Chắc hẳn gia đình nào có hai con, nhất là hai bé trai thì đều không khỏi đau đầu trước những cuộc cãi vã, tranh giành chí choé của lũ trẻ. Chúng làm ầm ĩ nhà cửa cả ngày vì đủ thứ chuyện, từ tranh giành đồ chơi, thức ăn đến những câu chuyện đậm chất trẻ thơ.
Song ở cạnh nhau thì cãi nhau ỏm tỏi cả ngày thế thôi, chỉ cần xa nhau một ngày có khi lũ trẻ đã thấy nhớ nhau rồi. Câu chuyện của một bà mẹ có 2 con trai dưới đây chính là một minh chứng hùng hồn chứng minh cho nhận định đó.
Bà mẹ này chia sẻ cả kỳ nghỉ hè cô đến là đau đầu nhức óc vì hai cậu con trai đang tuổi nghịch ngợm, hiếu động. Mong ngóng và trông đợi mãi, cuối cùng thì cậu con lớn của cô cũng bước vào năm học mới. Bé đi học cả ngày, từ sáng đến chiều mới có mặt ở nhà.
Bà mẹ này cứ nghĩ rằng cậu con trai nhỏ cũng có chung tâm trạng với mình. Bình thường bé luôn là người chịu thiệt thòi trong những “trận chiến” với anh trai, vì sức lực nhỏ bé và tuổi tác thua kém. Anh trai đã đi học, cậu bé một mình một thế giới, thích làm gì thì làm, không bị ai ngăn cản, tranh giành. Bé có thể thoải mái chơi đồ chơi và xem phim hoạt hình theo ý thích.
Thế nhưng phản ứng của con trai út lại khiến bà mẹ này vô cùng bất ngờ. Quả thực trong mấy ngày đầu, con trai út có vẻ rất thoải mái và vui vẻ. Nhưng niềm vui ấy lại không kéo dài được lâu, tinh thần cậu bé nhanh chóng trở nên ảm đạm, thậm chí có thể dùng từ “suy sụp” để miêu tả.
Cậu bé không còn hào hứng với các món đồ chơi mà trước đây phải rất vất vả để tranh giành với anh trai. Bé cũng không thiết tha xem tivi nữa. Cậu bé thường xuyên bày ra tâm trạng chán nản và nằm vạ vật ở bất cứ góc nào trong nhà.
Người mẹ lúc đó mới ngạc nhiên nhận ra rằng cậu con trai út của mình thực ra đang rất nhớ những ngày tháng chí chóe tranh giành với anh trai trước đây.
Cư dân mạng sau khi xem xong những hình ảnh về cậu con trai út mà bà mẹ này đăng tải thì đều tỏ ra rất thích thú. Mọi người sôi nổi để lại bình luận: "Những món đồ chơi không có ai tranh giành bỗng dưng trở nên chán ngắt và không còn sức hấp dẫn nhỉ", "Không có đối thủ cạnh tranh nên không có động lực đây mà", "Tình anh em thật gắn bó bền lâu".
Bé trai dường như trở nên "suy sụp" khi phải xa anh trai.
Qua câu chuyện mà người mẹ này chia sẻ, chúng ta có thể thấy trong mắt người lớn thì sự cãi vã và tranh chấp giữa những đứa trẻ không phải là những hành động tốt. Thế nhưng thực tế chúng chưa chắc đã gây ảnh hưởng xấu đến các con như người lớn vẫn nghĩ. Đôi khi đó là cách mà mối quan hệ giữa những đứa trẻ diễn ra.
Do đó mới nói cha mẹ không nên can thiệp vào mâu thuẫn giữa các con, hãy để lũ trẻ tự giải quyết vấn đề của chúng, qua đó chúng sẽ tìm ra phương thức ở chung hợp lý nhất. Chỉ khi nào mâu thuẫn đẩy lên quá mức cho phép thì cha mẹ mới nên tham gia, can thiệp.
Theo afamily.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.