Các con mâu thuẫn, Mẹ Sài Gòn chia sẻ kinh nghiệm đối phó: Chỉ giữ vai trò cầu nối và tôn trọng cảm xúc của con

Bà mẹ 2 con đã có cách xử lý rất tinh tế trước tình huống mà nhiều gia đình gặp phải.

Nhiều bậc phụ huynh phải thừa nhận rằng trong một gia đình có đông con thì việc cãi cọ, tranh giành nhau là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng điều quan trọng nhất là cách người lớn giải quyết vấn đề đó ra sao và như thế nào để vừa đảm bảo công bằng cho các con vừa khiến các bé cảm thấy thoải mái, vui vẻ. 

Không ít các ông bố bà mẹ mỗi lần lâm vào tình huống trên đều vô cùng mệt mỏi, hoặc là mắng mỏ, quát tháo, đe dọa các con không được phép cãi nhau nữa, hoặc là để mặc mọi chuyện tự các bé giải quyết. Thế nhưng chị Trương Thị Tố Trinh (34 tuổi, sống tại Tp. Hồ Chí Minh) lại có cách xử lý của riêng mình. 

Hai con khóc nức nở vì giành nhau đồ chơi, dù kiệt sức và nổi giận nhưng mẹ Sài Gòn đã làm cách này khiến ai cũng phục - Ảnh 1.

Hai anh em ngoài lúc chí chóe thì rất hòa thuận, yêu thương nhau.

Ép các con phải hòa thuận sẽ khiến cả 2 bé không thoải mái

Chuyện là vào một ngày, bé anh tên Tây (5 tuổi) cảm thấy không vui vẻ và không sẵn sàng chia sẻ đồ chơi với em. Điều này khiến cô bé Sie (2 tuổi) tức giận. Sau 15 phút cãi nhau, Sie òa khóc nức nở và ôm chầm cầu cứu mẹ. Chị Tố Trinh lúc này đang mệt, kiệt sức và cực kỳ tức giận. 

Nếu như trước đây, chị Trinh sẽ lập tức giải quyết mọi thứ trong tình trạng kiệt sức và mệt mỏi. Bà mẹ 2 con cho biết không phải lúc nào các mâu thuẫn cũng có thể giải quyết êm đẹp và hiệu quả. Và lần này, cả chị, anh và em gái đều đang trong trạng thái quá tải về mặt cảm xúc. Mọi phương pháp giảng hoà, định hướng hay khuyên nhủ giảng dạy của bố mẹ không hẳn có tác dụng. Quả thật, tình huống này bé em vẫn buồn và giận anh hai lớn tiếng. Anh hai vẫn chưa bình tĩnh để thấy em gái đang cảm thấy như thế nào. Và quan trọng là mẹ còn đang mất bình tĩnh.

Không nên giải quyết bất cứ chuyện gì khi đang tức giận

Để tránh lặp lại tình trạng tương tự, chị Trinh đã lựa chọn một cách khác để giải quyết chuyện của các con. Khi các bé giận nhau, chị quyết định dỗ Sie đi ngủ trước và bảo con lớn rằng "mẹ con mình cần thêm chút thời gian", sau đó bà mẹ 2 con sẽ ngủ một giấc ngắn để bình tâm lại. 

Bởi giải quyết một chuyện trong trạng thái tức giận là điều không nên chút nào. Nếu mẹ không cảm thấy vui vẻ hạnh phúc thì làm sao các con có thể cảm nhận điều đó. Hay nói cách khác nếu mẹ khó chịu, bực tức thì cơn nóng giận đó sẽ bị áp đặt và làm các bé khó chịu, lâu dần sẽ khiến mối quan hệ giữa mẹ và các con đi xuống. 

Hai con khóc nức nở vì giành nhau đồ chơi, dù kiệt sức và nổi giận nhưng mẹ Sài Gòn đã làm cách này khiến ai cũng phục - Ảnh 2.

Cách xử lý của mẹ khiến các bé đều cảm thấy thoải mái.

"Cuối cùng, mình đã xử lý tình huống như thế nào? Mức độ hạnh phúc lúc ấy rất thấp, và hoàn toàn không thích hợp để kết nối và xử lý tình huống trọn vẹn. Mình cho bản thân thời gian, không giải quyết trong kiệt sức. Mình bảo con "Giờ hai con cần được tách riêng đến khi có thể chơi lại cùng nhau".

Mình nghĩ về câu hỏi chọn 3 từ để con miêu tả về bạn. Mình chọn yêu thương, quan tâm và công bằng. Vậy sau khi thức dậy, đối diện hai đứa trẻ đang giận nhau, mình có thể làm gì? Để con thấy rằng mẹ yêu thương, quan tâm công bằng với hai anh em. Sau khi em ngủ dậy, anh hai đã bình tĩnh và chờ em đi đạp xe nhưng em vẫn còn buồn và ngoảnh mặt đi. 

Lúc này anh hai thật sự cảm nhận được việc anh hai lớn tiếng đã khiến em buồn giận và từ chối chơi cùng. Tây bắt đầu khóc, xin lỗi em gái và rủ em cùng chơi. 

Mình ôm cả hai bé vào lòng và xin lỗi vì cơn nóng giận. Giờ là lúc sửa chữa mọi thứ".

Hãy trở thành cầu nối để mang hai đứa trẻ đến gần nhau

Nói với bé lớn:

- Vì sao em giận con?

- Con nghĩ con có thể làm gì để sửa chữa điều này?

- Mẹ sẽ giúp con kết nối lại cùng em nhé?

- Lần sau con nghĩ hai anh em có thể làm gì?

- Nếu được hướng dẫn thì con sẽ chọn nói gì với em?

Nói với bé nhỏ:

- Vì sao anh hai lại tức giận như vậy con biết không?

- Anh hai đã buồn vì em giận, giờ con có muốn giúp mẹ lau nước mắt, và ôm anh một cái không?

- Anh hai cảm thấy khó chịu vì con chạm vào đồ anh mà chưa xin phép hay được anh đồng ý, lần sau con hãy xin phép anh hai trước nhé. 

Kết thúc bằng cái ôm chữa lành của gia đình bố,mẹ và hai con. Khoảnh khắc em gái lau nước mắt cho anh hai, khiến mẹ vỡ òa. 

Và thế là mọi chuyện được giải quyết trong êm đẹp. Các con đều hiểu ra và xin lỗi nhau còn mẹ thì không bị áp lực hay giận dữ đè nén. Chị Trinh tâm sự không có đứa trẻ hoàn hảo hay người mẹ hoàn hảo, quan trọng là sau tất cả chúng ta có lại tìm thấy và kết nối lại cùng nhau.

Hai con khóc nức nở vì giành nhau đồ chơi, dù kiệt sức và nổi giận nhưng mẹ Sài Gòn đã làm cách này khiến ai cũng phục - Ảnh 3.

Các bé có những giây phút hiếu động, nghịch ngợm và đáng yêu thế này đây.

Chia sẻ thêm về câu chuyện của mình, bà mẹ 2 con cho biết các con thường cãi nhau khoảng 1 đến 2 lần một ngày nhưng sau đó vẫn rất gắn kết và yêu thương nhau. Các bé cãi nhau không phải vì ghét nhau, mà bé em cần được hướng dẫn để chơi hoà hợp cùng anh mà không gây ảnh hưởng đến anh hai. Bé anh thì cần được đồng cảm và hướng dẫn về cảm xúc.

"Mỗi lần các con giận nhau mình thường không chọn phe bênh vực - không trừng phạt hay thưởng để làm hài lòng bên nào - không hứa hẹn giải pháp - đảm bảo lắng nghe hai bên - đảm bảo đi tìm giải pháp - đảm bảo không làm tổn thương cơ thể của nhau. Rất khó để hai đưa trẻ đang phát triển không có bất kỳ mâu thuẫn nào. Quan trọng là khi mâu thuẫn phát sinh, bố mẹ sẽ làm gì để con học được cách giải quyết nó", chị Trinh chia sẻ.

 

 

Link gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/cac-con-mau-thuan-me-sai-gon-chia-se-kinh-nghiem-doi-pho-chi-giu-vai-tro-cau-noi-va-ton-trong-cam-xuc-cua-con-22202123101787213.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang