Những cơn mưa to và sấm chớp ở Singapore những ngày cuối tháng 4/2020, như muốn nhắc anh Thường nhớ về ngày định mệnh năm đó, khi giông bão cuộc đời bất ngờ đổ ập xuống gia đình anh.
Bệnh viện Nhi Trung ương, 29/4/2019.
"U nguyên bào thần kinh" - tên căn bệnh không biết mất bao nhiêu thời gian để anh có thể nhớ chính xác. Thật ra đâu quá khó, nhưng anh chẳng muốn nhắc tới. Tất cả kết quả xét nghiệm của bé Đức Huy, 4 tuổi - con trai anh, đều chung một kết quả: u ác tính, đã di căn.
Người cha phờ phạc, ngồi một mình trước cửa phòng bệnh, tầng 8 Khoa Ung bướu. Cơn đau bụng không liên tục, chỉ kéo dài mấy giây rồi ngắt hành hạ đứa trẻ. Anh Thường tìm cách xoa bụng rồi vỗ về con. Chốc sau, Huy đã có thể tung tăng chơi đá bóng.
Tần suất những cơn đau bụng bắt đầu tăng lên, da đứa bé xanh xao, bụng phình lên, ăn uống hay bị trào ngược. Người bố chỉ nghĩ "chắc con mình bị giun sán, vì từ bé đến giờ con chưa tẩy giun bao giờ". 2 bố con chở nhau ra viện Nhi thăm khám.
"Đùng cái, bác sĩ chẩn đoán con bị ung thư nguyên bào thần kinh ác tính, khối u đã to bằng cái nắm đấm". Đến lúc này, thế giới của người cha sụp đổ hoàn toàn.
Bệnh viện Nhi Trung ương - phòng khám C110 - Khoa Ung thư.
Vợ chồng anh Thường ngồi nghe bác sĩ giải thích về căn bệnh, tiên lượng và phương pháp điều trị cho con trai. "1 năm nếu điều trị, hoặc không thì vài tháng" - câu nói ám ảnh anh từng giây từng phút chưa bao giờ buông tha. Mọi thứ lúc đó đều mơ hồ. Chân không vững, tai ù đi, anh không còn nghe rõ điều bác sĩ nói. Trước mắt anh chỉ là khuôn mặt ngây thơ, ánh mắt hồn nhiên của đứa con nhỏ.
"Bố biết đối diện với con thế nào đây?".
Bé Đức Huy những tháng ngày điều trị tại Singapore phải chịu nhiều đau đớn. Đứa trẻ nhỏ, xung quanh chỉ toàn máy móc và thiết bị.
Những ngày tháng điều trị đầu tiên.
Tuy đã được trấn an tinh thần và trao đổi kinh nghiệm từ những ông bố bà mẹ có con bị bệnh ung thư điều trị trước, anh Thường phần nào hình dung được những gì sẽ đến với Huy trong quá trình điều trị. Nhưng thực tế lại quá tàn khốc. Kim tiêm, máy truyền, máy tiêm quá xa lạ với một đứa bé chưa bao giờ phải nhập viện. Hóa chất - một loại thuốc độc từng giọt chảy vào người bé Huy.
Không ăn uống, điện thoại chẳng muốn xem, anh Thường cứ dựng con dậy là đứa trẻ lại nằm, người mềm oặt. Huy bắt đầu sốt rồi đi ngoài. Các chỉ số máu đều hạ, người nổi dày nốt xuất huyết.
Đây là sự thật? Hay là một cơn ác mộng? Hai câu hỏi đó đến bây giờ, vợ chồng anh Thường, vẫn chưa thôi hỏi nhau.
Cứ như vậy, 8 ngày - một đợt hóa chất. Cơ thể đứa trẻ chưa kịp hồi phục đã phải tiếp tục gánh chịu đau đớn. Đợt hóa chất thứ 3, Huy bị nhiễm trùng máu sốt cao hơn 40 độ, thuốc cũng chẳng thể hạ được. Bố mẹ thay phiên nhau chườm nước ấm cho con, thậm chí còn để con ngồi vào chậu nước cho hạ sốt.
