơi cũng giống như thiên thần trong câu chuyện thần thoại. Hình ảnh tôi từng phá nát con diều của em trai như hiện ra trước mắt, tôi cảm thấy trái tim của mình trở nên khô khốc, giống như rơi vào vực sâu không đáy".
Khi người lớn phá hoại đồ chơi của trẻ, đối với trẻ đấy không chỉ đơn thuần là món đồ chơi, mà còn là điều tốt đẹp trong câu chuyện thần thoại.
3. Than phiền trước mặt trẻ
Một học sinh từng tâm sự với tôi, em ấy rất sợ về nhà. Bởi mỗi lần về nhà, em ấy đều nghe những lời than phiền không ngớt của người mẹ.
"Bố của con là kẻ vô dụng, mẹ không thể trông mong ông ấy làm điều gì giúp ích cho gia đình".
"Bà nội của con là một kẻ lắm chuyện, lần sau con nên hạn chế đến nhà bà nội".
"Gia cảnh nhà chúng ta rất nghèo khổ".
Than phiền, oán trách có thể lây lan sang người khác. Khi bố mẹ luôn miệng trách móc, kể khổ với trẻ, nghĩa là họ đang xem nhẹ khả năng chịu đựng và tác động xấu đối với trẻ. Điều này sẽ dẫn đến cảm xúc tiêu cực, tâm lý của trẻ không thể phát triển khỏe mạnh khi sống trong một gia đình có bố mẹ than phiền về mọi thứ.
Nếu bố mẹ không hạnh phúc với cuộc sống hiện tại, làm sao trẻ có thể hạnh phúc?
4. Phá vỡ nguyên tắc ngay trước mặt trẻ
Mọi người thời nay ca thán: "Trẻ nhỏ bây giờ được bố mẹ chiều hư, ngay cả phép tắc tối thiểu cũng không có".
Hành vi của trẻ nhỏ, chính là cái bóng phản chiếu của người lớn. Bởi trẻ bắt chước, mô phỏng theo người lớn.
Vài ngày trước, khi tôi đang xếp hàng đợi thanh toán tại tiệm bánh. Có một bé trai khoảng 5, 6 tuổi đứng sau tôi. Khi người mẹ mất kiên nhẫn vì đợi quá lâu, cô ấy đã giật cái bánh mỳ trên tay đứa trẻ, đồng thời kéo đứa trẻ ra khỏi hàng, đẩy đứa trẻ đến quầy thanh toán. Cô ấy bảo rằng: "Mua 1 ổ bánh mỳ mà đợi lâu thế, mẹ đợi con nãy giờ".
Cuộc sống hiện nay, cảnh tượng này không phải là hiếm. Không phải trẻ không hiểu nguyên tắc, mà là người lớn tuân thủ nguyên tắc ngày càng ít.
Muốn trẻ trở thành người như thế nào, đều không thể tách rời khỏi sự dạy dỗ của cha mẹ. Nếu bố mẹ phá vỡ nguyên tắc ngay trước mặt trẻ, sau này trẻ sẽ trở thành người coi thường nguyên tắc.
Theo Toutiao
Theo Tri thức trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.