Bộ Y tế cảnh báo 3 loại thuốc F0 không được tự ý sử dụng tại nhà

Trong hướng dẫn mới nhất, Bộ Y tế cảnh báo 3 loại thuốc F0 tại nhà không tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định, kê đơn.

3 loại thuốc này có tác dụng gì?

Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng cho biết, khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể sẽ nhân lên trong các tế bào.

Sau khi virus nhân lên với số lượng đủ lớn, cơ thể huy động các cơ chế bảo vệ để chống lại virus, đến một mức độ nào đó thì gây ra sốt. Lúc này là thời điểm khởi phát các triệu chứng. Để hạn chế quá trình nhân lên của virus, người bệnh có thể dùng các loại thuốc kháng virus.

Trong quá trình 7-10 ngày sau khi khởi phát, một số người lại bắt đầu có những diễn biến nặng hơn, đối diện với nguy cơ rối loạn đáp ứng miễn dịch gây viêm và tăng tiết dịch, phá hủy tổ chức, đầu tiên ở phổi sau đó đến toàn bộ các cơ quan. Tình trạng này gây ra suy hô hấp và suy các cơ quan quan trọng khác. Để ngăn rối loạn miễn dịch, người bệnh dùng thuốc kháng viêm corticoids.

Còn về thuốc kháng sinh, theo bác sĩ Hoàng, không có tác dụng với virus nói chung và SARS-CoV-2 nói riêng. Nhóm thuốc kháng sinh dùng để phòng và điều trị bội nhiễm vi khuẩn (viêm amidan, viêm tiểu phế quản, viêm xoang...). Nhưng thực tế, nhiều F0 vội sử dụng 2 loại kháng sinh để dự phòng nhiễm khuẩn. Nếu F0 có biểu hiện ho, đau họng, không nên vội uống kháng sinh mà có thể sử dụng mật ong, siro thảo dược.

Khi nào dùng thuốc kháng virus?

Ngày 17/2, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã phê duyệt khẩn cấp 3 loại thuốc kháng virus chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước. Từ ngày 24/2, các loại thuốc này chính thức được mở bán tại các chuỗi nhà thuốc.

Theo Bộ Y tế, việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế. Người dân không nên lo lắng, tích trữ và tự ý sử dụng thuốc, vì việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh đồng thời tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe do các phản ứng có hại của thuốc.

Bộ Y tế cảnh báo 3 loại thuốc F0 không được tự ý sử dụng tại nhà - Ảnh 1.

Thuốc kháng virus chứa hoạt chất Molnupiravir

Để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) khuyến cáo người dân cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng thuốc Molnupiravir để điều trị Covid-19 như sau:

- Molnupiravir được sử dụng để điều trị Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.

- Molnupiravir dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày.

- Molnupiravir không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp.

- Molnupiravir không được sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng Covid-19.

- Đối với phụ nữ có thai và cho con bú:

+ Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.

+ Dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh từ Molnupiravir, không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.

- Đối với trẻ em và thanh thiếu niên: Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.

- Đối với nam giới: Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới hoạt động tình dục với phụ nữ có khả năng sinh đẻ nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) khuyến cáo người dân chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc nêu trên. Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời.

Đặc biệt lưu ý người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, chỉ sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị và sức khỏe của chính mình.

Khi nào dùng thuốc kháng viêm?

Bộ Y tế cho biết, thuốc kháng viêm không phát sẵn cho người mắc Covid-19, phải được bác sĩ kê đơn theo quy định và chỉ kê đơn điều trị trong 1 ngày trong thời gian chờ chuyển đến cơ sở điều trị người bệnh Covid-19.

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, nhóm thuốc kháng viêm giúp giảm tình trạng đáp ứng quá mức. Đây là nhóm thuốc dễ kiếm, giá cả không đắt. Tuy nhiên, hiện có tình trạng F0 lạm dụng corticoids, khiến tình trạng bệnh nặng nề hơn.

Ngoài việc giúp sức cho virus dễ dàng nhân lên, thuốc kháng viêm corticoids còn làm cho người bệnh dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm... Corticoids làm nặng tình trạng tăng đường máu, tăng huyết áp trên các bệnh nhân có bệnh này.

Vậy khi nào dùng thuốc kháng viêm? CHỈ DÙNG khi SpO2 thường xuyên ở mức 94% trở xuống. F0 tại nhà không tự ý dùng, bắt buộc phải hỏi ý kiến bác sĩ. Corticoids chỉ có tác dụng khi mắc Covid-19 ở mức độ vừa hoặc nặng. Các khuyến cáo trên các tạp chí y khoa danh tiếng đều yêu cầu CHỐNG CHỈ ĐỊNH dùng corticoids khi người bệnh chưa đến mức nhập viện.

Bộ Y tế cảnh báo 3 loại thuốc F0 không được tự ý sử dụng tại nhà - Ảnh 2.

Bộ Y tế cảnh báo 3 loại thuốc F0 không được tự ý sử dụng tại nhà (Ảnh minh họa)

Khi nào dùng thuốc kháng sinh?

Bác sĩ Hoàng cho biết, với các F0 nhiều bệnh nền, sức đề kháng vốn đã kém thì có thể tiềm ẩn nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên, không nên dùng tới 2 loại để dự phòng, chỉ 1 kháng sinh dự phòng là đủ.

"Thậm chí một số người, dù không có các nguy cơ trên, vẫn cứ theo các đơn thuốc truyền tai nhau, uống cùng lúc đến 2 loại kháng sinh mạnh, trong khi không hề có dấu hiệu nhiễm khuẩn", bác sĩ Hoàng cho hay.

Vị chuyên gia phân tích, có nhiều loại kháng sinh, tuy nhiên các loại dùng đường uống hiện nay chủ yếu 3 nhóm.

- Nhóm macrolid: erythromycin, azithromycin, clarithromycin...

- Nhóm beta-lactam: amoxicillin/clavulanic, amoxicillin/sulbactam, cephalexin, ceforuxim, cefixime, cefpodoxime...

- Nhóm quinolon: ciprofloxacin, levofloxacin...

"Việc lạm dụng kháng sinh tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng sẽ khiến gan, thận bị quá tải, trong khi cơ thể đang kiệt quệ do bị virus tấn công. Ngoài ra, nếu dùng không đúng, sẽ khiến vi khuẩn bị nhờn thuốc, lần sau nếu bị nhiễm khuẩn thì các kháng sinh đó không còn tác dụng", bác sĩ Hoàng khuyến cáo người bệnh nếu dùng kháng sinh phải được bác sĩ tư vấn.

 

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/bo-y-te-canh-bao-3-loai-thuoc-f0-khong-duoc-tu-y-su-dung-tai-nha-161221503174050308.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang