Trong các bài đăng gần đây trên trang zhihu, có một chủ đề được đặt ra đã khiến cho nhiều chị em phải trầm ngâm suy nghĩ và thu hút được rất nhiều câu trả lời từ các thành viên của diễn đàn.
Một người dùng ẩn danh đã đăng tải bài viết với rất nhiều vấn đề nhức nhối xoay quanh việc sinh nở của chị em phụ nữ.
Bạn nghĩ mình nên biết điều gì khi sinh con nhưng chưa ai nói cho bạn nghe?
Đó là câu hỏi khiến tôi cảm thấy sốc nhất trong rất nhiều chủ đề về sinh nở của phụ nữ.
Tại sao rất nhiều phụ nữ chọn không sinh con? Và nếu việc sinh nở mang đến nhiều đau đớn và tàn phá cơ thể khủng khiếp như vậy, tại sao bao nhiêu phụ nữ vẫn chấp nhận hy sinh mọi thứ, chỉ mong được có con?
Trong phần phản hồi có đến hơn 1000 người mẹ đã mở lòng chia sẻ về câu chuyện của riêng mình. Tất cả họ dù chưa từng gặp gỡ nhưng từng câu chuyện của họ có một sự kết nối vô hình, dường như mọi người đã quen thân từ rất lâu.
Một người mẹ giấu tên đã đăng tải bức ảnh chiếc bụng của cô 10 ngày sau khi sinh.
Cô ấy viết: “Chị em ơi, sinh con đau đớn và làm cho bụng mình đầy vết rạn thì ai cũng biết rồi, nhưng ngoài ra còn có vấn đề khác gọi là sạm da sau sinh nữa…”
Nhìn chiếc bụng nhũn nhẽo sề ra do vẫn chưa kịp phục hồi sau khi đẻ, chẳng khác gì cái trống. Đáng sợ hơn là phần da bụng vừa rạn, vừa nhăn, vừa sạm đen đến hốt hoảng. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy da tay của người mẹ này lại rất trắng, chứng tỏ cô là người có nước da trắng trẻo mịn màng.
Việc sinh con không chỉ mang lại đau đớn mà còn khiến cho làn da người mẹ biến thành chỗ trắng chỗ đen cùng với sự đau khổ khi người mẹ phải dần tập làm quen với điều này.
Sinh con đau đớn cỡ nào?
Một người mẹ nói rằng cô đã từng nghĩ rằng thà chết đi có khi là sự giải thoát cho nỗi đau đó. Tuy nhiên sau tất cả trải nghiệm đau đớn tột cùng, khi phải đối mặt với những đêm thức trắng vì đứa con không chịu ngủ, cô nói:
“Sinh đẻ chẳng phải là chuyện khó khăn nhất bởi chung quy nó chỉ là một khoảnh khắc thôi. Sau khi sinh con mới thật là một con đường dài vô tận. Sinh mạng nhỏ bé đó sẽ khiến tim bạn thổn thức từng giây phút”.
Cô chia sẻ thêm: “Thằng bé khóc cả đêm, phải bế trên người mới chịu ngủ và tôi bắt buộc phải giữ đúng tư thế như vậy không được thay đổi. Chỉ cần một ngọn gió hay cọng cỏ lay động cũng có thể đánh thức nó…”
Chồng của cô ấy đi làm cả ngày, ông bà nội ngoại vẫn chưa nghỉ hưu nên không thể phụ giúp gì thêm. Mọi việc chăm sóc đứa bé chỉ có một mình cô xoay xở. Có những lúc không thể dỗ dành được, thế là hai mẹ con ôm nhau cùng khóc.
Việc mất ngủ triền miên khiến cho đôi mắt người mẹ trũng sâu và thâm lại. Khuôn mặt cô cũng trở nên vàng vọt, thiếu sức sống. Mái tóc không được chăm sóc nên lúc nào cũng rối bù và bết lại, cộng thêm việc rụng tóc sau sinh lại càng khiến cho ngoại hình của cô xuống cấp trầm trọng.
“Tôi đã từng ngồi trên bệ cửa sổ tầng 14. Nửa người gần như choài hẳn ra ngoài, tôi nằm lắng nghe tiếng gió thổi. Nhưng tôi chưa bao giờ dám nói với ai rằng tôi sợ bản thân mình đang mắc chứng trầm cảm sau sinh, tôi sợ mình sẽ làm gì đó hại đến con. Tôi thật sự sợ hãi”.
Cô ấy đã không thể tự chữa lành bản thân, càng không thể chia sẻ với gia đình. Việc duy nhất người mẹ này có thể làm là tự trấn an mình, tự ủng hộ mình, cố gắng thật nhiều để từng bước vượt qua giai đoạn tối tăm nhất.
Tôi hỏi một người bạn khác từng sinh con, tại sao nhiều mẹ bỉm sữa thường có cảm giác bấp bênh, dễ sợ hãi đến như vậy?
Cô ấy nhìn tôi chằm chằm với đôi mắt chất chứa nỗi niềm. Rồi cô nói:
“Không biết những người khác thế nào nhưng với tôi, sự xấu hổ đã đánh bại tất cả lòng tự tôn của tôi rồi. Trước khi sinh con, tôi nghĩ mình đã chuẩn bị kỹ lắm nhưng hóa ra không phải vậy.
Sau khi vỡ ối, tôi ở trong phòng chờ sinh con. Lúc này tôi không mặc quần và cứ nằm dạng chân ra như vậy trong suốt quá trình chuyển dạ. Miếng lót dưới mông được thay liên tục. Tôi ăn và đi vệ sinh ngay tại chỗ. Toàn thân tôi cảm thấy rất dơ dáy và khó chịu nhưng không còn cách nào khác.
Đến khi vào phòng sinh, tôi hoàn toàn phải khỏa thân nằm trong một căn phòng đầy người. Tôi biết họ đều là bác sĩ, y tá, những thiên thần tốt bụng sẽ giúp tôi đưa con đến thế giới này. Nhưng tôi lại cảm thấy thật bất lực.
Tôi cảm thấy rằng phẩm giá của mình trong cuộc đời này không còn nữa, giống như một con lợn nái có thể bị giết thịt bất cứ lúc nào”.
Bạn nghĩ rằng nỗi đau chỉ có thế thôi ư? Không, thật sự tôi chỉ trích lại không đến 1% những gì cô ấy kể thôi đấy.
Trong tam cá nguyệt đầu tiên, hơn một nửa phụ nữ mang thai sẽ có những phản ứng mang thai như chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn ói… Tiếp theo, họ có thể bị tăng huyết áp, tay chân phù nề, có người thì mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ…
Tại khoa sản ở các bệnh viện tôi biết có một câu chuyện đáng sợ được lưu truyền, nói về người mẹ đang sinh con thì bị khó thở và ho dữ dội - đây là một trong những triệu chứng khi mẹ bị thuyên tắc nước ối.
Nhưng so với thuyên tắc nước ối, rách tầng sinh môn trong khi sinh thường phổ biến hơn. Nếu nhẹ thì không sao, nếu nặng thì vết rách kéo dài từ âm đạo đến hậu môn.
Sa tử cung và bàng quang sau khi sinh con, bị trĩ sau khi sinh con, hay triệu chứng đau dữ dội vì phân tách xương mu đều là những cái giá mà phụ nữ sẽ phải trả cho quá trình sinh nở.
Nhìn vào những thuật ngữ nhức nhối này, chúng ta phải thừa nhận rằng sinh con quả thật là một chuyện quá kinh khủng, chưa kể đến sự tàn phá của nó gây ra đối với cơ thể phụ nữ.
Có người nói đây toàn là những thông tin gây hoang mang dư luận, khiến các cô gái trẻ sợ kết hôn và không muốn sinh con. Nhưng tôi lại không nghĩ vậy.
Tôi hy vọng rằng phụ nữ có thể nhận ra những vấn đề và di chứng mà họ sẽ phải đối mặt trước khi sinh nở, cũng như học được cách phòng tránh hoặc làm giảm bớt những nỗi đau này.
Tôi cũng mong phụ nữ, đặc biệt là các bà mẹ, không còn xấu hổ khi trao đổi về các bệnh phụ khoa, tiết niệu và hậu môn trực tràng, có thể nhận thức rõ ràng những rủi ro do sinh sản mang lại và có quyền lựa chọn sinh hoặc không sinh con. Quan trọng nhất là tất cả họ đều nhận được sự quan tâm, thương yêu hơn từ gia đình, đặc biệt là từ người bạn đời của họ.
Một điều nữa là, các mẹ đừng nên lo sợ phải đi gặp bác sĩ.
Lấy ví dụ như vấn đề són tiểu trong thai kỳ và sau khi sinh, mặc dù là tình huống rất xấu hổ mà phụ nữ phải đối mặt trong cuộc đời nhưng với y học hiện đại, hầu hết bệnh nhân đều có khả năng cải thiện tình trạng nhờ vào việc điều trị đúng cách.
Ngoài ra, tại các bệnh viện đều có những khóa học tiền sản và nhiều dịch vụ hỗ trợ giúp chị em phục hồi tốt nhất sau khi sinh.
Cuối cùng, tôi muốn kết thúc bằng một câu chuyện. Tôi từng hỏi cô bạn đồng nghiệp rằng: “Sinh con có đau không?”
“Rất đau”, cô ấy đáp.
“Cô có hối hận khi sinh con không?”, tôi hỏi tiếp.
“Hối hận khi đẻ con, nhưng sinh được thằng bé thì không có điều gì hối tiếc cả”, cô ấy cười lớn.
Tình yêu người mẹ dành cho con khiến cho cô có thể vượt qua được cơn đau cấp 10 như tra tấn trong quá trình sinh nở.
Tôi mong rằng mọi người có thể bày tỏ sự tôn trọng hơn, quan tâm nhiều hơn tới phụ nữ và các bà mẹ bởi những gì họ đã phải chịu mang quá nhiều gánh nặng trong cuộc đời. Họ thật sự là những người rất tuyệt vời!
Khi một người phụ nữ mang thai và sinh nở, hy vọng các thành viên trong gia đình, đặc biệt là chồng cô ấy hãy luôn ủng hộ vợ, yêu thương cô ấy nhiều hơn và để cho người mẹ mới sinh hiểu được rằng, họ sẽ không phải chiến đấu một mình.
(Nguồn: zhihu)
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.