“Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng”
Chẳng biết với những bậc làm cha mẹ khác thì sao chứ với ba mẹ thì con gái lớn của mẹ quả thật là món quà vũ trụ đã quá ưu ái mà dắt đến với mẹ.
Kể từ khi biết hay tin đã mang trong mình một sinh linh bé nhỏ, mẹ chẳng mấy khi ý thức được sự khác biệt và thiêng liêng đó đâu. Bà ngoại cũng hay đùa rằng đúng là đang yên đang lành, ăn chưa no, lo chưa tới lại phải đi làm mẹ trẻ con.
Rồi đến khi con chào đời, ai cũng “dọa” mẹ rằng nuôi con nhỏ vất vả lắm thì mẹ vẫn thấy cuộc sống chẳng khác biệt là mấy, bởi vì con là đứa trẻ ngoan vô cùng, không quấy khóc chẳng ốm đau sài đẹn gì.
Lớn hơn một chút, con tự lo mọi việc cá nhân của mình, chỉ khi không thể tự làm con mới phải lên tiếng nhờ vả ba mẹ mà thôi. Có những lúc mẹ cũng muốn chủ động làm giúp con việc này việc kia, thế nhưng con lại chẳng đòi hỏi điều gì và cũng không “khiến” ba mẹ làm gì hết.
Khi vào cấp 1, các bạn nhỏ còn phải đưa đón hằng ngày thì sáng sớm con đã tỉnh dậy sớm nhất nhà để chuẩn bị đi học, sách vở cũng chẳng cần ba mẹ sắp xếp cho. Thậm chí đôi khi con phải nhắc đến vài lần thì mẹ mới nhớ phải mua đồ dùng học tập cho con.
Đến khi lên cấp 2, bữa sáng của gia đình đã chuyển giao sang cho con phụ trách. Mẹ thường xuyên bỏ bữa cũng bị con “chỉnh đốn” dần. Việc nhà cũng chẳng mấy khi mẹ phải động vào nữa, ai hỏi con cũng trả lời rằng mẹ còn em bé nên con phụ bớt việc cho ba mẹ.
Cứ như vậy, dần dà mẹ cũng quen dần với cá tính độc lập và sự ngoan ngoãn của con. Khi kinh tế gia đình không còn được thoải mái bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, mẹ và ba có cả nghìn việc phải lo toan để đảm bảo cho hai chị em con được đủ đầy nhất.
Chưa bao giờ ba mẹ nhắc đến những khó khăn đó nhưng dường như chẳng thể qua mắt được cô con gái lớn trong nhà. Tết đến con không cần quần áo mới, mỗi ngày đi học đều không lấy tiền tiêu vặt, không đi chơi với bạn bè thường xuyên và luôn làm việc nhà chẳng cần mẹ phải nhờ vả.
Sang đến năm nay, kinh tế gia đình đã trở nên ổn định hơn nhưng guồng quay công việc của ba mẹ vẫn không hề giảm tải. Con gái của mẹ cũng đã vào trung học phổ thông, giống như sinh hoạt hằng ngày, việc học tập của con cũng chưa bao giờ khiến mẹ phải phiền lòng.
Thế nhưng, một buổi chiều khi mẹ đang ngồi làm việc tại cơ quan, một cuộc điện thoại gọi đến khiến nhịp tim của mẹ trở nên dồn dập.
- Chị có phải là phụ huynh của bạn Bảo Minh không ạ?
- Đúng rồi! Cho hỏi ai đấy ạ?
Mẹ rất sợ những cuộc điện thoại bắt đầu bằng câu hỏi “chị có phải là phụ huynh…”, nhất là lúc đó mẹ không ở gần các con, bởi vậy cuộc điện thoại này mẹ nhận được trong tâm trạng vừa lo lắng vừa sợ hãi.
- Em gọi từ trung tâm tiếng anh mà Bảo Minh đang theo học. Hôm nay cháu có xin nghỉ, em muốn xác nhận lại với gia đình để tiện quản lý các cháu.
