BS Trương Hữu Khanh: Cách đảm bảo an toàn cho gia đình có không gian hẹp, nhiều loại F cùng cách ly tại nhà

Khi cách ly tại nhà, nhiều gia đình có các loại F khác nhau sẽ bị hạn chế nếu không gian nhà chật hẹp. Chuyên gia y tế sẽ bày cách giúp mọi người đảm bảo an toàn hơn.

Cách đảm bảo an toàn cho những gia đình có nhiều loại F nhưng nhà chật

Mới đây theo Bộ Y tế, từ ngày 16/8, tại TP HCM, Bộ Y tế sẽ triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các F0 tại nhà và cộng đồng được cung cấp thuốc và chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần. Thuốc triển vọng được sử dụng trong chương trình là Molnupiravir.

Thêm nữa, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, số F1, F0 triệu chứng nhẹ được TP HCM cho tự cách ly tại nhà rất nhiều. Tuy nhiên, không phải nhà nào cũng có sẵn không gian đủ tiêu chuẩn cho mỗi người một phòng, nhà vệ sinh riêng. Vì thế, sắp xếp lại sinh hoạt là rất cần thiết nếu trong nhà vẫn còn những người chưa phải F0.

Trao đổi với PV, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 - TP.HCM cho biết, trước tình hình trên, nếu gia đình nào có ít phòng riêng, hãy ưu tiên cho 2 đối tượng. 

Thứ nhất, đó là những người đã là F0 hoặc nghi ngờ là F0 (F1 nguy cơ cao, có tiếp xúc gần với F0 trước đó, có triệu chứng mà chưa xét nghiệm...). 

Thứ hai, đó là những người có nguy cơ trở nặng khi mắc COVID-19, như người lớn tuổi, có bệnh nền, nếu họ mới chỉ là F1. Nên nhớ, nếu cả nhà là F1 hay đã xuất hiện 1-2 F0, chưa chắc tất cả thành viên trong gia đình đều bị nhiễm.

"Những F0 không có phòng riêng, bao gồm F0 mới phát hiện hay F0 xuất viện sớm, nên nhớ nguyên tắc "ngồi về một bên" so với các thành viên trong gia đình trong căn phòng chung, nếu có thể treo màn, tạo vách ngăn để tự ngăn cho mình một góc nhỏ trong căn phòng chung thì càng tốt. Tất nhiên, mọi người, bao gồm các F0 và các F1 có nguy cơ, đều phải đeo khẩu trang liên tục trong không gian không được ngăn cách hoàn toàn đó.

Nhà vệ sinh nếu dùng chung thì cần xếp hàng. Mỗi sáng thức dậy, hãy nhường cho người ít nguy cơ, đang khỏe mạnh vào trước. Ai là F0 thì phải vào cuối cùng. Hãy thông báo nhau để đừng "đụng độ" tại nhà vệ sinh bởi không gian chật hẹp, tù túng rất dễ lây. Dùng xong phải tự vệ sinh các bề mặt trong nhà vệ sinh, mở cửa cho thoáng, dùng quạt làm loãng không khí thì càng tốt, rồi người khác mới vào", BS Khanh cho hay.

Cũng theo BS Khanh, đó là nếu trong trường hợp gia đình còn nhiều kiểu F, người bệnh và người chưa chắc mắc bệnh phải sống cùng nhau.

Nếu trong nhà bạn đã toàn là F0, đã xét nghiệm thì mọi người có thể tự chăm sóc nhau, bởi lẽ, F0 nặng hay nhẹ thì cũng không thể lây thêm cho các F0 khác, không có chuyện tiếp xúc với người bệnh nặng thì sẽ thêm virus, bệnh nặng thêm. Các F0 khỏe mạnh lo chăm sóc F0 nặng hơn có khi còn giúp giải tỏa lo âu.