"Người con nóng như hòn than nhưng con có biết những ngày đó lòng bố còn nóng hơn như vậy không?".
Anh Thường nói rằng đưa con sang Singapore chữa trị là cách duy nhất anh có thể làm, với hy vọng con được nối dài sự sống.
Mỗi lần vào thuốc, Huy đều rất đau đớn.
Cuộc đời là vậy, từ cái ngày đen tối đó chưa bao giờ bằng phẳng với gia đình anh Thường. Ông trời luôn muốn thử thách sự kiên nhẫn của anh khi các kết quả kiểm tra sau 4 đợt hóa chất liều cao không được như ý muốn. "Nhưng không sao, còn con, là bố còn ý chí", anh tự trấn an bản thân. Cả gia đình tiếp tục cùng nhau trải qua những thử thách, từng giây, từng phút, từng khó khăn và từng đau khổ nhất.
"Con vẫn vậy, con hứa với bố rằng sẽ không bao giờ xa bố, nên khi kết thúc 8 đợt hóa chất liều cao theo phác đồ với bao đau đớn đến tàn người mà con vẫn kiên cường. Con gầy yếu, xanh xao, có lúc tưởng chừng buông tay là tuột mất con. Nhưng không! Con mạnh mẽ và luôn khát vọng sống như 1 chồi non trong nắng sớm".
Một lần nữa, kết thúc 8 đợt hóa chất theo phác đồ mà khối u không thuyên giảm, bác sĩ nói Huy phải tiếp tục hóa chất mạnh và sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, bố mẹ nên chuẩn bị sẵn tâm lý. Hoặc chỉ còn cách đưa con ra nước ngoài tiếp tục điều trị mới có cơ hội sống.
Người cha ngã quỵ.
"Bố là người đưa con lên con thuyền này và chèo lái sự sống của con. Phải làm sao đây? Trải qua 4 tháng cùng con nhìn những tổn thương của cơ thể và tinh thần của con thực lòng bố rất sợ phải đối mặt thêm bất cứ điều gì nữa.
Bố mẹ nghĩ 1 cánh cửa khép lại sẽ mở ra 1 cánh cửa mới. Vậy con cùng bố khép lại cánh cửa đau buồn này và mở 1 cánh cửa mới, đi một con đường mới bố mẹ tin rằng nó sẽ tốt đẹp hơn. Vì ông trời đã sắp đặt, bố tin đây chỉ là thử thách. Vượt qua rồi điều tốt đẹp sẽ đến".
Gia đình anh Thường quyết định bán hết tài sản, kể cả bộ bàn ghế cũ mèm chẳng đáng giá bao nhiêu, đưa con trai sang Singapore, điều trị tại Bệnh viện KK Women's and Children's Hospital với hy vọng 70% cơ hội sống. Bản thân vợ chồng anh bỏ hết công việc tại Việt Nam, theo chân Huy sang xứ người, chấp nhận ăn mì tôm mỗi ngày, dành tiền cứu chữa cho con.
2 đợt hoá chất mạnh ngấm vào da dẻ đứa trẻ 5 tuổi nhưng chỉ nặng 12kg, 10 tiếng nằm trong phòng phẫu thuật cắt bỏ khối u, 1 tháng ghép tuỷ, gần 30 ngày điều trị biến chứng, tiếp đó 15 ngày xạ trị, xen kẽ các đợt điều trị là vô số những lần xét nghiệm lấy máu rồi gây mê chọc tủy, gây mê chiếu chụp. Đến nay, Huy đã bước vào giai đoạn điều trị cuối cùng với 5 đợt thuốc miễn dịch chống tái phát đầy đau đớn.
Cậu bé đã vượt qua được 3/5 lần vào thuốc. Mỗi lần như vậy, tác dụng phụ của thuốc phát tác khiến đứa trẻ mất kiểm soát và vật lộn với cơn đau. Khuôn mặt nhăn nhó vì đau, Huy chỉ biết gọi "bố ơi, mẹ ơi" trong tuyệt vọng. Chọc tuỷ, là khi những cây kim dài đâm vào tận xương cậu bé. 2 bên lưng đã chi chít vết sẹo cũ. Vết chồng vết, nhưng Huy vẫn can đảm và nằm im. Nhìn con trai quằn quại, người cha lại ước có thể chịu đựng thay con, hoặc có bất cứ cách nào, để giúp con đỡ đau đớn.
"Bố căm ghét bản thân mình đã không làm được gì cho con. Con hận bố lắm đúng không? Vậy con cứ trút giận lên bố đi. Nhưng cầu xin, đừng bắt bố phải nhìn con đau như vậy. Đã nhiều lần bố tưởng như không níu được con, nhưng rồi bằng một phép màu nào đó con vẫn ở bên bố vẫn đứng dậy sau những đau đớn kia, cho đến tận bây giờ bố vẫn chưa tin được là con đã gần hoàn thành rồi".
Từ một đứa trẻ hồn nhiên, Huy phải trải qua hàng loạt đợt hoá chất, xạ trị, vào thuốc, khiến cơ thể xanh xao, gầy rộc.
Mỗi lần nhắc đến Huy, anh Thường đều nói "xin lỗi". Sinh con ra nhưng không thể cho con một sức khoẻ bình thường như bao đứa trẻ khác, anh nói đó là tội lỗi lớn nhất đời anh.
"Giá như con không phải là con của bố mẹ thì bây giờ số phận con đã khác. Con sẽ không phải khổ như thế này!".
Nếu như cuộc đời này chỉ toàn những con nợ, anh Thường nghĩ rằng, chắc bố con anh sẽ là con nợ lớn nhất hành tinh. Nợ tiền bạc, nợ ân tình, nợ luôn cả niềm vui nỗi buồn mà suốt hành trình hơn một năm qua, mọi người luôn dõi theo, ủng hộ Huy.
"Con là món quà vô giá mà ông trời dành tặng cho bố mẹ nhưng bố mẹ lại không có món quà nào để dành tặng cho con. Đức Huy - Ánh ban mai ấm áp và an yên. Mỗi ngày tới trường, hành trang con mang theo là ước mơ làm bác sĩ. Gồng mình trải qua nhiều đợt điều trị hóa chất, xạ trị. Không màng khó khăn, đau đớn con vẫn vững bước tiến về phía trước với nụ cười nở trên môi, an yên và ấm áp lạ kì. Vì trải qua nhiều đợt điều trị đau đớn nên càng thúc đẩy ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người của con".
Chỉ còn 2 đợt vào thuốc tiếp theo, hy vọng cơ hội sống của bé Đức Huy sẽ tăng lên, để không còn những ngày tháng người cha đi 10 cây số, mỗi ngày 3 lần, bưng cho con những miếng cháo nóng hổi giữa cái nắng chang chang hay những ngày mưa buồn đến thấm đất ở Singapore.
Đức Huy ước mơ lớn lên được làm bác sĩ để có thể cứu chữa cho mọi người.
Mọi sự giúp đỡ để bé Đức Huy có thể tiến sát hơn với ngày đoàn tụ gia đình tại Việt Nam, quý độc giả có thể gửi về:
STK: 2211205170468, ngân hàng Agribank, chi nhánh Đan Phượng, Hà Nội. Chủ tài khoản: Bùi Thị Thu Hoài (mẹ bé).
Hoặc STK: 0611001926379, ngân hàng Vietcombank. chi nhánh Ba Đình-Hà Nội. Chủ tài khoản: Bùi Văn Mạnh (chú ruột bé).
SĐT của anh Bùi Văn Thường bên Singapore: 94228936.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.