Mẹ không nhớ chính xác mẹ và cô giáo từ trung tâm đã kết thúc cuộc gọi ấy như thế nào. Có thể với những gia đình khác đây không phải là chuyện quá căng thẳng, thế nhưng với mẹ thì trường hợp này chưa từng xảy ra và mẹ cũng không biết phải xử lý mọi việc ra sao. Nhất là khi nhắn tin với mẹ, con vẫn khẳng định là có tham gia buổi học.
Tối hôm đó, mẹ thấy con về nhà với đôi mắt đỏ hoe, mẹ đã phải tâm sự với chị đồng nghiệp và quyết định không cố tình làm rõ ràng việc này. Bởi vì mẹ tin rằng, nếu đã phải nói dối thì chắc hẳn trong lòng con có những chuyện không thể nói thẳng thắn với mẹ.
Bữa cơm diễn ra bình thường như mọi ngày, ba con cũng chẳng phát hiện ra điểm lạ lùng ở con gái, có lẽ vì đàn ông họ thường ít nhạy cảm hơn. Chỉ có mẹ nhận thấy con trầm tính hơn mọi khi, không cười và chẳng trêu đùa cả nhà như con vẫn thường làm.
Đêm đến, sau khi đã làm hết bài tập, con ôm theo chiếc gối hồng rón rén đứng trước cửa xin được ngủ với mẹ một đêm. Ngay lập tức, mẹ đẩy ba sang phòng ngủ cùng em trai và dành cả buổi tối sẵn sàng nghe con gái tâm sự.
Ấy vậy như, cả đêm hôm đó, con không nói bất kỳ điều gì, chỉ có tiếng sụt sịt rõ rệt trong không gian tĩnh lặng. Con còn sợ mẹ lo lắng đến độ phải giải thích rằng mình bị ngạt mũi. Mẹ cũng hùa theo con, chỉ vỗ về nhè nhẹ cô con gái bé bỏng.
Sau hôm đó, con gần như trở lại bình thường, không còn ủ rũ nữa mà cười tươi vui vẻ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Mẹ cũng thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều, thế nhưng sâu trong lòng, bản năng của một người mẹ mách bảo rằng dường như mọi chuyện không nhẹ nhàng như con đang tỏ ra.
Cho đến cuối tuần, mẹ dọn dẹp nhà cửa để con có thời gian ôn bài trước kỳ thi, lúc sắp xếp lại ngăn bàn của con, mẹ thấy một lá thư không đề tên người nhận…
Trong lúc tò mò chiến thắng lý trí, mẹ đã mở ra và đọc những dòng chữ nắn nót đó. Mẹ biết, con gái mẹ cái gì cũng giỏi chỉ có chữ viết thì dù có tập luyện thế nào cũng không thể đẹp nổi. Hơn nữa, con cũng rất hay viết nhanh cho kịp bài vở thành ra chữ khó đọc vô cùng. Mỗi lần con cố gắng nắn nót từng chữ thì chắc chắn những dòng chữ đó rất quan trọng đối với con.
À! Thì ra đó là một bức thư tình, chắc hẳn đây là bức thư tình đầu tiên của con. Điều khiến mẹ bận tâm nhất là lá thư được viết cách đây khá lâu nhưng vẫn chưa được gửi đi. Là con không muốn gửi hay không đủ can đảm để gửi? Hay phải chăng đã có chuyện gì bất ngờ xảy ra khiến con không thể tỏ nỗi lòng với người bạn đó nữa?
Thật ra mẹ đã suy nghĩ rất nhiều. Mẹ lo con buồn lòng nhưng cũng sợ chuyện yêu đương còn quá sớm với con. Mẹ muốn tâm sự cùng con nhưng lại lo con không vui khi mẹ đọc trộm bức thư đó…
Có cả trăm cả ngàn nỗi trăn trở với mẹ. Mỗi sáng tỉnh giấc, thế giới ngoài kia đặt lên vai những người mẹ quá nhiều gánh nặng, nó khiến mẹ quên mất rằng con gái của mẹ cũng đã đến tuổi có những rung động đầu tiên. Những rung động đẹp đẽ và mong manh đến thế…
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.