"Tuy nhiên, không vì thế mà gia đình toàn F1 hay gia đình lẫn lộn các loại "F" nên "buông" luôn. Nên nhớ, bệnh này vẫn có một tỉ lệ bệnh nặng nhất định và chưa chắc người trẻ, khỏe thì không chuyển nặng. 

Do đó, hạn chế số người bệnh trong gia đình càng chặt chẽ càng tốt. Và thường những trường hợp gia đình có nhiều loại F mà không gian nhà chật sẽ không đủ điều kiện được cách ly tại nhà, cần được đưa đi cách ly tập trung theo quy định", BS Khanh nói.

BS Trương Hữu Khanh: Cách đảm bảo an toàn cho gia đình có không gian hẹp, nhiều loại F cùng cách ly tại nhà - Ảnh 1.

BS Trương Hữu Khanh.

Virus COVID-19 không lây qua đường thông gió, đừng bắt F0 phải đóng cửa

Thêm một vấn đề hiện nay, có rất nhiều trường hợp thuộc diện F0, F1 phải cách ly tại nhà. Khi biết điều đó, nhiều gia đình sống xung quanh nhà F0 thường sẽ mang tâm lý đề cao cảnh giác, sao cho bản thân không bị nhiễm bệnh theo.

Một trong những việc mà họ cho rằng sẽ giúp bản thân bảo vệ sức khoẻ tốt hơn chính là việc kêu gọi đóng cửa, bắt hàng xóm là F0 phải đóng cửa kín mít.

Tuy nhiên, theo BS Khanh việc làm này là không cần thiết. Bác sĩ Khanh nhận định, virus chỉ bám vào các giọt bắn chứ không bay tự do trong không khí. Khi ở trong môi trường tù túng và lạnh thì những giọt bắn vẫn có thể lơ lửng. Vì vậy việc đóng kín cửa sổ cũng không hề có tác dụng gì. Bởi ngay khi bay ra ngoài, virus lập tức bị làm loãng, thậm chí sẽ bị triệt tiêu nếu gặp khí nóng.

Mọi người chỉ bị lây nhiễm nếu tiếp xúc gần với F0, hoặc cách thức tiếp tế thực phẩm, đưa đồ ăn... không đảm bảo an toàn phòng dịch. Ngay cả tại các chung cư cũng không có chuyện lây lan dịch bệnh thông qua giếng trời, mà thực tế nơi đáng lo là hành lang, tay nắm cửa, thang máy dính virus...

"Thế nên, mọi người đừng bắt F0 phải đóng cửa, kể cả là trong chính nhà mình hay hàng xóm xung quanh. Để yên tâm hơn, mọi người có thể bật thêm quạt trong phòng để tạo sự thông thoáng.

Việc bắt hàng xóm là F0 đóng cửa không chỉ vô tác dụng mà còn khiến cho những bệnh nhân đó bị ảnh hưởng đến sức khoẻ. Bởi lúc này, cơ thể họ đang yếu hơn so với người bình thường, nếu phải sống trong một không gian ngột ngạt, tù túng thì bệnh sẽ chuyển biến nặng hơn. Chưa kể, người sống chung nhà với F0 còn có thể bị nhiễm bệnh theo. Điều đó mới đáng lo ngại.

Nếu những người hàng xóm quanh bạn vô tình trở thành F0, F1 thì họ chỉ cần ở yên trong nhà, không tiếp xúc gần với bất kỳ ai và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định cách ly và phòng dịch là được. 

Trong khoảng thời gian này, họ cũng phải chiến đấu chống lại Covid-19, tâm lý rất dễ bị căng thẳng, hoang mang, thế nên nếu sống xung quanh, xin đừng tạo sự xa lánh không cần thiết", BS Khanh khuyến cáo.

 

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/bs-truong-huu-khanh-cach-dam-bao-an-toan-cho-gia-dinh-co-khong-gian-hep-nhieu-loai-f-cung-cach-ly-tai-nha-161211408190318491.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang